Một hoàn cảnh đáng thương

14/04/2013 16:54

Dẫn chúng tôi vào nhà bà Phan Thị Láng (76 tuổi) ở xóm 3 xã Thanh Lương (Thanh Chương), ông Bí thư chi bộ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình này thương lắm, bố vừa mất vì bệnh ung thư gan thì hiện mẹ cũng đang điều trị ung thư phổi. Bây giờ, bệnh viện đã trả về rồi…”.

(Baonghean.vn) - Dẫn chúng tôi vào nhà bà Phan Thị Láng (76 tuổi) ở xóm 3 xã Thanh Lương (Thanh Chương), ông Bí thư chi bộ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình này thương lắm, bố vừa mất vì bệnh ung thư gan thì hiện mẹ cũng đang điều trị ung thư phổi. Bây giờ, bệnh viện đã trả về rồi…”.

Bà Láng nằm bẹp trên giường đưa đôi mắt thất thần nhìn khách, nhận ra ông bí thư chi bộ là người quen nên mấp máy miệng thều thào chào khách. Bà gượng nói, nếu nay, mai tui chết, thằng Vinh ở với ai đây chú? Người con út Nguyễn Thị Sinh lấy chồng trên thị trấn, đã nghỉ việc từ trong tết để về chăm bố, mẹ và anh trai, nghe vậy cũng òa lên khóc…



Cô con gái Nguyễn Thị Sinh chăm sóc mẹ



Nguyễn Trí Vinh suốt ngày quanh quẩn bên chuồng bò

Năm 1958, ông Nguyễn Trí Hoành tham gia đội thanh niên xung kích Cù Chính Lan, năm 1961 thì chính thức vào bộ đội đóng quân ở Campuchia. Năm 1964, ông được giải ngũ, nhưng được một thời gian, chiến trường Lào cần người chi viện ông lại xung phong lên đường. Sau gần 10 năm phục vụ trong quân ngũ, chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, ông được phục viên trở về quê hương làm kế toán trong hợp tác xã, cuộc sống của gia đình nông dân vẫn nghèo, nhưng ấm cúng.

Sau khi sinh 4 người con gái, đầu năm 1978, vợ chồng ông vui mừng khi sinh hạ được một bé trai, đặt tên cho con là Nguyễn Trí Vinh với kỳ vọng đứa con nối dõi tông đường sẽ đem lại vinh dự cho gia đình. Một gia đình nghèo đông con chẳng dư dả gì nhưng khi Vinh ra đời, cả nhà xúm vào chăm sóc và tràn trề hy vọng. Tuy nhiên, Vinh càng lớn về thể xác thì tâm trí cũng như đứa trẻ vừa sinh ra, cả ngày chỉ biết cười ngô nghê. Tròn 3 tuổi, khi đưa Vinh đi khám bệnh, cả hai vợ chồng lặng người khi vị bác sỹ gọi riêng ông Hoành để hỏi xem ông đã từng đi bộ đội đóng quân ở những vùng nào?! Và cuối cùng kết luận trong bệnh án thật rõ ràng: Vinh là di chứng của chất độc da cam, cả nhà bàng hoàng đau đớn.

Ông Hoành càng ngày càng nhiều bệnh, dù không có thương tật gì nhưng đau ốm triền miên. Sau khi khám thương tật, biết mình nhiễm chất độc đi -ô xin những ngày ở chiến trường Campuchia, ông Hoành đau đớn, tủi phận nhưng thương con nhiều hơn. Hy vọng về tương lai của con lụi tàn, ông bà chỉ còn cách chăm sóc để xoa dịu vết thương cho con. Năm 2003, ông Hoành phát hiện mình bị bệnh gan rất nặng, hy vọng chắt chiu dành dụm làm lại cái nhà để che nắng, che mưa vụt tắt. Biết bố bệnh nặng khó qua khỏi, mấy người con rể bàn nhau gom góp và vay mượn để làm cho bố mẹ ngôi nhà ngói. Hàng xóm láng giềng cũng thương hoàn cảnh gia đình ông nên bán rẻ và cho nợ vật liệu, ngôi nhà được hoàn thành. Nhưng đau đớn thay, khi ông đang chống chọi với từng cơn đau ung thư thì bất ngờ vợ ông cũng đau yếu từng ngày, kết quả bệnh viện cho thấy: bà bị ung thư phổi.

Từ khi bố mất, cảm nhận được mất mát nên suốt ngày Vinh cứ quanh quẩn dưới chuồng bò, nhiều hôm ngủ luôn trong đó. 4 người chị đã có gia đình riêng ở Hà Tĩnh và các huyện khác, em gái út tên Sinh từ ngày cả bố và mẹ bệnh nặng đã bỏ việc, bế theo đứa con nhỏ về chăm sóc. Ngày trước có con bò thì mẹ bệnh đã bán để lo thuốc thang, trong nhà bây giờ ngoài căn nhà thì chả có gì đáng giá. Chế độ chất độc da cam của Vinh mỗi tháng được hơn 6 trăm ngàn, 2 sào ruộng được người làng thương tình làm hộ, mỗi vụ họ trả thóc cho nên còn có gạo ăn qua ngày.

Ông Nguyễn Duy Mai- Chủ tịch xã Thanh Lương nói: mỗi khi có cứu trợ bằng tiền hay gạo thóc của các cấp, xã đều chia phần cho gia đình bà. Lần chia nào cũng có nhưng chẳng ai trong xã phân bì vì dường như ai cũng cảm nhận được nỗi đau vô bờ mà cả nhà bà Láng đang chịu đựng.


Bài, ảnh: Đạm Phương