Hiệu quả phong trào xây dựng hầm khí biogas

25/03/2013 17:32

Sau 10 năm (2003-2013) tham gia Dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở một số tỉnh ở Việt Nam” do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ NN & PTNT và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện, phong trào xây dựng hầm khí biogas ở Nghệ An đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón cho sản xuất và nguồn năng lượng dùng trong thắp sáng.

(Baonghean) - Sau 10 năm (2003-2013) tham gia Dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở một số tỉnh ở Việt Nam” do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ NN & PTNT và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện, phong trào xây dựng hầm khí biogas ở Nghệ An đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón cho sản xuất và nguồn năng lượng dùng trong thắp sáng.

Là một trong những tỉnh có phong trào chăn nuôi đứng đầu cả nước, Nghệ An hiện có trên 750.000 con bò, 1,3 triệu con lợn, 15 triệu con gia cầm, có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Nếu như trước đây chất thải trong chăn nuôi là vấn đề nan giải đối với những hộ chăn nuôi cũng như đối với cộng đồng thì từ khi có phòng trào xây dựng hầm khí biogas do Dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở một số tỉnh ở Việt Nam” hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật và một phần kinh phí, đã giải quyết được những khó khăn tồn tại xung quanh chuyện chất thải trong chăn nuôi của các hộ dân.

Chương trình khí sinh học (KSH) được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn I (2003 -2006): triển khai trên 12 tỉnh và thành phố; Giai đoạn bắc cầu (2006): chuẩn bị cho giai đoạn II; Giai đoạn II (2007-2014): triển khai dự án trên toàn quốc. Tính từ năm 2003 đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7.928 công trình KSH đạt tiêu chuẩn, được xây dựng theo thiết kế mẫu KT1, KT2, cỡ công trình được người dân xây dựng từ 6-15 m3, giá thành từ 4 - 12 triệu đồng/công trình. Nhiều huyện có tiềm năng phát triển công nghệ KSH như Diễn Châu có hơn 1.523 bể KSH, Quỳnh Lưu 1.013 bể, Yên Thành 962 bể, Thanh Chương 740 bể, Nam Đàn 618 bể,…



Xây dựng hầm khí sinh học tại Hưng Tiến (Hưng Nguyên).

Ban quản lý dự án đã tổ chức 9 điểm trình diễn sử dụng bã thải từ bể biogas tại huyện Yên Thành, Diễn Châu với 21 hộ tham gia, mô hình được thử nghiệm trên cây lương thực, rau màu vụ đông và nuôi cá rô phi đơn tính. Kết quả đem lại khả quan và cho năng suất thu nhập cao hơn sản xuất bình thường. Ngoài ra còn thực hiện thành công 5 điểm trình diễn mô hình sử dụng khí dùng cho bình nóng lạnh và máy phát điện tại huyện Nghi Lộc. Dự án còn góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân đối với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) hiện có 1.000 công trình KSH và ở đây, việc xây dựng công trình KSH trong chăn nuôi đã được đưa vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã. Điều đó chứng tỏ các cấp địa phương đã thực sự quan tâm tới vấn đề này.

Trang trại lợn của anh Võ Văn Sinh ở phường Quán Bàu - Thành phố Vinh có trên 20 con lợn giống. Trước đây do hệ thống xử lý chất thải của trang trại chưa đạt hiệu quả nên bà con khối phố đã có nhiều ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường. Năm 2008, khi nghe những thông tin về việc xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm biogas, anh Sinh đã tìm hiểu và bỏ tiền ra xây dựng xây dựng hầm chứa biogas dung tích trên 500m3, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Từ đó đến nay công trình của gia đình anh vẫn sử dụng tốt, không những giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp gia đình anh có thêm nguồn năng lượng để chiếu sáng, đun nấu. Anh Sinh còn cho biết, những phụ phẩm khí sinh học còn được gia đình anh sử dụng như: bã cặn làm phân bón, nước xả dùng để tưới rau... Ở gia đình chị Trần Thị Bình ở khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh cũng vậy. Trước đây nguồn phân thải ra từ chăn nuôi lợn chủ yếu xả ra mương nước gây ô nhiễm môi trường, khu dân cư có ý kiến nhưng chị Thương vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.

Trong năm 2009 được cán bộ khuyến nông tuyên truyền về dự án khí sinh học, gia đình chị đã xây dựng bể khí biogas trị giá trên 10 triệu đồng, với dung tích hơn 11m3. Trong đó dự án của Chính phủ Hà Lan hỗ trợ 1,2 triệu đồng, chị Bình phấn khởi: Từ khi đưa vào sử dụng bể biogas toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom để làm chất đốt và thắp sáng. Nhờ từ khí sinh học mà mỗi ngày nấu được trên 20 lít rượu để bán, sử dụng nấu ăn hàng ngày, đỡ được khoản chi phí về chất đốt từ 600.000-800.000đ/tháng. Còn theo chị Lương Thị Tân ở xã Hưng Tiến - Hưng Nguyên thì: Trước đây gia đình chị có nuôi lợn thịt nên đã làm hầm biogas và thấy rất hiệu quả. Nay do dịch bệnh, thức ăn đắt đỏ nên hiện nay không nuôi lợn nữa nhưng gia đình chị vẫn sử dụng hầm bioga là từ phân nuôi gà và rác thải.

Tuy nhiên 2 năm gần đây, số lượng hầm khi biogas được xây dựng thêm càng giảm đi. Riêng năm 2012, toàn tỉnh xây dựng được hơn 637 công trình, trong khi đó chỉ tiêu mà tỉnh giao là 1.000 công trình. Ông Cao Xuân Tuấn - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính là do những năm gần đây có dịch bệnh tai xanh nên người chăn nuôi sợ rủi ro, giá thức ăn trong chăn nuôi tăng cao, giá bán sản phẩm chăn nuôi lại không ổn định, dẫn đến người nông dân thu hẹp quy mô và số lượng hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác đó là chi phi hỗ trợ hiện nay thấp (1.200.000 đồng/công trình, chỉ chiếm 15-20% người dân bỏ ra để xây dựng 1 công trình vào loại nhỏ) từ đó tạo nên tâm lý trông chờ của một số hộ dân.

Sau 10 năm triển khai, dự án công nghệ khí sinh học đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế chặt phá rừng làm chất đốt, tạo nguồn năng lượng mới cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả sâu rộng hơn nữa, cần có sự quan tâm chỉ đạo một cách cụ thể, sát sao của các cấp lãnh đạo cũng như có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa.


Hải Yến (TT Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An)