Nâng trách nhiệm thẩm định, đánh giá tác động môi trường

28/03/2013 16:01

(Baonghean) - Thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, Sở Tài nguyên – Môi trường, trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá báo cáo tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bên cạnh quan tâm xem xét kỹ các hồ sơ thủ tục đúng theo quy định của pháp luật, Chi cục BVMT tỉnh tăng cường khảo sát thực địa, nắm bắt và phân tích rõ hiện trường khu vực dự án. Có dự án qúa trình khảo sát thực địa phát hiện không đạt điều kiện địa điểm do gần khu dân cư hoặc nằm đầu nguồn nước, đã được yêu cầu lựa chọn lại địa điểm, như dự án xây dựng bãi tập kết và xử lý rác thải tập trung của huyện Nam Đàn; bãi rác tập trung của Thị xã Thái Hòa; dự án xưởng chế biến quặng ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.... Đối với các dự án chưa đạt yêu cầu về các biện pháp bảo vệ môi trường thì yêu cầu làm lại, như: khách sạn Thái Bình Dương (Cửa Lò); mỏ khai thác đá của Công ty CP Vật liệu xây dựng 99, tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương; Khu Liên hợp xử lý rác thải tại xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên...

Ngoài ra, chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng môi trường trước khi tiến hành thẩm định báo cáo ĐTM của 18 dự án. Chỉ tính trong vòng gần 3 năm lại đây, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham mưu thẩm định và phê duyệt 209 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có 51 dự án cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Thẩm định và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 210 cơ sở; kiểm tra và cấp giấy đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 13 cơ sở; tổ chức thẩm định phương án ứng phó sự cố tràn dầu của 1 cơ sở. Ở cấp huyện đã thẩm định và xác nhận 1.325 bản cam kết bảo vệ môi trường; thẩm định và xác nhận trên 200 đề án bảo vệ môi trường.



Kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải ở Nhà máy Bia Habeco tại KCN Nam Cấm.

Song song với việc nâng cao chất lượng thẩm định và cấp phép báo cáo ĐTM, Chi cục BVMT cũng đẩy mạnh một bước các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau báo cáo ĐTM của các dự án. Trong 2 năm (2011 – 2012), chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM tại gần 70 cơ sở doanh nghiệp. Qua đó kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường mà chính các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện trong báo cáo ĐTM, từ đó nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở.

Những nỗ lực, cố gắng trong công tác thẩm định và đánh giá báo cáo ĐTM thời gian qua đã góp phần kiểm soát và hạn chế những tiêu cực tác động đối với môi trường của các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo ông Bạch Hưng Cử - Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá báo cáo tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh) thì công tác này hiện đang bộc lộ những bất cập cần được khắc phục. Đó là một số chủ đầu tư còn thiếu ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường, coi việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án như một loại “thủ tục” nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn dịch vụ môi trường để tìm các biện pháp bảo vệ môi trường sát thực tế.

Mặt khác, do sợ tốn kinh phí nên nhiều chủ đầu tư thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các biện pháp BVMT đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra để xác nhận. Một bất cập nữa là kinh phí thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM (theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành năm 2007) ở mức 5 triệu đồng/một bộ hồ sơ thời điểm này đã quá lạc hậu. “Thực tế quá trình thẩm định phải tổ chức kiểm tra hiện trường; có dự án qua kiểm tra hiện trường thấy chưa yên tâm lại phải lấy mẫu về phân tích, kiểm chứng; họp hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM..., nếu chỉ 5 triệu đồng phí/hồ sơ là bất hợp lý” - Ông Bạch Hưng Cử cho biết thêm.


Bài, ảnh: Minh Chi