Khi được "khoảnh khắc" săn tìm

22/12/2012 15:00

Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) đã là một địa danh huyền thoại. Sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm chiến đấu, hy sinh và chiến thắng của các thanh niên xung phong ở Truông Bồn được nhớ tới như một khúc tráng ca bất tử. Dịp kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Truông Bồn vào tháng 10 vừa qua, cả nước hướng về Truông Bồn, hội tụ rung ngân trong tình cảm chung một niềm sẻ chia cảm xúc với những chứng nhân, thế hệ, chứng tích...

(Baonghean) Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) đã là một địa danh huyền thoại. Sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm chiến đấu, hy sinh và chiến thắng của các thanh niên xung phong ở Truông Bồn được nhớ tới như một khúc tráng ca bất tử. Dịp kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Truông Bồn vào tháng 10 vừa qua, cả nước hướng về Truông Bồn, hội tụ rung ngân trong tình cảm chung một niềm sẻ chia cảm xúc với những chứng nhân, thế hệ, chứng tích...


Có một người đã bất chợt bị choáng ngợp bởi cảm xúc của chính mình; bất chợt hoang mang tâm trạng khi đang trong khao khát tìm được một hình tượng đẹp để thu vào ống kính trong sự kiện trọng đại ấy. Và cứ như thế anh rơi vào tình thế bị chính "khoảnh khắc" săn tìm... Đó là nhà báo Hữu Nghĩa (Báo Nghệ An), tác giả của bức ảnh "Gặp lại ân nhân", được trao giải Nhất trong Cuộc thi ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" (Báo Nghệ An phối hợp Câu lạc bộ ảnh Thời sự - Nghệ thuật Nghệ An tổ chức). Hữu Nghĩa có đam mê nhiếp ảnh, dù không được đeo đuổi cái đam mê đó do công việc chuyên môn (phụ trách mảng Thời sự - Chính trị của Báo Nghệ An); nhưng, chính cái sự bị "hãm" lại đam mê ấy đã cho anh những khoảnh khắc "bứt phá" thành công, với các tác phẩm ảnh đã được trao giải trong một số cuộc thi ảnh chuyên nghiệp.



Giây phút gặp lại ân nhân

Thoáng chút ngại ngần trước cái hẹn trong một chiều vãn việc tí tách cà phê, Hữu Nghĩa chia sẻ: "Sáng 28/10/2012, trong buổi lễ kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Truông Bồn cũng là dịp UBND tỉnh tổ chức Lễ khởi công một số hạng mục tại Khu di tích lịch sử này. Cũng như bao người khác, tôi có mặt tại buổi lễ từ rất sớm. Cầm máy ảnh trên tay, tôi ao ước ghi lại được một "khoảnh khắc Truông Bồn" thật ý nghĩa. Từ hôm trước đó, sau khi nhận nhiệm vụ từ Ban Biên tập trong đó có lưu ý về phần ảnh, tôi đã hình dung, tưởng tượng ra những khoảnh khắc đẹp về những giây phút gặp mặt giữa các cựu TNXP với nhau, gặp gỡ giữa cựu TNXP và các gia đình đã từng đùm bọc họ. Ngay khi đến Khu di tích, tôi đã chủ động mời bác Trần Thị Thông - cựu TNXP, là người còn sống duy nhất sau trận bom ác liệt ngày đó ra phía khu mộ để thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh. Tôi cố gắng tập trung cao độ bấm máy... nhưng hoàn toàn thất vọng vì các bức hình không đạt được yêu cầu. Khi các quan khách, đồng nghiệp đang dần xúm lại quanh bác Thông để trao đổi, chuyện trò thì bất ngờ có một người đàn ông ôm chầm lấy bác, nước mắt tuôn nghẹn ngào. Tôi sững sờ, và chưa kịp hiểu nguyên do, cứ thế giơ máy bấm liên tục. Giữa khoảnh khắc bất ngờ đó, tôi hoàn toàn không biết người đàn ông đó lại là người đã cứu sống bác Thông cách đây 44 năm. Đó là bác Lê Tiến Vinh, 67 tuổi, cựu TNXP Đại đội 307 (Đại đội đóng tại Truông Băng, Truông Hến, xã Giang Sơn được điều xuống hỗ trợ cho Đại đội 317 của bác Thông). Bác Vinh chính là người đã đào bới, tìm được và đưa bác Thông ra khi bác Thông bị đất đá vùi lấp...".


Vậy là Hữu Nghĩa đã "bị" chính khoảnh khắc xúc động, quý giá đó "chộp" lấy, chế ngự và "sai khiến" anh bấm máy, vượt ra khỏi mọi thủ thuật nhiếp ảnh thông thường để có một tác phẩm ảnh báo chí đặc sắc. Phải nói rằng, cái đam mê bấm máy, cái "bản năng nghề" đã đưa lại cho Hữu Nghĩa khoảnh khắc độc nhất vô nhị một cách xứng đáng. Anh cũng đã chứng tỏ được "tay máy" của mình với "Gặp lại ân nhân" khi bấm máy ở góc chụp ngược sáng vốn là một thủ thuật khó thường chỉ để chụp thiên nhiên trong nhiếp ảnh nghệ thuật... Nhưng có lẽ cái mà Hữu Nghĩa và người xem trân trọng nhất, vẫn là cảnh huống ảnh mà các nhân vật - hai người già mái tóc hoa râm, trang phục cựu TNXP được đặc tả tự nhiên đến từng nét biểu cảm, từng chi tiết hình ảnh; một bố cục cực đơn giản nhưng dồn nén cảm xúc cao độ, đạt tầm một nét chấm phá khắc họa được tính bi tráng xuyên suốt của không gian, thời gian Truông Bồn huyền thoại.


Đó là một khoảnh khắc chọn người cầm máy!


Đình Sâm