Khám sức khỏe tiền hôn nhân - Còn nhiều rào cản

11/04/2013 15:38

(Baonghean) - Pháp lệnh Dân số quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn”. Lợi ích thì nhiều nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến bạn trẻ e ngại.

Lê Văn Sơn (27 tuổi, xóm 3, Thanh Tường) khi đưa Thanh (người yêu) về ra mắt gia đình đã vấp ngay sự phản đối: “Nhìn người khô quắt thế kia liệu có sức mà sinh nở không? Con muốn lấy nó thì phải đi khám sức khỏe đi đã. Nếu bệnh tật gì thì chữa cho khỏi rồi hãy cưới”. Biết không thể lay chuyển được ý định của gia đình nên Sơn tìm cách thuyết phục người yêu, nhưng vừa mới mở lời, Thanh như bị dội gáo nước lạnh vào lòng tự ái, liền gắt gỏng: “Anh và gia đình anh nghĩ răng mà bắt tôi đi khám? Nếu bị ốm đau chi thì hủy luôn lễ cưới à? Hóa ra, tình yêu cũng chẳng quan trọng bằng giấy chứng nhận sức khỏe nhỉ? Anh đi tìm người khác mà làm cho đủ bộ hồ sơ sức khỏe ...”. Nói luôn một tràng rồi Thanh uất ức bỏ đi, không kịp để Sơn kịp giải thích một câu.

Nói chuyện khám sức khỏe tiền hôn nhân, vợ chồng anh Hoàng, chị Lam (khối 4, phường Cửa Nam TP. Vinh) vẫn chưa hết sốc. Đều là công chức nhà nước, làm việc ở trong lĩnh vực y tế nên anh chị hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Do đó, trước ngày cưới gần 1 tháng, anh chị thỏa thuận với nhau là sẽ đi khám sức khỏe tổng thể.

Mọi việc tưởng như êm xuôi. Vậy nhưng, sát ngày cưới, ông Kháng (bố chị Lam) đùng đùng gọi anh Hoàng đến nhà, chì chiết: “Anh tưởng con gái tui không lấy được ai nữa chắc? Đừng cậy thế mình này nọ mà xem thường người khác. Anh sợ con gái tui bị bệnh gia truyền, nan y nên mới bắt nó đi khám à? Coi thường nhau thế, không tin tưởng nhau thế thì chuyện cưới xin phải coi lại đã...”. Hóa ra vị “nhạc gia” đó thấy kết quả khám sức khỏe tổng quát của con gái, đem hỏi cậu em trai thì cậu em đùa “Nhà bên đó bảo chị Lam nhà mình muốn về làm dâu thì phải có “chứng chỉ” sức khỏe nên đi khám về để trình duyệt đấy...”. Sau đó, anh Hoàng, chị Lam phải giải thích mãi ông bố vợ mới chịu hiểu và chấp nhận.

Cũng không ít trường hợp, khi hai bên gia đình bảo đi khám sức khỏe trước khi đi đến hôn nhân đã rất ngại ngùng, cố tình lảng tránh, nếu bị bắt buộc đi khám thì đã tìm cách mua kết quả.

Thực tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm mục đích phát hiện những bệnh di truyền, bệnh lây nhiễm… thậm chí vô sinh. Sau đó có phương pháp tư vấn cho người đến khám phòng tránh và điều trị kịp thời các nguy cơ sinh con khuyết tật cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, giúp những người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin, có đủ sức khỏe để có đời sống tình dục tốt, mang thai và sinh con an toàn. Thế nhưng, hiện nay, công tác này còn bị xem nhẹ, rất nhiều nam, nữ ở độ tuổi kết hôn không mặn mà. Bà Phúc Thị Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ DS-KHHGĐ cho rằng: “Lý do thứ nhất, họ cho rằng đối phương (nam hoặc nữ) lo ngại khả năng sinh lý của mình. Thứ hai, họ chủ quan nghĩ rằng mình không thể mắc bệnh được. Thứ ba, họ cho rằng khám sức khỏe là không tin tưởng nhau, không tôn trọng nhau”.



Truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho học sinh
ở huyện Nghĩa Đàn.

Vấn đề khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân còn nhiều rào cản, chưa được quan tâm đúng mức, do đó, đã để lại những hệ lụy khó lường. Một trong những nguy cơ hàng đầu là những căn bệnh di truyền được phát hiện sau khi kết hôn; nhiều trường hợp, do sợ những căn bệnh di truyền nhiều đôi đã nhanh chóng tính chuyện chia tay người bạn đời vừa mới "kết tóc se duyên" được mấy tháng. Cũng có trường hợp, người vợ, người chồng phải chịu nhiều ám ảnh trong cuộc sống gia đình chỉ vì mắc căn bệnh di truyền. Đau lòng hơn cả là những đứa con do họ sinh ra cũng bị dị tật bẩm sinh hoặc tâm thần, nhiễm HIV.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân, bắt đầu từ năm 2006, đề án tiền hôn nhân được triển khai ở xã Thanh Giang (Thanh Chương). Thụ hưởng đề án, mô hình CLB Tiền hôn nhân được thành lập ở 5 xóm trên địa bàn xã đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những công dân trẻ, được tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản – KHHGĐ, có quan điểm đúng đắn về tình bạn, tình yêu, về quan hệ tình dục và biết cách phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Từ việc triển khai thí điểm ở 1 xã, đến nay, đã có 45 xã của 9 huyện được thụ hưởng đề án với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, cấp phát tài liệu, tờ rơi cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; tư vấn và khám sức khoẻ cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên. Song song với đó, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” được triển khai ở các xã khó khăn, cung cấp các dịch vụ như khám, siêu âm, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên; mô hình “Trao giấy kết hôn kết hợp tư vấn sức khỏe sinh sản” từ dự án VNM7R207 cho hàng trăm cặp vợ chồng; triển khai truyền thông sức khỏe trong các trường THPT...

Thiết nghĩ, để việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện hiệu quả hơn, cần luật hóa các nội dung chủ yếu quy định về quy trình, nội dung tư vấn; nhu cầu và điều kiện của nam, nữ được tư vấn; điều kiện và trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế thực hiện tư vấn, khám sức khỏe... Ngoài sự nỗ lực của ngành dân số, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và quan trọng nhất là chính bản thân của người trong cuộc phải ý thức được rằng khám sức khỏe trước khi kết hôn là “điều kiện cần và đủ” để tiến tới hôn nhân an toàn, hạnh phúc, bền vững.


Duy Nam