Phát huy sức mạnh dân tộc trong phong trào thi đua yêu nước

10/06/2013 14:27

Ngày 11/6/1948, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang đứng trước thử thách gay go, quyết liệt. Với uy tín lớn lao trong lòng dân tộc, lời kêu gọi của Bác đã trở thành lời hiệu triệu toàn dân dốc sức dốc lòng tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại.

(Baonghean) - Ngày 11/6/1948, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang đứng trước thử thách gay go, quyết liệt. Với uy tín lớn lao trong lòng dân tộc, lời kêu gọi của Bác đã trở thành lời hiệu triệu toàn dân dốc sức dốc lòng tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại.

Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” Bác viết: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với tinh thần yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác lúc đó nhằm động viên sức mạnh nhân dân trong cuộc kháng chiến “toàn dân toàn diện” chống thực dân Pháp. Trải qua 65 năm, lời kêu gọi của Bác đã huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các thời kỳ cách mạng. Sức mạnh đó bắt nguồn từ “tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta”, và chính sức mạnh đó đã làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ khi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đến nay, phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển với nhiều hình thức phong phú, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh thần kỳ của chiến tranh nhân dân như: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; xung phong đi dân công hỏa tuyến; tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược; thi đua quyết thắng trong các lực lượng vũ trang nhân dân; thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang; ở hậu phương là phong trào thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người… Trong thời kỳ đổi mới, với nhiều phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy tinh thần làm chủ và lao động sáng tạo của nhân dân như:

thi đua lao động giỏi trong công nhân, viên chức, lao động; thi đua nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong giới trí thức; thi đua dạy tốt, học tốt trong ngành Giáo dục - Đào tạo; nêu cao gương sáng y đức trong ngành Y tế; giỏi việc nước đảm việc nhà trong chị em phụ nữ; thanh niên tình nguyện trong tuổi trẻ; làm nghìn việc tốt trong thiếu niên, nhi đồng…

Ở Nghệ An, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, trong những năm qua, các ngành, địa phương, đơn vị đã phát động sâu rộng nhiều phong trào thi đua yêu nước, như phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... Thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, làm sáng lên tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh nội lực và con người Nghệ An.

Tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy truyền thống yêu nước của dân tộc ta làm nền tảng để phát động phong trào thi đua ái quốc. Chính Người đã chỉ ra mối quan hệ máu thịt giữa thi đua và yêu nước trong mỗi con người Việt Nam, từ đó làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức sống mãnh liệt và mãi trường tồn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, mỗi người dân Việt Nam đều tự nguyện hăng hái tham gia các phong trào thi đua với tấm lòng yêu nước nồng nàn. Tác dụng lớn nhất của phong trào thi đua yêu nước là tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc bằng nhiều hình thức thi đua cụ thể, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi, từng ngành nghề trong các môi trường xã hội khác nhau.

Ngày nay, trong phát động và tổ chức phong trào thi đua yêu nước, chúng ta phải biết chọn hình thức thi đua thích hợp để phát huy tinh thần làm chủ và tiềm năng lao động sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, phong trào thi đua yêu nước phải được phát động trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó lan tỏa sâu rộng trong phạm vi cả nước. Có như vậy mới huy động được sức mạnh của toàn dân tộc làm cho phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển.


BNA