Để nâng cao giá trị sản phẩm chè
Là địa phương có diện tích trồng chè lớn của cả nước, Nghệ An đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, góp phần nâng giá trị kinh tế, phục vụ thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, do phần nhiều công nghệ chế biến tại các cơ sở còn lạc hậu, cộng với việc áp dụng KHCN vào sản xuất của người dân còn hạn chế… nên giá trị của sản phẩm chè chưa phát huy hết được tiềm năng sẵn có.
(Baonghean) - Là địa phương có diện tích trồng chè lớn của cả nước, Nghệ An đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, góp phần nâng giá trị kinh tế, phục vụ thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, do phần nhiều công nghệ chế biến tại các cơ sở còn lạc hậu, cộng với việc áp dụng KHCN vào sản xuất của người dân còn hạn chế… nên giá trị của sản phẩm chè chưa phát huy hết được tiềm năng sẵn có.
Đến nay, Nghệ An đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè công nghiệp với diện tích hơn 8.000 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh hơn 6.000 ha. Sản lượng chế biến hàng năm đạt khoảng 9-10 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu từ 5-6 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 6 triệu USD. Trong các sản phẩm xuất khẩu của Nghệ An thì chè khô là sản phẩm mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất, ổn định nhất. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu nhiều nhưng giá thành và lợi nhuận từ cây chè mang lại chưa cao. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo hộ chất lượng sản phẩm và nền sản xuất trong nước. Vì vậy, để cạnh tranh được với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanca…, sản phẩm chè của tỉnh ta cần được nâng cao chất lượng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Trong những năm qua, việc đầu tư mở rộng diện tích trồng giống chè chất lượng cao LDP1, LDP2 đã được đẩy mạnh. Đây là giống chè lai của Ấn Độ có khả năng chịu hạn tốt, rất phù hợp với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng tại nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nay, đã có hơn 90% diện tích trồng chè của tỉnh sử dụng giống chè này và ngày càng tăng lên trong thời gian tới. Với phương thức trồng chè thâm canh, giống chè LDP1, LDP2 đang cho sản lượng và chất lượng chè ngày càng vượt trội so với giống chè cũ. Phương pháp mới đảm bảo năng suất chè tăng 10-15%/năm. Sau 2 năm trồng, cây chè bắt đầu cho thu hoạch; 3 năm tuổi, năng suất đạt 3 tấn/ha; chè 6-7 tuổi cho thu 21 tấn/ha và sau 8-10 năm có thể đạt tới 28 tấn/ha.
Thu hoạch chè bằng máy ở Hùng Sơn (Anh Sơn).
Thanh Chương là huyện có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh với trên 4.000 ha. Cây chè đang trở thành cây trồng chủ lực trong việc xóa đói, giảm nghèo của nhiều người dân tại các xã như Thanh Mai, Thanh Thịnh, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thủy… Trong những năm qua, UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đầu tư cho cây chè nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Phan Đình Hà cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, huyện đã khuyến cáo và tổ chức tập huấn cho người dân về phương thức sản xuất, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV. Huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành thanh tra các cơ sở chế biến trên địa bàn. Những cơ sở vi phạm các điều kiện sản xuất phải khắc phục nếu không sẽ rút giấy phép. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường nguyên liệu như tuyến Thanh Giang - Thanh Mai, tuyến Thanh Thịnh - đường Hồ Chí Minh, 2 tuyến vào vùng chè xã Thanh Mai…
Song song với việc đầu tư thâm canh thì việc đổi mới công nghệ chế biến chè sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 60 cơ sở chế biến thủ công. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều có công suất nhỏ (từ 3-10 tấn/ngày) phần lớn tập trung tại địa bàn huyện Thanh Chương với hơn 50 cơ sở. Cơ sở chế biến phát triển sẽ giúp cho người dân dễ dàng tiêu thụ chè nguyên liệu, nhưng nếu phát triển ngoài tầm kiểm soát sẽ làm mất tính cân bằng giữa nguyên liệu và chế biến sản phẩm. Hầu hết chủ cơ sở đều không có bằng cấp về kỹ thuật chế biến chè nên việc xây dựng xưởng, lắp đặt thiết bị và tổ chức sản xuất không đạt yêu cầu. Thiết bị chế biến tại các cơ sở không đồng bộ, nhiều thiết bị đã trở nên lạc hậu, vị trí lắp đặt các thiết bị không phù hợp nên hạn chế trong thao tác, do đó sản phẩm các cơ sở chế biến thủ công này cũng chỉ dừng lại ở mức sơ chế và được bán cho các công ty tư nhân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đều sử dụng máy để thu hoạch chè tươi nguyên liệu. Không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng máy hái chè thời gian qua đã nâng cao hiệu suất lao động trong khâu thu hái. Tuy nhiên, do người dân thu hái sản phẩm bằng máy hái chè không đúng quy cách đã góp phần không nhỏ tới việc làm giảm chất lượng sản phẩm chè thành phẩm. Bên cạnh đó, việc đốn chè sai quy trình cũng khiến cho cây chè kiệt quệ. Chính vì vậy, cần phải tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đặc biệt là thu hái sản phẩm bằng cách sử dụng máy hái chè cho người dân để người trồng chè nghiêm túc thực hiện việc thu hái đảm bảo chất lượng theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Những năm trở lại đây, nhiều nước trên thế giới rất xem trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát rất gắt gao đối với các sản phẩm đầu vào. Họ yêu cầu trả lại hàng nếu phát hiện sản phẩm chè không đạt chuẩn an toàn. Trước thực tế đó, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc, vận động tuyên truyền và mở những khóa tập huấn cho người trồng chè về sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn HACCP và áp dụng ISO 9001:2000. Ông Bùi Duy Hùng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2 đơn vị cam kết thực hiện triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP trong sản xuất, chế biến chè. Tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 8.000ha, trong đó diện tích chè kinh doanh hơn 6.000 ha, sản lượng chế biến hàng năm đạt 9 - 10 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu từ 5 - 6 ngàn tấn, thì việc mới chỉ có 2 đơn vị triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP trong sản xuất, chế biến chè vẫn còn là quá ít.
Không thể phủ nhận được những hiệu quả kinh tế mà cây chè đang mang lại nhưng nếu biết phát huy hết những tiềm năng sẵn có thì giá trị của sản phẩm chè Nghệ An sẽ đang còn tiếp tục vươn xa. Điều quan trọng là các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân cần nhìn nhận ra được những hạn chế để khắc phục, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chè Nghệ An trên thị trường xuất khẩu.
HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) là phương pháp tiếp cận có tính khoa học, hợp lý và có tính hệ thống cho việc nhận biết, xác định và kiểm soát mối nguy trong sản xuất thực phẩm để đảm bảo an toàn khi tiêu dùng. Hệ thống HACCP đòi hỏi phải kiểm soát phải bắt đầu từ cơ sở sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng như kiểm tra qui trình phun thuốc trừ sâu, kiểm tra thức ăn cho vật nuôi, bảo vệ hệ thống vệ sinh nông trường, tạo thói quen quản lý tốt thực phẩm hay sức khỏe vật nuôi, ngăn chặn sự nhiễm bẩn trong suốt quá trình chế biến và phải đảm bảo kiểm soát vệ sinh tại địa điểm chuyên chở, cất giữ và phân phối.
Bài, ảnh: Phạm Bằng