Đền thờ nguyên tổ họ Hồ Việt Nam

18/03/2013 07:15

(Baonghean) - Giữa đất trời bao la, ngôi đền nằm tựa lưng vào núi. Và cái tên “Trang Bào Đột” cứ văng vẳng bên tai, như một sự nhắc nhở nơi đây là mảnh đất linh thiêng, chứa đựng trong nó cả một tầng văn hóa, lịch sử.

Trang Bào Đột là tên gọi cổ xưa của vùng đất thuộc xã Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) bây giờ, nơi ông tổ họ Hồ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến khai cơ lập ấp. Đền thờ nguyên Tổ họ Hồ hiện nay nằm trên địa phận xã Ngọc Sơn, khởi công tôn tạo khoảng 10 năm, nhưng đã có tới hàng trăm năm lịch sử.

Theo sử sách ghi lại, Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, thời vua Hậu Hán Ẩn Đế (948 - 951). Hồ Hưng Dật sang làm thái thú Châu Diễn mấy năm thì xảy ra loạn 12 sứ quân, ông đến hương Bào Đột (nay thuộc địa phận 2 xã Ngọc Sơn và Quỳnh Lâm) lập nghiệp. Sau khi thôi quan, ông lui về chiêu dân lập ấp, làm trại chủ tại hương Bào Đột, được nhân dân tôn làm Thần Thành Hoàng, và cũng là nguyên tổ họ Hồ duy nhất ở nước ta.



Đền thờ ở xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu - Nghệ An).

Đến thời nhà Hồ, vua Hồ Quý Ly sau khi lên làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, rồi làm Thái thượng hoàng cùng coi việc nước. Năm Quý Mùi (1403), niên hiệu khai đại thứ nhất, vua Hồ Hán Thương theo lệnh vua cha Hồ Quý Ly về Ngũ Bàu “Dựng miếu thờ ở làng Bàu Đột phủ Linh Nguyên, để thờ cúng tổ tiên”.

Đền thờ nằm trên đồi Thượng Đọt, tựa lưng vào hòn Rồng, bên trái là núi Ngọc, bên phải là hòn Rết. Cả 3 hòn này đều nằm trên dãy núi Y Sảo, gọi là thế “long ngai”. Đền làm theo kiểu nội công ngoại quốc, có cửa tam quan, một sân rộng là đến tòa chính điện 5 gian. Sau tòa chính diện là 1 sân nhỏ, 2 bên có tả vu, hữu vu, tòa trung điện 3 gian 2 hồi, hậu cung, sân ngoài góc bên phải có miếu thờ Thái Dương công chúa… Cả một khu đền họ Hồ với quy mô hoành tráng trên vùng địa linh nhân kiệt đã được xây dựng và tồn tại suốt hàng trăm năm.

Về sau, nhân dân trong vùng phối tế 2 vua (vua Hồ Quý Ly và vua Quang Trung), nên thường quen gọi là Đền vua Hồ, nhưng tên gọi chính xác là đền thờ nguyên Tổ họ Hồ. Trang Bào Đột năm xưa, còn có tên Bào Trạch, dần dần đổi thành Bào Giang, rồi làng Ngũ Bàu (vì được chia làm 5 thôn: Ngọc Viên, Bào An, Bào Trung, Bảo Ngọc, và Bào Hậu).

Hằng năm, tại nơi đây tổ chức lễ hội vào ngày 12/3 âm lịch, rất trang nghiêm, linh đình, mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Riêng Đại tế thì 3 năm một lần, từ 3 đến 5 ngày. Còn có 300 mẫu đất công điền chia cho 5 thôn Ngũ Bàu, lấy hoa lợi rồi luân phiên tổ chức tế lễ. Các thôn đến đền vua Hồ làm lễ tế, rước thần qua 5 thôn, giếng nền ở giữa đồng, rồi quay trở về đền. Ngoài lễ, còn có hội như rước kiệu, cờ người, bài điếm, đánh đu, đấu vật, chọi gà, diễn tuồng chèo, đêm đại tế bắn pháo hoa…

Tương truyền, Hồ Quý Ly lấy Trang Bào Đột là đất khởi tổ, rồi nhân hình thế núi sông, kiến thiết làm Tiểu Tràng An, xây dựng cung phủ kho tàng, kiến thiết tảng gạch, rồng đá, có ngòi nước và đường giao thông. Ông quyết định đào sông Thái kéo dài về phía Tây để nối với sông Hiếu, đưa một phần nước sông Hiếu đổ về. Khi sông đào hoàn thành sẽ là một công trình có ý nghĩa về giao thông, kinh tế, đưa nước về tưới cho vùng đất vốn quanh năm hạn hán này, vừa là hào lũy phía Bắc bảo vệ cho căn cứ địa chiến lược Bàu Đột. Nhưng sức dân không đủ, trong khi đó giặc Minh lại bất ngờ tràn vào, công trình đành bỏ dở.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, cả một công trình kiến trúc tâm linh lớn cũng theo đó mà chẳng còn lại vết tích. Những người dân trong vùng kể lại, cho đến trước năm 1971, vẫn còn nền cũ của Đền vua Hồ năm xưa, với những gạch đá vỡ và 2 cột nanh phía trước. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, tất cả đã bị san phẳng.

Luyến tiếc một công trình linh thiêng xưa, và cũng từ cái đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, bà con họ Hồ cả nước quyết tâm phục dựng lại đền thờ nguyên Tổ họ Hồ, làm linh từ của dòng họ Hồ Việt Nam trên nền đất cũ. Dù có thể không hoàn thành ngay được cả công trình, cũng là nơi để con cháu hằng năm đi về.

Bắt đầu khởi công từ năm 2006, đến nay, Đền vua Hồ đã xây dựng được cổng, tường bao xung quanh, mái nhà bia, hoàn thành điện chính. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, vào ngày 10, 11 tháng Giêng âm lịch, nơi đây lại tổ chức ngày tế Tổ họ Hồ Việt Nam, đón con cháu khắp nơi hướng tâm về cội.

Và không chỉ riêng con cháu họ Hồ, cứ đến ngày rằm và mùng một, ngày càng đông người dân lại về đây, thắp hương cúng bái, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần được thờ trong đền.

Ông Hồ Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn tự hào: “Đền thờ vua Hồ được phục dựng lại, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trong xã cũng như các vùng lân cận, trở thành điểm tựa tinh thần, nơi linh thiêng trong đời sống văn hóa tâm linh. Vì thế, từ khi đền được dựng lại, người dân rất phấn khởi…”!.


Hồ Lài