Gặp phó chủ tịch xã trẻ Hà Minh Tuấn

29/01/2013 11:11

(Baonghean.vn) - Khi đăng kí vào chương trình 600 phó chủ tịch xã trẻ, Hà Minh Tuấn cũng như các đội viên còn lại đều xác định lên non đồng cam cộng khổ, gắn bó với đồng bào để góp sức xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Cuối năm, tôi có dịp trở lại miền biên viễn Quế Phong, không khí ngày xuân rộn rã, tươi vui len lỏi khắp các bản làng. Đâu đó, từ bên trong các nếp nhà sàn vang lên tiếng cười nói rôm rả mừng năm mới sắp đến, chia tay năm cũ. Với Hà Minh Tuấn, thời gian cuối năm đến với anh trong tâm trạng thật chộn rộn, xao xuyến. Cùng với 25 đội viên trẻ của tỉnh, anh đảm nhận chức Phó Chủ tịch xã Châu Kim từ tháng 5 năm 2012 - một vị trí công tác được Đảng và Nhà nước gửi gắm nhiều kì vọng.

Nhớ lại ngày đầu tiên, tâm trạng Tuấn vẫn bồi hồi: “Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn ùa về. Ban đầu là cảm thấy rất hồi hộp, có phần lo lắng vì ở vị trí công tác mới có nhiều thứ mình còn rất bỡ ngỡ, rồi cũng không biết phản ứng của bà con dân bản ra sao… Nhưng cảm giác đó cũng qua nhanh, nhường lại cho tâm trạng phấn chấn khi trực tiếp đứng mũi chịu sào thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào. Bây giờ nghĩ lại mới thấy thời gian trôi đi quá nhanh, công việc cứ cuốn lấy, vậy mà bao dự định còn dang dở”.

Nhận chức danh Phó Chủ tịch xã, Hà Minh Tuấn được giao phụ trách mảng nông nghiệp và chuyên trách xây dựng nông thôn mới. Anh hồ hởi giới thiệu thành quả bước đầu. Đi đến đâu cũng nhận được lời chào thân mật của bà con dân bản, nhìn cái cách anh trao đổi, chợt nhận ra vị phó chủ tịch xã trẻ đã rất chững chạc, tự tin.

Tôi dạm hỏi già Hòa – Vi Văn Hòa ở bản Khoẳng, xã Châu Kim về Tuấn, ông cười sảng khoái, nói: “Cán bộ trẻ rất được lòng bà con. Mới đầu, nhìn anh Tuấn trẻ tuổi mà đã làm phó chủ tịch, dân bản ta còn chưa tin tưởng đâu. Nhưng quan sát từ từ thì thấy anh ấy làm tốt, tận tình hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vận động làm nông thôn mới. Chừ ta tin tưởng rồi”. Nói vậy, để thấy quá trình các tri thức trẻ tạo lập được uy tín trong lòng dân bản thực không hề đơn giản. “Thời gian đầu mình cũng vất vả nhiều. Đồng bào thật bụng nhưng khi chưa tin tưởng thì rất khó làm việc. Giờ thì thông suốt rồi, bà con tin tưởng ủng hộ, công việc cũng trôi chảy hơn”, Tuấn chia sẻ.

Thử thách đầu tiên với Tuấn đó chính là vận động nhân dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Mặc dù có điều kiện đất đai rộng rãi, phì nhiêu vào hàng nhất nhì huyện Quế Phong nhưng hiệu quả kinh tế của cây lúa ở Châu Kim rất thấp. Tuấn nhận ra yếu kém nằm ở tập quán canh tác. “Điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng bà con lại sử dụng nhiều loại giống trên một cánh đồng nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Do đó, làm cũng chỉ để ăn chứ không bán được”. Nhiều lần ngược xuôi đến với dân bản, cuối cùng anh cũng vận động được mọi người tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 30ha và cùng sử dụng một giống lúa.




Hà Minh Tuấn cùng dân chăm sóc vườn rau

Tuấn liên hệ với Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An để đưa giống lúa NA2 về cho nhân dân gieo cấy và kéo công ty vào bao tiêu sản phẩm thời điểm cuối vụ. Năng suất lúa đạt cao, công ty về mua lúa tươi một tấn 5,5 triệu đồng, lúa khô một tấn 7,2 triệu đồng, cao hơn 10% so với bán trên thị trường. Cũng chân ruộng đó, trước chỉ làm để ăn, nay làm vừa đủ ăn vừa bán có tiền, dân bản ai cũng vui, thêm phần tin tưởng vào “ông phó chủ tịch xã trẻ”. Vụ mùa năm nay, chưa cần vận động, những hộ mùa trước còn nghi ngại, dè dặt đều tự nguyện tham gia. “Diện tích trồng NA2 tăng lên gấp ba lần so với năm đầu, đạt 90 ha, chứng tỏ bà con đang tin tưởng vào cách canh tác mới, quen dần với làm lúa hàng hóa”, Tuấn đúc kết.

Câu chuyện làm nông nghiệp hàng hóa ngày càng sôi nổi trên đường Tuấn dẫn chúng tôi đến bản Muồng để xem mô hình trồng bắp cải. Ở đây, anh đang hướng dẫn 4 hộ gia đình người dân tộc Thái trồng 1ha bắp cải bán đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Vừa đến đầu bản, nhác thấy bóng cán bộ Tuấn, chị Lô Thị Hạnh đã vội hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc bắp cải do trời lạnh bất thường. Bỏ qua những thủ tục xã giao, chúng tôi theo chị đi thẳng ra ruộng. Cả nhà chị Hạnh cũng ra theo để nghe Tuấn hướng dẫn. “Lần đầu tiên trồng cây bắp cải, mình phải hỏi cán bộ Tuấn từng ly từng tý để tích lũy kỹ thuật. Những mùa sau còn chủ động chăm sóc, không phiền đến xã nữa”, chị Hạnh thật thà.

Mùa này, gia đình chị làm 1,5 sào bắp cải, đã cận Tết thấy cả vườn rau phát triển xanh tốt. “Hy vọng năm nay ăn tết nhờ bắp cải”, nghe câu nói hồn nhiên chứa cả niềm hy vọng, tin tưởng, giữa ruộng rau, vang lên những tiếng cười giòn tan. “Mình tính toán để vụ bắp cải bán đúng dịp Tết. Đến bây giờ, rau phát triển tốt. Nếu cứ tính theo giá thị trường hiện nay, bà con sẽ có thu nhập kha khá”, Tuấn nói. Chia tay những mô hình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đi thăm con đường nông thôn mới. Nhìn con đường rộng rãi người dân Châu Kim ai cũng phấn khởi. Đã có 127 hộ ở bản Muồng đóng góp tiền mặt 400 ngàn đồng/khẩu, tự nguyện hiến đất, góp công để làm đường.

Tuy nhiên, câu chuyện vận động nhân dân góp công, góp của không hề đơn giản như vậy bởi dân bản đã quen với suy nghĩ làm cái gì cũng đã được Nhà nước hỗ trợ. “Hôm đầu tiên thông báo, họp dân đặt ra kế hoạch, nghe đóng tiền bà con bỏ về gần hết. Hôm khác lại lên họp, có người vào hội trường ngồi, có người ngồi ngoài cửa nghe ngóng. Mình đề ra phương án, chính bản thân mình sẽ đi nợ vật liệu xây dựng về làm đường trước còn tiền bà con đóng theo tháng mỗi khẩu 100 ngàn đồng. Gửi thư kêu gọi con em trong xã ở xa đóng góp cho quê hương. Cuối cùng bà con cũng đồng ý”, Tuấn nhớ lại.

Chia tay dân bản, chúng tôi ngược trở ra ủy ban xã, nhìn khói lam chiều tỏa ra từ những ngôi nhà thấp thoáng bên chân núi, cảm giác thanh bình, thư thái lướt nhẹ qua tôi. Con đường phía trước của các đội viên trẻ còn dài, và với hành trang là kiến thức, tinh thần nhiệt huyết, những “ông phó chủ tịch xã trẻ” sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa để đem lại ấm no trong mỗi nếp nhà sàn ở những miền quê rẻo cao hãy còn nghèo khó.


Thành Duy