Cần thận trọng hơn khi đề xuất

19/03/2013 09:36

(Baonghean) - Trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, Bộ Công an đã có đề xuất lên chính phủ, Quốc hội như sau:

“Trong trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác, hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xẩy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Trước hết, chúng ta ghi nhận công lao và hết sức thông cảm với các khó khăn nguy hiểm của người thi hành công vụ khi đối diện với các phản ứng quyết liệt của các đối tượng vi phạm pháp luật. Đã có nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu hy sinh cả tính mạng của người thi hành công vụ trước phản ứng quyết liệt của bọn phạm pháp côn đồ. Những năm gần đây, tội phạm đang trên chiều hướng gia tăng, hành vi chống trả người thi hành công vụ ngày càng quyết liệt và nguy hiểm hơn. Điều đó đòi hỏi pháp luật phải có những chế tài thích ứng để đối phó với thực trạng, tạo thuận lợi cho người thi hành công vụ hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đọc kỹ văn bản dự thảo nghị định trên đây của Bộ Công an, ta không thể không băn khoăn.

Việc cho phép “nổ súng trực tiếp vào người” là cực kỳ hệ trọng, vì vậy nội dung của văn bản phải minh bạch, xác thực, không được gây ra các hiểu lầm hoặc không được chứa những khái niệm chưa rõ nghĩa đang phải tranh luận, bàn cãi. Khi đã nổ súng tức là có thể xảy ra việc chết người, mọi tranh cãi sai đúng sau đó không làm cho người sống lại được nữa, cho nên việc góp ý giúp văn bản có lời lẽ minh bạch, chuẩn xác hơn là điều cần thiết. Chúng ta thấy văn bản dự thảo nghị định ghi “Trong trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng…” (ý nói là có căn cứ để người thi hành công vụ cho rằng kẻ chống người thi hành công vụ sẽ có hành động nguy hiểm, gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng)… “thì người thi hành công vụ được phép nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ…”. Văn bản viết như vậy tức là người thi hành công vụ có quyền chủ quan “cho rằng” thực tế đó là nguy hiểm hoặc không nguy hiểm để toàn quyền quyết định việc nổ súng hay không nổ súng. Vậy, nếu người thi hành công vụ đó nhận định sai lầm về tính chất nguy hiểm hoặc không nguy hiểm rồi nổ súng bắn chết người, sai lầm đó ai chịu trách nhiệm? Do đó, trong văn bản không nên dùng chữ “cho rằng”, vì chữ “cho rằng” đang mang tính chủ quan của nhận định cá nhân, chưa cụ thể hóa, chưa tương xứng với hành động cực kỳ hệ trọng là việc “nổ súng trực tiếp vào người”!

Ngoài ra, các khái niệm về mức độ như “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”… cũng chưa được văn bản xác định rõ ràng nên rất có thể gây ra các cách vận dụng và những hiểu lầm đáng tiếc! Trong khi đó, sai lầm về việc nổ súng bắn vào người cũng được xem là “đặc biệt nghiêm trọng” vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Mong Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội rà soát từng lời, từng chữ, thận trọng hơn nữa trước khi hợp thức văn bản quan trọng này.


Thạch Quỳ