Nhộn nhịp bến cá
12h trưa, ở bến cá lạch Cờn, lạch Vạn... tàu cá cập bến, buông neo. Đó cũng là lúc những mẹ, những chị tất tả với công việc của mình. Dáng những người phụ nữ đang gò mình gánh cá, đang tỉ mỉ chọn, nhặt, phân loại cá, sơ chế cá in bóng xuống bãi cát dài. Đặc thù làng biển, chồng đi đánh bắt khơi xa, vợ ở nhà cũng “bám bờ” lo toan cuộc sống, tất tả mưu sinh.
(Baonghean) - 12h trưa, ở bến cá lạch Cờn, lạch Vạn... tàu cá cập bến, buông neo. Đó cũng là lúc những mẹ, những chị tất tả với công việc của mình. Dáng những người phụ nữ đang gò mình gánh cá, đang tỉ mỉ chọn, nhặt, phân loại cá, sơ chế cá in bóng xuống bãi cát dài. Đặc thù làng biển, chồng đi đánh bắt khơi xa, vợ ở nhà cũng “bám bờ” lo toan cuộc sống, tất tả mưu sinh.
Bến cá Lạch Vạn (Diễn Ngọc, Diễn Châu) những ngày này thật tấp nập. 12h trưa, khi các tàu đánh bắt xa bờ cập bến, cũng là lúc hàng chục phụ nữ gồng gánh ùa ra. “Tàu về, tàu về...” - tiếng gọi nhau í ới của các chị vang cả một góc bến. Khi chiếc tàu cá buông neo, lần lượt từng thúng cá được các chị chuyền tay nhau đưa lên bờ. Rồi hơn chục chị nữa đứng chờ sẵn để phân loại, ướp đá cho cá xếp thành từng thùng cho xe tải chở đi.
Trên bến cá còn có nhiều chị em buôn thúng bán bưng, lấy cá bán lại. Bằng xe máy, xe đạp họ tỏa về các chợ lân cận để bán. 12h giờ trưa, mặt trời đứng bóng, ai nấy nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng.
Cá về trên bến Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Đình Sâm
Xếp từng con cá vào khay, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt rám nắng, chị Nguyễn Thị Hường (40 tuổi, xóm Trung Lộc) chậm rãi nói: “Chồng theo thuyền đi đánh cá khơi xa. Tháng về nhà đôi lần, thu nhập bấp bênh lắm. Nhà đông con, nếu chỉ ngồi chờ chồng thì lấy gì mà nuôi con. Mỗi ngày ra đây làm cũng kiếm được xấp xỉ 100-150.000 đồng. Năm nay được mùa cá, công việc kéo dài hơn vì thế thu nhập cũng ổn định...”. Mỗi ngày có khoảng 20 chị em túc trực nơi bến cá Lạch Vạn. Tàu về, người ta thuê gì làm nấy. Đã kiếm kế sinh nhai ở bến cá thì công việc nào cũng nặng nhọc. Nhưng thật lạ là phần đông những người lao động ở đây lại là phụ nữ chân yếu tay mềm. Ngay cả nghề khuân vác, bốc xếp hàng hay chuyển các cây nước đá cũng do phụ nữ đảm nhiệm.
Cách đó không xa, ở cơ sở chế biến cá của anh Nguyễn Văn Hùng (xóm Đồng Lộc, xã Diễn Ngọc) gần 100 chị em đang miệt mài với hàng tấn cá. Các chị thật sự vất vả bởi cả ngày quần quật với những công việc cần sự tỉ mỉ và cũng tốn không ít sức. Những chiếc quạt trần chạy vù vù, quạt hết công sức vẫn không xua đi cái nóng hầm hập từ mái tôn đổ xuống, mồ hôi thấm đẫm trên trán, chảy thành giọt xuống má, xuống cằm và ướt đẫm những chiếc áo bảo hộ lao động. Mùi tanh nồng của cá. Hơi nước bốc lên từ những chiếc thùng xốp ướp lạnh. Nắng nóng là vậy, nhưng tay của các chị vẫn tím bầm, bạc phếch, nhăn nheo vì tiếp xúc lâu với đá lạnh.
Sơ chế cá tại xưởng của anh Nguyễn Văn Hùng (Diễn Ngọc, Diễn Châu) (ảnh nhỏ). Ảnh: T.P
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở sơ chế cho biết: “Mỗi ngày, xưởng sơ chế khoảng 10 tấn cá nguyên liệu, xuất ra khoảng 4 tấn cá sản phẩm, tạo việc làm cho 100 lao động địa phương. Lao động của xưởng chủ yếu là nữ, công việc chính là róc cá, rửa cá và đóng gói..., lương được tính theo sản phẩm, 1kg cá thành phẩm được trả công 2.500 đồng - 4.000 đồng, làm ngày nào thanh toán ngày đó”. Công việc róc cá tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, nhanh tay, tỉ mỉ. “Những ngày đầu, làm chưa quen, xương cá đâm vào tay, chảy máu. Dùng găng tay thì đỡ bị xương cá đâm, đỡ buốt nhưng sẽ giảm tiến độ, giảm năng suất nên thường làm bằng tay không... Vất vả lắm. Tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, với nước, với cá nên tay chằng chịt lỗ thủng do cá đâm, những vết xước vì xương cá và da tay nhăn nheo. Những hôm trở trời, các khớp tay đau buốt...”. Mỗi ngày, các chị róc được khoảng 20kg cá thành phẩm, được nhận từ 50-70.000 đồng tiền công. Với họ, có một công việc để làm, có tiền đong gạo nuôi con, đã là một hạnh phúc.
13 tuổi, đang học lớp 7, tranh thủ ngày hè, Nguyễn Thị Vy (xóm Trung Lộc, Diễn Ngọc) xin vào xưởng chế biến của anh Hùng làm việc. Mỗi ngày, Vy róc được 5 - 7 kg cá thành phẩm, nhận về 30-40.000 đồng tiền công. Số tiền đó, Vy để dành mua sách vở, áo quần chuẩn bị cho năm học mới. Bằng tuổi Vy, các bạn trong làng cũng mưu sinh vào dịp hè này, đứa đi nhặt cá, đứa bóc vỏ tôm, đứa thì lăn lộn với nại muối...
Dưới nền xi măng ẩm ướt đang bốc lên một mùi tanh rất khó chịu, chị Nguyễn Thị Lan - công nhân của doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản Phương Danh (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) vẫn đang loay hoay với những con cá vừa được xẻ thịt. Bên cạnh chị, vài phụ nữ khác đang sắp những con cá nhỏ vào khay đá. Chị Lan kể, chị làm ở đây đã lâu. Công việc thường ngày của chị là sơ chế các loại cá cho chủ buôn trước khi đưa lên xe chở đi tiêu thụ.
“Công việc của tôi tùy theo mùa. Mùa nào tàu thuyền về nhiều thì việc nhiều, mùa mưa bão thì ít việc. Làm mùa này còn đỡ, đến mùa mưa lạnh mới vất vả”. Trước đây, chị cũng là chủ tàu đánh cá, nhưng rồi, trong một chuyến ra khơi, sóng biển đã cướp đi sinh mạng của chồng chị - trụ cột gia đình, còn tàu thì hư hỏng nặng. Một mình với 4 đứa con thơ, cha mẹ chồng già yếu, khó khăn chồng chất, chị tưởng như mình không đủ sức để vượt qua. Nhưng rồi, cuộc sống buộc chị phải nỗ lực, chị phải bươn chải để gánh vác trách nhiệm gia đình thay chồng. Và đã 5 năm nay, chị làm công nhân sơ chế cá, những ngày rảnh việc, lại cọc cạch xe đạp chở cá đi các chợ bán; hoặc nhận gánh cá thuê...
Ở làng biển, những trường hợp như chị Lan không phải là hiếm. Người chồng ra khơi đánh bắt, “sóng to, gió lớn” bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đại dương hung hãn đánh trôi những con tàu, làm bạt những trai tráng, cuốn theo những người chồng, để lại phía bờ nỗi đau và bao lo toan cho người vợ... Thách thức cuộc sống buộc những người vợ cứng cỏi vươn lên, bươn chải mưu sinh để lo cho tương lai của con cái. Giờ đây, họ không còn tựa cửa đợi chồng về sau những chuyến khơi xa, mà đã chủ động tìm việc làm, gây dựng cho mình cơ sở sản xuất, chế biến, trở thành “hậu phương” vững chắc.
Thanh Phúc