Tết "trắng" ở Khoa Cấp cứu
Những thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh đã gọi cái Tết Quý Tỵ này là Tết “trắng”: không ăn, không ngủ, không có thời gian dành cho gia đình. Với lượng bệnh nhân tăng đột biến, đặc biệt lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông cao và nặng như năm nay thì các thầy thuốc ở đây đã thực sự “không có Tết”.
(Baonghean) - Những thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh đã gọi cái Tết Quý Tỵ này là Tết “trắng”: không ăn, không ngủ, không có thời gian dành cho gia đình. Với lượng bệnh nhân tăng đột biến, đặc biệt lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông cao và nặng như năm nay thì các thầy thuốc ở đây đã thực sự “không có Tết”.
Một ngày 40 ca TNGT nhập viện
Những ngày Tết vừa qua, đã có nhiều con số “kỷ lục” được xác lập mới tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, đó là lượng bệnh nhân “dịp Tết” đông nhất từ trước tới nay với 1.173 bệnh nhân, trong đó có 957 bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại Khoa Cấp cứu và các khoa chuyên môn khác, trung bình mỗi ngày Tết tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân; các ca tai nạn giao thông nhiều nhất với 154 ca; ngày đông nhất Khoa tiếp nhận 135 bệnh nhân; đỉnh điểm có ngày tới 40 ca TNGT nhập viện. Trong số này có nhiều bệnh nhân nặng. Đã ghi nhận một trường hợp tử vong ngoại viện, 18 trường hợp nguy kịch được gia đình xin về.
Đôi mắt chưa hết quầng thâm vì thiếu ngủ, bác sỹ Nguyễn Đức Phúc -Trưởng Khoa Cấp cứu cho chúng tôi hay: Một trong những nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân thống kê tăng cao trong dịp Tết là nghỉ dài ngày, nhưng nếu tính trung bình mỗi ngày thì số lượng vẫn vượt cao hơn so với các năm trước đây. Điều đáng lo ngại đó chính là sự gia tăng của các ca TNGT với số người bị nạn hầu hết là trẻ tuổi (18-30), và bị rất nặng. Chủ yếu các ca TNGT là đa chấn thương, chấn thương sọ não. Hầu hết trong số họ tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, không làm chủ được tay lái và nguy hiểm hơn nữa là không đội mũ bảo hiểm.
Ngày 2 Tết là ngày có số lượng bệnh nhân nhập viện đông nhất (135 ca) trong đó có tới 40 ca bị TNGT. Chúng tôi xem lại con số thống kê của Khoa và không khỏi kinh ngạc với số lượng bệnh nhân nhập viện đông, liên tục và nhiều trường hợp nặng đến thế. Có tới 22 ca được ghi nhận là chấn thương sọ não, phải phẫu thuật ngay lập tức hoặc chuyển hồi sức tích cực. Bệnh nhân đầu tiên vào cấp cứu của ngày mồng 2 Tết vào lúc 1h 28 phút cũng là một bệnh nhân bị TNGT, được xác định là gãy xương bàn tay, quê Hưng Lộc (TP. Vinh) và bệnh nhân gần như cuối cùng khép lại một ngày nhập viện lúc gần 5h sáng được chuyển cấp cứu từ Nghi Lộc được kết luận chấn thương sọ não chuyển phẫu thuật. Đáng chú ý là có ca chấn thương sọ não khi đang mang thai ở tháng thứ 5 được chuyển tới từ Nghĩa Đàn, có nhiều ca bệnh nhân đã rơi vào hôn mê.
Cấp cứu cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện HNĐK tỉnh.
“Không có phút ngơi nghỉ”
Đó là tâm sự của điều dưỡng Phan Thị Thành, người trực kíp ngày mồng 2 Tết cùng với 3 bác sỹ do bác sỹ Nguyễn Đức Phúc làm kíp trưởng và 4 điều dưỡng khác. Chị cho biết, từ lúc tiếp nhận công việc, đổi ca trực cho kíp trước vào 6h sáng ngày mồng 2 cho tới 6h sáng ngày mồng 3 Tết, các y bác sỹ đã làm việc liên tục không nghỉ mà vẫn chưa giải quyết xong hết lượng bệnh nhân. Không giờ nào không có ca bệnh mới, không phút nào lại không phải tích cực sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân. Mang vội được chiếc bánh chưng của gia đình, các anh chị tranh thủ ăn trong ngày, tại phòng trực. “Nếu như ngày trực bình thường khác thì bữa tối của các y, bác sỹ có khi đến 22h đêm, nhưng Tết vừa rồi thì tới tận 1h sáng chúng tôi mới ăn tối bằng bánh chưng tự túc. Mà ăn cũng phải vội. Cả kíp trực không ai có được một phút chợp mắt. Bệnh nhân đông khiến chúng tôi quên cả Tết, quên cả mệt. Chẳng ai còn kịp nghĩ đến việc gì khác ngoài những thao tác mau chóng, quen thuộc để cứu sống người bệnh. Cho đến khi các đồng nghiệp khác đến tiếp nhận phiên trực mới, nhiều người trong chúng tôi mới nhớ là 24 tiếng của mình đã trôi qua”.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Tân cũng có 2 ngày Tết “trắng” tại khoa. Có lẽ một phần do cường độ làm việc căng thẳng mà sau Tết anh đã “đổ bệnh”. Khi được hỏi về cái Tết của mình, anh chia sẻ: “Làm việc ở Khoa Cấp cứu thì ngày Tết và ngày thường vốn đã không mấy khác nhau, nếu có khác thì đó là ngày Tết chúng tôi cần phải nâng cao tính chủ động, tích cực hơn thôi”.
Điều dưỡng Phan Thị Thành kể lại một trường hợp TNGT đáng thương trong dịp Tết vừa qua xảy ra đối với một ông già trên 70 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Nghi Lộc. Không có người nhà đi theo, không ai biết tên tuổi bệnh nhân trong khi đây là một trường hợp bệnh rất nặng, đã bị hôn mê. Những ngày nằm viện, các y bác sỹ đã thay người nhà chăm sóc ông tận tình, chu đáo. Sau đó, các bác sỹ đã phải nhờ thông báo trên truyền hình mới tìm được thân nhân của ông.
“Vẫn chọn ngành Hồi sức cấp cứu”
Vất vả là những điều trông thấy, nhưng niềm vui đôi khi rất thầm lặng, là những cảm nhận riêng của mỗi người thầy thuốc. Kịp thời hồi sức cứu sống người bệnh, chẩn đoán chính xác, tiên lượng đúng tình trạng bệnh... hay nhìn thấy ca bệnh khó hồi phục dần sau mỗi ngày. Có lẽ vì thế mà với nhiều thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu này đã “chọn vất vả” để có được niềm vui, có được kinh nghiệm nghề nghiệp. Làm quen, rồi yêu nghề dần lên. Như bác sỹ trẻ Mai Tiến Thanh về Khoa Cấp cứu ngay từ khi được nhận công tác tại viện cách đây 2 năm thì “Nếu được lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn nghề y, vẫn sẽ chọn ngành Hồi sức cấp cứu, chọn Khoa Cấp cứu”. Mặc dù Khoa Cấp cứu có đặc thù chịu rất nhiều áp lực, đòi hỏi người thầy thuốc phải nhanh, có sức khỏe tốt, chẩn đoán chính xác, giàu kinh nghiệm, là khoa thường xuyên gặp phải những phản ứng bức xúc từ phía bệnh nhân và người nhà “nhưng nhờ thế mà em học được sự nhẫn nại và thấy mình được trưởng thành nhanh chóng trong chuyên môn”.
Với 12 bác sỹ, 24 điều dưỡng, theo tính toán thì Khoa Cấp cứu còn phải cần thêm 4 bác sỹ, 6 điều dưỡng nữa mới có thể đảm bảo tốt nhất cho hoạt động của Khoa. Thế mới biết những thầy thuốc tại đây đã phải hết sức nỗ lực, đặc biệt trong dịp Tết vừa qua được đánh giá “đảm bảo an toàn”. Sự an toàn không chỉ cho bệnh nhân mà còn với... bác sỹ! Cả một dịp Tết với cường độ làm việc cao, song đã không có sự bức xúc nào từ phía người bệnh và gia đình họ, ấy là niềm vui không dễ có.
Bài, ảnh: Thùy Vinh