Quế Phong: Dự án chuối tiêu hồng không hiệu quả

10/04/2013 15:12

(Baonghean) - Năm 2011, Ban phát triển nông thôn miền núi Quế Phong triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng tại bản Tồng Cắng xã Tiền Phong; sau 2 năm triển khai, dự án không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Chúng tôi đi tìm hiểu dự án chuối tiêu hồng được triển khai từ năm 2011, với 22 hộ nông dân ở Tồng Cắng xã Tiền Phong, huyện Quế Phong tham gia. Được biết ở các tỉnh phía Bắc, sau một năm chuối tiêu hồng mỗi ha có thể cho thu từ 80 đến 90 tấn quả, mang lại thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng, ở Tồng Cắng trong tổng số 22 hộ nhận thực hiện dự án đến nay chỉ còn có 8 hộ còn có chuối tiêu hồng nhưng không hiệu quả.

Gia đình anh Lương Văn Phương bản Tồng Cắng - Tiền Phong là một thí dụ, năm 2011, anh được đi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối tiêu hồng, sau đó được cấp 150 gốc chuối và phân NPK. Nhưng một thời gian dài cho thấy chuối không hợp đất, mỗi buồng chuối cũng chỉ có từ 5 đến 6 nải, bán ra cũng chỉ được 60 ngàn đồng, tính ra trong 2 năm gia đình cũng chỉ thu lại được 3 triệu đồng, vì vậy gia đình không mấy mặn mà với loại chuối này. Gia đình chị Hà Thị Kim cũng vậy. Mặc dù được chăm sóc khá tốt nhưng, chuối tiêu hồng ở vườn chị thường xuyên bị sâu đục thân. Chuối vừa trổ là bị gãy ngang cây. Nhiều lần phản ánh với Tổ trưởng dự án, nhưng không thấy ai về hướng dẫn để phòng trừ sâu bệnh. Chị Kim chia sẻ: “Từ khi triển khai dự án gia đình tôi nhận 120 gốc chuối về trồng, tôi có làm rào bón phân nhưng chuối phát triển chậm, cả năm 2012 vườn chuối này cùng chỉ bán được 600 ngàn đồng”.

Trong tổng số 22 hộ tham gia dự án, hầu hết là những hộ có diện tích đất rộng, có nguồn lao động. Tuy nhiên, do ý thức của người dân nơi đây vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên, khu vực Tồng Cắng có diện tích rộng gần 100 ha, được bao quanh bởi dòng sông Nậm Việc, nhưng người dân vẫn không chịu bơm nước lên tưới cây, mà chỉ biết dựa vào trời mưa. Bên cạnh đó, một số hộ dân trồng chuối đã không rào lại cẩn thận để cho trâu bò phá hoại. Ông Nguyễn Đình Kiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “ Trên thực tế có 22 hộ dân tham gia thực hiện dự án, thì đến thời điểm này, qua đánh giá gần 2 năm tổ chức thực hiện chỉ có 7-8 hộ còn có chuối nhưng thu nhập không cao, thời gian tới chúng tôi đang đề xuất lên cấp trên cần chuyển đổi cây trồng cho bà con, vì khu Tồng Cắng hiện có trên 50% là hộ nghèo.

Dự án trồng chuối nói trên không hiệu quả là một sự lãng phí cần được các cấp ngành xem lại. Đưa cây, con về phù hợp với điều kiện tự nhiên và bố trí hộ đủ năng lực thực hiện, đồng thời có cán bộ theo dõi, hướng dẫn là điều cần rút kinh nghiệm.


Vân Thanh (Đài Quế Phong)