Quản lý chặt quỹ đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

04/04/2013 18:20

(Baonghean.vn) - Chiều nay 4/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các ngành liên quan để nghe và cho ý kiến để thông qua Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và có tính đến năm 2030. Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TNMT và Sở KHCN tỉnh.

(Baonghean.vn) - Chiều nay 4/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các ngành liên quan để nghe và cho ý kiến để thông qua Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và có tính đến năm 2030. Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TNMT và Sở KHCN tỉnh.



Quang cảnh buổi làm việc

Tính đến 1/1/2012, Nghệ An có trên 106.212 ha đất lúa, bình quân diện tích đất lúa trên đầu người là 0,04 ha (cao hơn mức bình quân chung của cả nước). Trong giai đoạn từ 2000- 2012, diện tích đất trồng lúa của tỉnh ta giảm 4.465,96ha. Với mục tiêu nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất lúa của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực gắn với các mục tiêu phát triển KT-XH, QP và AN trên địa bàn, đồng thời gắn với các chính sách bảo vệ, quản lý và phát triển đất lúa, Quy hoạch xác định đến năm 2020 diện tích lúa ổn định 96,1 nghìn ha (giảm gần 10.500 ha so với hiện nay) và định hướng đến năm 2030 tiếp tục giảm thêm 3.530 ha, ổn định 92,3 nghìn ha; khoanh định vùng quy hoạch vùng lúa áp dụng công nghệ cao khoảng 8.400 ha năm 2020 và 28.000 ha năm 2030. Đồng thời tiến hành chuyển đất lúa sang các mục đích khác và ngược lại để tạo sự phát triển hài hòa trong nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ngành công nghiệp và dịch vụ trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất lúa.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các ban ngành liên quan, đồng chí Đinh Viết Hồng nêu rõ: Để thực hiện tốt Quy hoạch sử dụng đất lúa trong những năm tới, các cấp ngành cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm đối phó kịp thời với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Tập trung xây dựng cụ thể các giải pháp về tuyên truyền; giải pháp khoa học công nghệ; khai hoang mở rộng diện tích trồng đất lúa và cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa; giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển thị trường lúa gạo và các giải pháp về cơ chế chính sách. Đồng chí cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan để bổ sung các nội dung cần thiết nham hoàn thiện và thông qua Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và có tính đến năm 2030. /.


Phú Hương