“Đất thủ khoa” Đô Lương

14/04/2013 17:04

(Baonghean.vn) - Nhiều khi tôi cứ nhẩm đọc những tên đất, tên làng như Nhân Hậu, Bạch Ngọc, Văn Trường, Văn Lâm, Rú Bút, Hòn Nghiên... và chợt hiểu người quê tôi từ lâu đã biết gửi vào đó vô vàn khát vọng, niềm tin

Học để biết, biết để làm người

Sách Khoa bảng Nghệ An (1075-1919) có nói đến chuyện một người ở làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn – Đô Lương. Ông là Nguyễn Đăng Quý, tự Phúc Trạch, sinh năm Chính Hoà thứ 26 (1705), con cụ Sinh đồ Nguyễn Đăng Cự nổi tiếng hay chữ trong làng Nho học một thời. Năm 25 tuổi, Nguyễn Đăng Quý thi đậu Hương cống và liên tục 5 khoa đều đậu thi Hội. Năm 40 tuổi dự thi Hội đậu Tam trường (như Phó bảng triều Nguyễn) và khoa Ngự - ân khoa do vua ra đề thi (như khoa Tiến sĩ).

Theo giai thoại và gia phả, Nguyễn Đăng Quý đứng tên trong số những vị đậu tiến sĩ khoa Quý Hợi - năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743). Khoa thi này trúng được 8 người, trong đó có tên ông, nhưng tối hôm đó chúa Trịnh nằm mơ, thấy chòm sao Bắc Đẩu rơi xuống đình Quảng Văn, chỉ ứng với khoa thi lấy đậu 7 tiến sĩ. Sáng hôm sau triều đình cho rút quyển bắt thăm lấy 7 người, nhưng không có tên ông.

Không có điều kiện để tìm hiểu, để biết thêm thời khoa bảng, Đô Lương quê tôi có bao nhiêu người học hành, đỗ đạt, làm quan hay lận đận, oan uổng như Nguyễn Đăng Quý? Văn Trường dù có tiếng ở Xứ Nghệ nhưng chưa thể so với khoa bảng Quỳnh Đôi nhiều “như cây trên núi, như diều trên không”. Đô Lương cũng chưa có nhiều người học giỏi, đỗ cao, tài văn chương được gọi là “Tứ lân”, “Tứ hổ” như con cháu họ Hồ hay ở Nam Đàn thời ấy.

Nhưng tôi biết có rất nhiều người, nhiều gia đình dù khó khăn đến mấy cũng cho con em đi học với triết lý giản đơn mà thấm thía “học để biết, biết để làm người”.
Thấm nhuần triết lý đó, cho đến nay có khá nhiều người “gốc” Đô Lương vượt khó vươn lên học hành, đỗ đạt, trưởng thành được cả nước biết đến. Đó là GS.TS. Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, GS. Hoàng Hữu Yên, GS.TS Nguyễn Sỹ Mão, GS.TS. Thái Bá Cầu, GS.TS. Hoàng Văn Hoàn, PGS.TS Nguyễn Bá Chất, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, PGS.TS. Lê Viết Nghị, GS.TS.NGND Hoàng Xuân Lượng, …

Trong một lần uống chè chát ở Hà Nội, tôi được nghe GS.TS.NGND Hoàng Xuân Lượng kể rằng, ông đã 15 lần ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Cả 15 lần vượt biển ấy ông đều bị say sóng, người cứ mềm oặt ra sau những trận “mật xanh, mật vàng”. Mỗi bận như thế không khác gì một trận ốm nhưng ông đều chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nước uống và nhiều thứ cần thiết khác để “chiến đấu” với mọi hoàn cảnh. Thì ra, những gì ông và nhiều người có được, để được yêu mến gọi là “Kiến trúc sư của Trường sa” đâu chỉ là chuyện hiếu học, học giỏi qua sách vở hay những tháp ngà khoa học.

Với ông và nhiều người khác, vượt khó để có thành công luôn là câu chuyện hàng ngày, nhiều ngày, không thể khác.

Đất thủ khoa và …chuyện trạng

Những năm gần đây, người Đô Lương càng phấn khởi, tự hào hơn khi con em trong huyện, trong xã học hành đỗ đạt cao, khiến có người còn cao hứng lên viết rằng “Đô Lương – đất thủ khoa!”.

Nếu như trước có Trương Hồng Quang - giải Nhất Văn toàn quốc (1976) thì sau này Nguyễn Tất Nghĩa - HCV Vật Lý quốc tế và Châu Á – Thái Bình Dương (2009), rồi một loạt học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học đều có “gốc” Đô Lương: Hoàng Tuấn Anh (2005), Tăng Văn Bình (2011), Nguyễn Duy Hải (2012)…



Thủ khoa Đại học Xây dựng 2005 - Hoàng Tuấn Anh bảo vệ luận án tốt nghiệp tại Liên Bang Nga.



Thủ khoa Đại học Ngoại thương năm 2011 - Nguyễn Duy Hải thời còn cắt cỏ, chăn bò ở quê.

Có chi tiết ngồ ngộ, vui vui mà tôi vẫn nhớ cho đến giờ. Ấy là hồi Nguyễn Tất Nghĩa “giật” HCV Vật lý quốc tế, phóng viên báo tỉnh về quê Nghĩa ở Hồng Sơn tìm hiểu, viết bài nhưng không thể gặp được ai trong gia đình. Đơn giản là bố mẹ cu cậu đều đi cấy cày ruộng xa chưa về, cũng chưa biết chuyện con đỗ đạt cao thấp, to nhỏ ra răng?

Còn khi Nguyễn Duy Hải đậu thủ khoa Đại học Ngoại thương Hà Nội, bố cu cậu cũng đang đi phụ hồ ở làng trên nghe tin hớt hải đạp xe về, nấu chè xanh mời cả xóm râm ran. Chàng thủ khoa ấy cũng có thời gian theo bố đi phụ hồ nên tờ báo nọ đã nhanh bút mà rằng “Gặp thủ khoa phụ hồ ở Nam Sơn”.

Quê tôi có nhiều chuyện trạng và tất nhiên nhiều người biết nói trạng. Họ thường thêm tí mắm, tí muối cho đậm đà, kể cho nhau nghe cười khoái chí chảy cả nước mắt. Nhưng chuyện này thì không trạng tí nào: ở Trường chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An có lần thi đỗ vào lớp 10 chuyên Toán chiếm trọn cả một lớp 9 Trường THCS Lý Nhật Quang của Đô Lương. Lớp này khi thi đại học tất tần tật đăng ký vào Đại học Ngoại thương Hà Nội và cũng tất tần tật thi đỗ!

Vui quá, người quê tôi lại xúm quanh nói trạng, nhại câu đối của các cụ nhân chuyện liên hoan mừng con cháu cả làng rầm rập đỗ đại học: Sáng xôi đậu, trưa xôi đậu, tối xôi đậu, xôi đậu ba bữa/ Con gái đỗ, cháu trai đỗ, chắt chít đỗ, đỗ cả làng!

Ơn nghĩa Bạch Ngọc

Một ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013, Hội đồng hương Đô Lương tại Hà Nội tổ chức gặp mặt thường niên. Điều thú vị là không chỉ bà con, anh em “gốc” Đô Lương đông đủ mà còn có rất nhiều gương mặt nổi tiếng trong cả nước.

Người dự họp phần lớn đều cao tuổi, tóc hoa râm nhưng “chào thầy”, xưng “em” hết lượt. Hóa ra, họ là cựu học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Bạch Ngọc những năm 1950, 1951, trong đó phải kể đến ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, GS. Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…

“Đi đâu về đâu, làm gì chúng tôi đều luôn nhớ về Bạch Ngọc – Đô Lương – Nghệ An” ông Hồ Tế phát biểu tại buổi gặp mặt. Ông nói rằng, “Trường Bạch Ngọc nổi tiếng ở 3 điểm: thày giỏi nhất, trò sáng tạo nhất và dân thương hết lòng nhất. Chúng tôi suốt đời mang ơn người dân Bạch Ngọc – Đô Lương, dù cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng luôn hết lòng, hết sức chăm lo cho thầy trò tối ngày đèn sách..”

GS. Phan Hữu Dật bổ sung thêm, Trường Bạch Ngọc nức tiếng đến nỗi, học sinh ưu tú khu V vượt hàng ngàn cây số ra theo học, kể cả học sinh ở Hà Nội tìm vào, rồi giáo sinh Sư phạm Liên khu III chuyển vào học tập và ôn thi cùng giáo sinh Liên khu IV.

Cùng với Liên Bồng, Châu Phong và Bạch Ngọc, Trường Huỳnh Thúc Kháng thực sự là “địa chỉ giáo dục – văn hóa kỳ diệu của nước ta thời chóng Pháp”, GS.Phan Hữu Dật khẳng định.

Người dân Đô Lương tự hào và vinh dự được góp công, góp sức xây nên mái trường Bạch Ngọc đầy danh tiếng. Không những thế, học trò Trường Bạch Ngọc có nhiều con em Đô Lương theo học. Ít nhất theo tôi biết, có một người được xếp vào diện “học giỏi nhất trường”, đó là Phan Xuân Đương, quê xã Nam Sơn, con ông Phan Xuân Tường, bà Nguyễn Thị Quán. Đang học, ông xung phong đi bộ đội và hy sinh năm 1953.

Thú thực, nhiều khi tôi cứ nhẩm đọc những cái tên thân thuộc như Nhân Hậu, Khả Phong, Bạch Ngọc, Văn Tràng, Văn Khuê, Văn Trường, Văn Lâm, Rú Bút, Hòn Nghiên, Hòn Mực...và chợt hiểu người quê tôi từ lâu đã biết gửi vào đó vô vàn khát vọng, niềm tin.

Để từ xa xưa cho tới bây giờ, tới mai sau, ở miền quê ơn nghĩa Bạch Ngọc –Đô Lương – Nghệ An “cơ hồ mỗi làng đều nhìn thấy trong mắt mình một cái bảng, một quản bút, một án thư..” (Đặng Thai Mai).


Bùi Nam Sơn