Di tích Người về thăm quê
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, từ cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành rồi trở thành vị Chủ tịch nước được cả thế giới nghiêng mình kính trọng. Do công việc bộn bề, hai lần Người về thăm quê tuy thời gian không nhiều (lần thứ nhất từ 13 -16/6/1957 và lần thứ hai từ 8 -10/12/1961) nhưng những điểm Người đến thăm, những lời Người dặn dò đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Nghệ An.
(Baonghean) Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, từ cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành rồi trở thành vị Chủ tịch nước được cả thế giới nghiêng mình kính trọng. Do công việc bộn bề, hai lần Người về thăm quê tuy thời gian không nhiều (lần thứ nhất từ 13 -16/6/1957 và lần thứ hai từ 8 -10/12/1961) nhưng những điểm Người đến thăm, những lời Người dặn dò đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Nghệ An.
Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương, Người về đây thăm Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha…", hai lần Bác về thăm quê hương Kim Liên - Nam Đàn, những nơi Người đến là làng Hoàng Trù (nay là Cụm di tích làng Hoàng Trù), làng Sen (nay là Cụm di tích làng Sen) núi Đụn, sân vận động, đình làng; còn ở TP Vinh là: Nhà máy điện Vinh (nay là Điện lực Nghệ An), Quân khu IV, Đoàn văn công Nghệ An (nay là Nhà hát dân ca Nghệ An); Tỉnh uỷ Nghệ An (khối 1 phường Cửa Nam), Nhà máy gỗ Vinh (phường Trung Đô), Trường Sư phạm miền núi Nghệ An (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An), Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương - phường Hưng Bình), Nhà máy cơ khí Vinh (nay là Khu quản lý đường bộ 4) và Trại trẻ miền Nam (nay là Nhà Văn hoá Lao động tỉnh)... Ngoài ra, Người còn về thăm Nông trường Đông Hiếu ở Nghĩa Đàn, thăm bà con HTX Vĩnh Thành (Yên Thành). Những nơi Người đã đến thăm và nói chuyện là những điểm có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều dự án đầu tư, tôn tạo và được Bộ VHTT (nay là Bộ VH - TT và DL) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia cho một số điểm như: Cụm di tích làng Sen, Cụm di tích làng Hoàng Trù, Nông trường Đông Hiếu, xã Vĩnh Thành, số còn lại đều đã được xây dựng bia dẫn tích hoặc nhà truyền thống.
Là một trong những khu di tích quan trọng của cả nước, Cụm di tích làng Hoàng Trù, Cụm di tích làng Sen nằm trong Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ những hiện vật, kỷ vật vô giá của cuộc đời Bác từ lúc lọt lòng tới khi trở thành Chủ tịch nước. Năm 1956, nhà quê nội được phục hồi, năm 1959, phục dựng nhà quê ngoại. Đặc biệt, năm 2003, dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt có tổng kinh phí lên tới 300 tỷ đồng gồm 10 dự án thành phần. Năm 2012, Cụm di tích làng Hoàng Trù, Cụm di tích làng Sen nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Chính phủ công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt. Được biết, Cụm di tích làng Sen và Hoàng Trù thời gian qua đã phát huy giá trị rất tốt, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Cũng tại Kim Liên, sân vận động làng, nơi lần đầu tiên về thăm quê (1957), Người đã nói chuyện với bà con, nay đã được dựng bia dẫn tích và trở thành nơi tổ chức các cuộc mít tinh, các hoạt động văn hoá - thể thao nhân những ngày lễ lớn, Lễ hội làng Sen hàng năm. Nhà tiếp khách và núi Đụn - nơi ghi dấu sự kiện ngày 16/6/1957 Bác đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 324 (nay là Lữ đoàn 414) cũng đã được dựng bia dẫn tích.
Ngày 10/12/1961, Bác về thăm HTX Vĩnh Thành (Yên Thành), nhớ lời Bác dạy, trên bãi đậu máy bay trực thăng của Bác đáp xuống năm xưa, giờ đã mọc lên một quần thể văn hóa - hành chính hiện đại. Bên cạnh Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành - nơi đang lưu giữ nhiều tranh ảnh, hiện vật và bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia, hiện đang xây dựng Nhà văn hóa đa chức năng. Cách đó không xa, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (có bia dẫn tích) - là nơi Bác nói chuyện với bà con xã nhà. Khu vực dựng bia nằm ngay giữa sân trường, có bồn hoa và hàng ngày được các em học sinh chăm sóc. Được biết, trường luôn xếp loại tiên tiến xuất sắc trong hệ thống giáo dục huyện Yên Thành, năm 2005 được công nhận Trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2. Ông Thái Huy Hoàng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết: Ngày 26 tháng 5 năm 1995, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 2233/QĐ-VH về việc công nhận Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Thể theo nguyện vọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Yên Thành nói chung, nhân dân Vĩnh Thành nói riêng ngày 13 tháng 3 năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định số 790/QĐ.UBND.CN về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành. Công trình gồm có 10 hạng mục với số kinh phí 9,5 tỷ đồng, được khởi công ngày 01/10/ 2010, nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành (10/12/1961 – 2011). Hiện nay, huyện Yên Thành đang hoàn chỉnh phòng trưng bày bổ sung tại Khu tưởng niệm với chủ đề “Yên Thành - đất nước, con người và truyền thống lịch sử”, sẽ làm phong phú, đa dạng thêm nội dung giá trị của khu lưu niệm, đem đến cho nhân dân, du khách một cái nhìn tổng quát về đất nước, con người, truyền thống lịch sử của Yên Thành, đặc biệt là giai đoạn Yên Thành vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đến nay. Thông qua đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Bà Phan Thị Quy – xóm Trung Thành (Vĩnh Thành) cho biết: Từ ngày Khu tưởng niệm Bác Hồ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm. Cứ vào ngày rằm, mùng Một hàng tháng, ngày lễ, tết hàng năm, nhất là ngày sinh nhật Bác, ngày 10/12, bà con trong xã, trong huyện lại về đây thắp hương báo công với Bác. Khu tưởng niệm đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với nhân dân Yên Thành nói chung, nhân dân Nghệ An nói riêng.
Để phát huy giá trị to lớn của Khu tưởng niệm, thời gian qua, Yên Thành đã thường xuyên tổ chức các hoạt động như Tọa đàm “Rú Tháp vọng mãi lời Người”, thi tìm hiểu “Bác Hồ với quê hương Vĩnh Thành” … nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; giao cho mỗi đơn vị, trường học trên địa bàn trồng và chăm sóc 79 cây cảnh các loại tượng trưng cho 79 mùa Xuân của Người. Bắt đầu từ năm 2013, Yên Thành sẽ tổ chức “Lễ hội Làng Sen” cấp huyện và vòng chung kết “Tiếng hát Làng Sen” tại Vĩnh Thành để kính dâng lên Người câu hát quê hương; đưa vào thử nghiệm cưới tập thể tại Nhà Văn hóa Vĩnh Thành, trước khi vào lễ cưới, các cặp vợ chồng sẽ đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành.
Địa bàn Thành phố Vinh là nơi có nhiều di tích kỷ niệm hai lần Bác về thăm quê. Trong 6 bia dẫn tích trên địa bàn thành phố, bia dẫn tích ở Khu quản lý đường bộ 4 (ngày 9/12/1961 trong chuyến thăm quê lần thứ hai, Bác đã thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Vinh tại đây), bia dẫn tích ở sân vận động Trung tâm (nay là Công viên Trung tâm, nơi Bác nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh nhà ngày 14/6/1957), bia dẫn tích ở Sở Thương Mại – nay là Sở Công Thương (địa điểm Bác nói chuyện với BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An từ ngày 8 đến 10/12/1961), bia dẫn tích tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh (nơi Bác đến thăm Trại trẻ Miền Nam ngày 15/6/1957) đều được bảo vệ chu đáo và phát huy tốt giá trị giáo dục truyền thống. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, Ngày sinh nhật Bác 19/5, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đều phối hợp với Trung tâm VHTT Nguyễn Tất Thành tổ chức thăm quan, nói chuyện truyền thống tại các điểm Bác Hồ về thăm.
Có thể nói, các di tích, điểm di tích kỷ niệm những lần Bác về thăm quê là một phần trong di sản văn hoá quý báu của tỉnh ta, là bằng chứng có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa giáo dục to lớn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thanh Thủy