Tỷ lệ sử dụng thuốc nội chưa cao, do đâu?

07/04/2013 17:31

Bác sĩ chưa nắm thật rõ sự thay đổi lớn trong sản xuất thuốc nội

Ngành y tế đã có chủ trương khuyến khích dùng thuốc nội từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau Chỉ thị Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, lẽ ra tỷ lệ dùng thuốc nội tăng hơn, song ngược lại, tỷ lệ dùng thuốc nội có xu hướng giảm dần từ 52% (2007) xuống 47,82% (2011), riêng năm 2010 chỉ 47,36%. Thử tìm hiểu nguyên nhân?

Bác sĩ chưa nắm thật rõ sự thay đổi lớn trong sản xuất thuốc nội

Đến thập niên 1980 - 1990, để tự lực cung cấp thuốc cho dân, nguồn sản xuất, cung ứng thuốc nội ở nước ta mới được bung ra nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn nhập trước đó từ các nước trong hệ thống XNCN cũ. Lúc đó, hầu hết doanh nghiệp (DN) dược có nhà xưởng chật chội, trang thiết bị thô sơ, nguyên phụ liệu thiếu thốn, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, công nhân lành nghề không đủ. Do vậy, thuốc nội sản xuất trong thời điểm đó chất lượng không cao, không thể sánh bằng thuốc nhập ngoại từ các nước có nền công nghiệp dược phẩm phát triển lâu đời như Anh, Pháp hay Mỹ. Bấy giờ, bác sĩ coi chất lượng thuốc ngoại cao hơn thuốc nội như là giải pháp hữu hiệu để kê đơn.




Tỷ lệ sử dụng thuốc ngoại vẫn cao hơn thuốc nội.

Đến giai đoạn sau, khoảng 20 năm trở lại đây, hầu hết các DN dược nước ta đã được đầu tư xây dựng, dần hoàn thiện nhiều kỹ thuật, dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại, nhiều nhà máy, DN dược đã đạt chuẩn GMP (sản xuất thuốc tốt) theo tiêu chuẩn ASEAN, WHO. Những khó khăn đã bị đẩy lùi. Ví dụ như, trước kia, công đoạn xát hạt phải làm bằng tay trên lưới nhôm, tạo ra hạt không đều, khó tránh nhiễm khuẩn, nay đã dùng máy tạo ra hạt chuẩn, tránh nhiễm khuẩn. Trước đây, công đoạn sấy phải dùng lò bằng than, bằng điện, khó khống chế nhiệt độ, nay đã dùng máy sấy nên phẩm chất thuốc được đảm bảo. Do thế, chất lượng thuốc nội đã dần được nâng cao hơn nhiều. Tỷ lệ thuốc chưa đạt tiêu chuẩn (phải thu hồi) chỉ 0,6 - 0,8%, xấp xỉ với nhiều nước khác. Năm 2004, thuốc nội đã xuất khẩu ra nước ngoài 13 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít bác sĩ vẫn chưa thật sự nắm rõ sự thay đổi này, họ vẫn giữ cách nhìn chất lượng thuốc nội như 20 năm trước. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở nước ta vẫn chưa cao.

Nhà sản xuất trong nước chưa đưa thông tin thuốc đầy đủ cho bác sĩ

Nhà sản xuất nước ngoài rất chú ý đến việc giới thiệu thuốc cho bác sĩ (BS) nên tờ thông tin thuốc rất đủ nội dung (tên thương mại, tên khoa học, dược lý, dược động học, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, những thận trọng cần thiết, liều lượng, cách dùng, điều kiện bảo quản có khi còn kèm theo cả các quy trình nghiên cứu). Thí dụ: tờ thông tin về thuốc hạ huyết áp nifedipin (bd: adalat) dài đến 3 trang, trong đó nêu rất rõ sự khác nhau về công dụng, tai biến, cách dùng của từng loại biệt dược (loại giải phóng hoạt chất nhanh, loại giải phóng hoạt chất chậm hàm lượng 10mg và hàm lượng 20mg). Trình dược viên các hãng thuốc ngoại còn khôn khéo đưa mẫu thuốc, tờ giới thiệu ấy đến từng BS (đó là còn chưa nói đến việc kê đơn hưởng % hoa hồng cho bác sĩ).

Còn các nhà sản xuất thuốc nội thì rất ít chú ý điều này nên tờ thông tin thuốc không đầy đủ, thậm chí sơ sài và chỉ nằm ở nhà thuốc mà không đến với đội ngũ BS. Có nhiều cuộc hội thảo về thuốc ngoại nhưng rất hiếm hoi với thuốc nội.

Do thiếu thông tin về thuốc nội nên khi kê đơn, BS ít nhớ đến tên thuốc nội mà nhớ nhiều đến tên thuốc ngoại.

Chưa hẳn bác sĩ “mờ mắt” trước hoa hồng của thuốc ngoại

Trước 1989, BS không được hành nghề tư, kê đơn thuốc ngoại cho các cơ sở bán thuốc không hợp pháp, hưởng hoa hồng. Từ năm 1989, hầu hết các BS (về hưu hay đương chức) đều được phép mở phòng khám tư. Tính đến 2011, cả nước đã có 30.000 phòng khám tư. Do quản lý chưa chặt chẽ nên các phòng khám tư vừa khám bệnh vừa bán thuốc (mà không kê đơn). Các nhà thuốc (tư nhân) ngoài bệnh viện không có hoặc rất ít có đơn BS để bán. Do vậy, nhận định BS “mờ mắt” trước hoa hồng nên kê đơn thuốc ngoại giá cao cho nhà thuốc tư để hưởng hoa hồng cũng không hẳn hoàn toàn phù hợp với thực tế, có chăng thì cũng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (!).
Chưa hẳn lỗi “sính dùng thuốc ngoại” của người dân.

Theo Bộ Y tế cũng như theo tổng kết của một số sở y tế địa phương, thì số thuốc dùng ở bệnh viện (BV) chiếm 60 - 70% trong tổng số thuốc dùng trong toàn quốc. Riêng thuốc bán lẻ trên thị trường thì nhà thuốc bệnh viện cũng chiếm 70 - 80% doanh số chung. Khảo sát của Cục Điều trị (2006) trên 600 BV lớn nhỏ thì tỷ lệ thuốc nội tính theo chủng loại chiếm 40%, tính theo lượng tiền chiếm 19 - 20%. Khảo sát mới nhất của Cục Điều trị (2011) cho biết, tổng số thuốc dùng trong BV là 18.500 tỷ đồng, thuốc ngoại chiếm 11.300 tỷ đồng (61%) thuốc nội chiếm 7.200 tỷ đồng (38,9%).

Thuốc dùng trong nội viện, cấp phát tại phòng khám đều do BV mua thông qua đấu thầu và thuốc bán tại nhà thuốc BV cũng do chính BV mua và BS của BV kê đơn. Như vậy, người bệnh dùng thuốc theo y lệnh, theo đơn chứ không hẳn theo thị hiếu của họ. Số thuốc này như nói trên chiếm đến 70% tổng số thuốc dùng. Cho nên nhận định tỷ lệ dùng thuốc nội thấp là do người bệnh có thị hiếu “sính dùng thuốc ngoại” chưa hẳn là hoàn toàn đúng, có chăng thì cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (!)

Hệ quả của mối quan hệ y - dược lỏng lẻo

Người bệnh dùng thuốc họ tự mua hay dùng theo y lệnh, theo đơn của BS khi đi khám. Dược sĩ tuân thủ quy chế, chỉ bán khi có đơn hợp lệ của BS, ngay với thuốc bán không cần đơn cũng chỉ được bán một số lượng đủ dùng. Như vậy, việc mua - bán không chỉ lệ thuộc vào cung - cầu mà còn lệ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, khác với mặt hàng tiêu dùng khác, dược phẩm là thị trường không hoàn hảo. Trong thị trường dược phẩm không hoàn hảo như vậy, mối quan hệ giữa nhà sản xuất - người kê đơn hay nói cụ thể ra là mối quan hệ y - dược có tính điều tiết quyết định đến việc tiêu thụ thuốc. Trong khi đưa ra những nhận định chưa hẳn hoàn toàn đúng hay phù hợp thì chúng ta vẫn chưa củng cố được mối quan hệ y - dược cho thật chặt chẽ, thậm chí có nơi có lúc rất lỏng lẻo. Hệ quả mang lại là việc tăng doanh số bán ra, tăng tỷ lệ dùng thuốc nội khó đạt được cao như mong muốn.


Theo Sức khỏe và đời sống - TH