Kỳ bí sự tích rắn thần ở Yên Thành
Phía bắc huyện Yên Thành là vùng bán sơn địa với hình sông thế núi vô cùng đẹp đẽ, trù mật, hữu tình. Nhiều núi đồi, bàu đập, đồng rộc nơi đây… gắn liền với những sự tích, giai thoại. Trong đó, sự tích rắn thần là một trong những câu chuyện mang nhiều màu sắc kỳ bí, và rất lạ là cho đến nay nhân dân trong vùng vẫn kể lại với niềm tin rằng đây là chuyện có thật xảy ra từ thời cổ xưa…Sự tích “Ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác”
(Baonghean) - Phía bắc huyện Yên Thành là vùng bán sơn địa với hình sông thế núi vô cùng đẹp đẽ, trù mật, hữu tình. Nhiều núi đồi, bàu đập, đồng rộc nơi đây… gắn liền với những sự tích, giai thoại. Trong đó, sự tích rắn thần là một trong những câu chuyện mang nhiều màu sắc kỳ bí, và rất lạ là cho đến nay nhân dân trong vùng vẫn kể lại với niềm tin rằng đây là chuyện có thật xảy ra từ thời cổ xưa…
Sự tích “Ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác”
Tam quan đền Canh Hạ
Ở các xã phía bắc huyện Yên Thành lưu truyền một sự tích về rắn thần với tên gọi dân giã là chuyện “ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác”. Từ đầu đến cuối sự tích, mỗi nhân vật, mỗi chi tiết đều được thực chứng hóa bằng các địa danh, đền thờ, dấu tích… thành một hệ thống di tích, danh thắng, địa danh trải dài theo các xã: Phúc Thành, Lăng Thành, Đức Thành, Mã Thành (huyện Yên Thành). Theo lời kể của người dân thì đã lâu lắm rồi, ở làng Diệu Ốc thuộc xã Gia Lạc, tổng Quan Triều (nay là làng Diệu Ốc, xã Phúc Thành) có đầm nước rộng khoảng 20 mẫu, nhân dân còn gọi là bàu Ác, một số thư tịch cổ gọi là Đầm Ô. Thuở trước, các bậc văn nhân tài tử khi đến vãn cảnh bàu Ác từng cho rằng đầm này có nhiều hoa sen đẹp không kém cảnh ao Thái Dịch trong kinh thành. Trong làng ven đầm có hai vợ chồng nông dân ăn ở phúc đức nhưng tuổi đã cao, mà mãi không sinh nở. Một hôm người vợ xuống tắm dưới đầm, bỗng thấy một luồng khí lạ ám vào người, như có sự giao cảm với thần thánh, mơ màng như thấy rồng phủ, về nhà thấy có rớt rồng bám trên người. Sau đó người vợ có thai, sinh ra hai quả trứng, nở ra hai con rắn. Vợ chồng người nông dân vô cùng yêu quý hai đứa con đặc biệt của mình. Hai con rắn cứ thế lớn lên và rất khôn, đi đâu cũng theo giúp bố mẹ, sớm tối không rời. Một hôm trong lúc cuốc rộng, người cha đã vô ý chặt đứt đuôi một con rắn. Bị cụt đuôi, con rắn ngỡ ngàng giận dữ phùng mang và dựng ngược lên nhìn thẳng vào người cha. Người cha vừa thương con, vừa sợ hãi, quỳ xuống và luôn miệng: “Phụ bái tử, phụ bái tử” (cha lạy con). Rắn cụt đau đớn bỏ đi. Nơi gò đất người cha quỳ xuống lạy con sau này người đời gọi là cồn “Bái tử phong”.
Rắn cụt đi về hướng đông, qua đầm Quỳ Trạch, đến giữa đồng thì quằn quại vùng vẫy, máu rỏ ra đỏ cả vùng đồng rộc, nơi rắn quẫy thành cái bàu nước, người dân gọi là bàu Canh. Cho đến nay hình dáng của bàu Canh vẫn nguyên dáng vẻ uốn lượn ngoằn nghoèo giữa cánh đồng lớn của xã Đức Thành giáp giới với xã Mã Thành. Chừng kiệt sức, rắn cụt bò lên rừng, đi lên khe nước đầu nguồn và chết ở đó, nơi ấy sau được gọi là Khe Thần. Thương con, vợ chồng người nông dân lần theo dấu vết để đi tìm. Lặn lội đến mé rừng, người mẹ kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Bà. Người cha gắng gượng đi tiếp, gần đến Khe Thần, cũng kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Ông.
Tượng mẹ người bồng 2 con rắn ở đền Cạnh Hạ
Con rắn lành ở lại bàu Ác, buồn vì người anh em và cha mẹ bỏ mình mà đi, rắn lành bò lên bờ bàu Ác và chết ở đó. Tương truyền rằng, anh em nhà rắn sau khi chết đều hóa thành những vị phúc thần. Có những đêm hè nóng nực, người dân nằm ở trong nhà nghe tiếng lá cây rung lắc mạnh, nghe rõ tiếng di chuyển ào ào như gió thổi, sáng ra thức dậy thì thấy cây cỏ đổ rạp theo lối đi kéo dài từ trên rừng xuống tận bàu nước. Người dân cho rằng đó là dấu của rắn thần về tắm mát. Hoặc những lúc đi ngang qua các khu rừng rậm rạp, nghe có tiếng gió thổi u u là lúc thần hiện. Vào những kỳ đại hạn, có gió Lào (bão Lào), các đồng rộc khô nứt nẻ, đến bàu Canh và bàu Ác để khấn nguyện thì lập tức sẽ có mưa thuận gió hòa. Những lúc lũ lụt lớn, người dân đến bàu Canh và bàu Ác làm lễ khấn nguyện thì sẽ giảm tránh được các đại họa do thiên tai gây ra. Do đó, nhân dân trong vùng tôn xưng rắn thần là “ông” và lập đền thờ ông cụt ở bàu Canh, đền thờ ông lành ở bàu Ác. Từ đó trong dân gian có câu chuyện “ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác”.
Chuyện kể ở hai ngôi đền thiêng
Đền thờ ông cụt được lập bên cạnh bàu Canh, nơi ông cụt đau đớn nhỏ ra nhiều máu trước khi lên rừng hóa thần, được gọi là đền Canh Hạ. Đền nằm giữa cánh đồng của làng Thọ Canh (Châu Canh), được nhân dân xây dựng với quy mô khá lớn, kiến trúc hình chữ đinh, có tứ trụ, tam quan, cạnh tam quan có hai con voi chầu bằng đá nguyên khối có đường nét chạm khắc rất tinh tế. Trong đền Canh Hạ còn có am nhỏ có tượng thờ mẹ người bồng hai con rắn. Tương truyền trong đền vào những ngày trở trời, chuyển tiết, người trong vùng vẫn thấy có long tinh hiển hiện. Vào các kỳ hạn hán, mất mùa đói kém, người dân lên đền khấn cầu cho mưa thuận gió hòa đều rất linh ứng. Đền nằm ở giữa cánh đồng trũng và chịu nhiều tác động của thiên tai nên bị mai một nhiều, nhân dân trong vùng đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên đến nay vẫn giữ được nhiều dấu tích cổ sơ như cổng tam quan, cặp voi đá, điện thờ thần rắn. Cổng tam quan của đền Canh Hạ có một cây si hình thù kỳ dị, thân và rễ cây như vô vàn những con rắn to nhỏ, ngắn dài ôm ấp bao bọc phủ kín hết cả tam quan, đồng thời ôm ấp lưu giữ những nét kiến trúc cổ kính từ xa xưa để lại. Coi là sự lạ, ngay tại tam quan người dân cũng lập bàn thờ để hương khói thờ phụng.
Sau tam quan đền Canh Hạ có cặp voi đá chầu hai bên, theo người dân cho biết thì voi đá được tạc từ đá lấy ở vùng Ngàn Nhà Ông và Ngàn Nhà Bà. Những năm 90 của thế kỷ trước, xã Đức Thành làm hội trường ở làng Kẻ Sàng, để trang trí hội trường mới, xã cho người chuyển hai con voi về chầu trước cổng hội trường. Ngay sau đó không lâu lần lượt có hai vị cán bộ đương chức của xã bị đột tử. Xã lập tức cho người chuyển cặp voi đá về vị trí cũ, mọi việc trở lại yên ổn. Sự việc trên có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, thế nhưng đã nhân lên nỗi sợ hãi, gieo vào tâm trí người dân nơi đây nỗi ám ảnh về sự linh thiêng của thánh thần.
Bên cạnh bàu Ác, nơi ông lành chết có gò mối đùn lên, nhân dân đã khoanh nền và lập đền thờ, tôn ông lành làm Thành hoàng của làng Diệu Ốc, nên còn có tên gọi là Đền Hoàng. Đền này ban đầu chỉ thờ ông lành, về sau phối thờ đa thần, trong đó được thờ chính vẫn là thần rắn (ông lành) và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, thế nên còn có tên gọi khác là Đền Đức Hoàng. Hoàng Tá Thốn người Kẻ Vạn (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), ông có biệt tài bơi lội, đi lại dưới nước dễ dàng như trên cạn. Thời nhà Trần, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Hoàng Tá Thốn đã được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn thủy quân cùng tàu thuyền, bằng chiến thuật lặn dưới nước đục thuyền giặc đã góp công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên Mông, trong đó lẫy lừng nhất là cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288. Ghi nhận công lao Hoàng Tá Thốn, vua Trần Nhân Tông phong cho ông là “Sát hải Đại tướng quân”. Khi ông mất, nhà Trần cho lập đền thờ ở Kẻ Vạn và phong ông là “Sát Hải Chàng Lại Đại tướng quân, Thiên Bồng Nguyên soái chi thần”. Đồng thời nhân dân các vùng Thanh Hóa, Nghệ An cũng lập nhiều đền thờ để thờ ông một bậc anh hùng hộ quốc cứu dân.
Đền Đức Hoàng
Thời nhà Nguyễn, có một vị chân nho rất giỏi về y, lý, số, vì một lẽ nào đó đã mai danh ẩn tích đến đền Đức Hoàng làm người coi đền và để lại nhiều bài thuốc trị bệnh theo các thẻ tre. Hiện nay vẫn còn các thẻ tre được phân loại thành từng ống, mỗi loại thẻ tre tương ứng với mỗi bài thuốc nam, mỗi ống thẻ dành cho mỗi lứa tuổi, giới tính, triệu chứng hoặc bộ phận cơ thể có bệnh... Nay việc xóc thẻ xin thuốc, xóc thẻ xin vận hạn cát hung vẫn còn như là sự lưu giữ một nét văn hóa cổ truyền ngày xuân, ngày lễ.
Đền Đức Hoàng đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, Lễ hội Đền Đức Hoàng được tổ chức từ ngày 30 tháng Giêng đến ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch với nhiều hoạt động tín ngưỡng, nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của đông đảo du khách và con em quê lúa.
Câu chuyện “ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác” là một trong những minh chứng sống động cho thấy từ xa xưa, rắn là một linh vật có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, trong tín ngưỡng của người Việt trên mảnh đất xứ Nghệ. Tín ngưỡng thờ thần rắn đã phần nào phản ánh mối liên hệ chặt chẽ giữa mỗi cá nhân đối với cội nguồn, với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên, nương tựa vào tự nhiên. Vì thế, câu chuyện “ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác” còn chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc về thái độ, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, ứng xử của con người với những quy luật khắc nghiệt của tự nhiên!
Bài, ảnh: Ngô Kiên