Những "hạt sạn" trong vay vốn xóa đói, giảm nghèo

17/03/2013 17:15

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành nguồn lực đáng kể đầu tư chăm lo cho các hộ nghèo. Chính sách vay vốn dành cho hộ nghèo cũng là một phần trong những nỗ lực đó. Thế nhưng vẫn còn không ít trường hợp lợi dụng chính sách này vay vốn sử dụng không đúng mục đích, cho vay không đúng đối tượng, hoặc một số không chịu trả nợ ngân hàng…

(Baonghean) - Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành nguồn lực đáng kể đầu tư chăm lo cho các hộ nghèo. Chính sách vay vốn dành cho hộ nghèo cũng là một phần trong những nỗ lực đó. Thế nhưng vẫn còn không ít trường hợp lợi dụng chính sách này vay vốn sử dụng không đúng mục đích, cho vay không đúng đối tượng, hoặc một số không chịu trả nợ ngân hàng…

Chúng tôi đã đến nhiều xã, nhiều huyện có sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. 10 năm qua, chương trình đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng/năm cho hộ nghèo và hộ chính sách trên địa bàn vay vốn làm nhà ở, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu như gia đình anh Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Cao Nguyên ở xóm 7, xã Hoa Sơn (Anh Sơn); anh Bùi Bá Hợi, Trần Bá Huy ở thôn Thung Mòn, xã Đồng Văn (Tân Kỳ); anh Dương Văn Phượng ở xóm 2, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên); chị Lang Thị Nga ở xã Mường Nọc (Quế Phong); anh Nguyễn Đình Hoài ở xã Mỹ Thành (Yên Thành)…

Tuy nhiên, vẫn có nơi việc bình bầu hộ nghèo không đúng dẫn đến việc đồng vốn vay của ngân hàng không được sử dụng đúng mục đích. Nhiều hộ có điều kiện nhưng vẫn được bình bầu hộ nghèo, được vay vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng lại đầu tư làm nhà ở. Có nơi cả làng, cả xóm đều là hộ nghèo dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn khó khăn. Bên cạnh đó, công tác giám sát, đôn đốc chưa chặt chẽ nên nhiều hộ vay vốn còn nợ dây dưa không chịu trả.

Cuối năm 2012, Ban kinh tế xã hội, HĐND TP. Vinh đã giám sát tình hình vay vốn ở một số xã, phường trong thành phố như Nghi Phú, Hưng Lộc, Hà Huy Tập, Hưng Chính... Kết quả giám sát tại Nghi Phú cho thấy: Có 181 hộ được vay vốn (trong đó 150 hộ nghèo, cận nghèo 55 hộ), số vốn được vay trên 3 tỷ đồng. Đa số các hộ vay vốn phát huy hiệu quả, nhưng vẫn có 29 hộ nợ quá hạn trong việc trả lãi, trả gốc với tổng số tiền nợ là 99.960.000 đồng. Giám sát tại Hưng Lộc cho thấy: Có 212 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 223 hộ được vay vốn với tổng số tiền được vay là 5,28 tỷ đồng, có 10 hộ nợ quá hạn, tổng số tiền nợ 53.860.000 đồng; việc thu lãi gặp khó khăn vì có một số đối tượng vay vốn đã đi khỏi địa bàn, không có mặt tại địa phương. Tại xã Hưng Chính, có 85 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 8 hộ nợ chây ỳ, quá hạn số vốn 36,8 triệu đồng…



Một gia đình được vay vốn hộ nghèo nhưng nhà cửa rất khang trang.

Dư luận cũng xì xèo về một số trường hợp vay vốn không đúng đối tượng. Như gia đình chị Thiều Thị M ở Hưng Lam (Hưng Nguyên) năm 2010 thuộc diện hộ nghèo, được Ngân hàng Chính sách Xã hôiội Hưng Nguyên cho vay 20 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, năm 2011, chị làm nhà mới khang trang trị giá khoảng trên 200 triệu đồng. Nhiều người dân thắc mắc sao chị M có tiền làm nhà mà vẫn còn phải đi vay vốn của hộ nghèo, trong khi đó nhiều hộ còn khó khăn hơn lại không được vay vốn.

Tình trạng như trên không nhiều nhưng vẫn có ở các địa phương khác như Tương Dương, Nghi Lộc, TP Vinh… Một số hộ có bò rồi vẫn được vay vốn để mua bò, một số hộ có bò đàn và phương tiện cơ giới sản xuất nhưng vẫn là hộ nghèo. Một số hộ vay vốn hộ nghèo 20 triệu đồng nhưng lại trang trải cho con ăn học...

Chủ tịch UBND xã Hưng Lam - Hưng Nguyên cho biết: “Từ năm 2010 về trước, việc xét duyệt hộ nghèo còn lơi lỏng . Nhưng những năm sau này xã đã siết chặt lại việc bình bầu các hộ nghèo. Do chính sách ưu đãi cho hộ nghèo nhiều nên người dân đều muốn được... là hộ nghèo”. Còn giám đốc một Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện chia sẻ: Tại một buổi giải ngân vốn cho người nghèo và vốn vay học sinh, sinh viên, ông rất khó chịu khi thấy không ít người mặc váy, phóng xe tay ga đến, có người vàng còn đeo rủng rỉnh… nhưng lại đi vay vốn của hộ nghèo. Là người quản lý đồng vốn chính sách, ông không khỏi buồn trước cảnh đó. Ngay cả bản thân người vay có người còn thiếu lòng tự trọng, khi lợi dụng vào đồng vốn khó nhọc của ngân khố để vay cho gia đình mình trong khi bao gia đình khác còn nghèo hơn.



Gia đình ông Nguyễn Giáo Thắng (bên phải) ở xóm 7, xã Nghi Công Nam (Nghi Lộc) được đưa ra khỏi diện hộ nghèo dù trong nhà không có tài sản gì.

Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn, phá sản, kinh tế suy thoái, sản xuất khó khăn, nguồn vốn dành cho người nghèo vẫn được đảm bảo, chăm lo. Tuy nhiên, để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất, các cấp chính quyền cần quản lý chặt chẽ để việc bình xét hộ nghèo được thực hiện công bằng, đúng đối tượng. Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương cũng cần tăng cường quản lý nguồn vốn vay để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, giảm nợ quá hạn...


Trân Châu