Buồn vui quanh chuyện xăm mình

06/06/2013 16:50

(Baonghean) - Trước đây, trong phim ảnh và cũng như đời thực, người xăm trổ đều có “số má giang hồ”, là “xã hội đen”. Còn bây giờ, bất cứ ai nếu muốn đều có ngay một hình xăm theo ý mình trên cơ thể ...

Giang hồ qua những hình xăm


Năm 1989, đang là học sinh trung học, tôi đã chứng kiến hai tốp thanh niên tay cầm dao kiếm đằng đằng sát khí, chuẩn bị lao vào nhau thua đủ. Bỗng đâu một người ăn mặc quần áo “quân khu”, đầu đội mũ cối xuất hiện. Nơi ngực anh ta lộ rõ một hình xăm Phật Bà Quan Âm đang thượng tọa nơi tòa sen, lập tức đám đông ngừng lại ngoan ngoãn nghe theo sự dàn xếp của anh ta.

Qua những gì tôi thấy và cả trong các câu chuyện về an ninh hình sự thì rõ ràng, chỉ những người có “số má” mới xăm trổ và những hình xăm thể hiện “đẳng cấp giang hồ” của họ. Hồi đó, bất cứ người dân lành nào khi ra đường, bắt gặp ai đó có hình xăm đều tránh đi nơi khác...

Tôi tìm đến khu Thành Cổ (phường Cửa Nam - TP. Vinh) để gặp “Vượng bò”, một tay giang hồ của những thập niên trước giờ quay đầu về yên phận với gia đình. Anh ta cởi áo ngồi yên cho tôi đếm và liệt kê các hình xăm trên cơ thể. Giữa ngực anh ta là một “ông Hổ”, đang nhe nanh ngẩng đầu nhìn lên, phía trên là con chim đại bàng giương móng vuốt đang đà lao xuống. Kín cả lưng là toàn cảnh một thành phố cổ, với một người đàn bà ngồi khóc sau cửa sổ một căn nhà, khắp hai cánh tay, đùi là hai cái đuôi rồng và chi chít con số mà chỉ anh mới hiểu. Nói tóm lại, là cả người anh như một cuốn... truyện tranh.

Đưa tay chỉ dòng chữ “Lạy mẹ con đi” được xăm ở cánh tay phải, anh Vượng giải thích: “Ở trong đó, chỉ có các đại ca mới có đủ điều kiện để xăm. Thông thường, mỗi hình xăm đều gắn liền với mốc thời gian, hay ghi lại dấu ấn đáng nhớ trong quãng thời gian cải tạo”.

Ở trại giam, dụng cụ để xăm hình rất đơn giản, chỉ cần ba cái kim may quần áo, dùng chỉ quấn chặt để kết lại với nhau sao cho thừa phần mũi kim khoảng 0,5 cm, là thành “kim xăm”. Mực xăm là dây cao su, quai dép tông đốt lên thành than, trộn lẫn kem đánh răng và hòa với nước lã là thành mực. Sau khi dùng bút bi vẽ hình định xăm lên cơ thể, người xăm chỉ việc dùng “kim xăm” chấm vào “mực”, và lích vào da cho rớm máu. Sau mấy ngày, hết giai đoạn sưng đỏ thì nét xăm hiện rõ.

Theo anh Vượng và nhiều người khác nữa thì xăm hình lên cơ thể còn có thể là lời thề với bản thân phải quyết tâm thực hiện điều đã hứa.

Nghe anh nói vậy, tôi chợt nhớ về một người bạn vốn là giang hồ thập kỷ 90. Dù là “đại ca”, nhưng điều kỳ lạ là anh ta chỉ xăm duy nhất nơi ngực trái một dòng chữ: “Nhớ đời: H”. Khi tôi hỏi ý nghĩa về dòng chữ đó, anh kể: “Đây là tên của một người đã cho tôi trận đòn và những câu nói trong trại giam. Tôi xăm, để nhắc nhớ bản thân không được quên câu người ta đã chửi tôi năm đó”.

Được biết ngày hết án, anh đã thề với người đó rằng: “Sẽ quay lại nơi đây trong tư thế khác”. Chính dòng chữ trên ngực đã thôi thúc anh ta học, vươn lên trở thành người tử tế, khác xa với ngày xưa. Và 10 năm sau, khi thân phận đã đổi thay, anh đã trở về nơi cũ để tìm gặp lại người xưa, như lời hứa...

Tuy nhiên, một số ít người cũng có hình xăm trên cơ thể nhưng không thuộc phái “giang hồ”. Họ xăm vì tâm linh, “trừ tà, trấn trạch”, mong muốn được bình an vô sự. Ông Nguyễn Văn Long, ở phường Lê Mao (TP. Vinh) cho tôi xem hai hàng chữ Phạn trên lưng, và một hình âm dương trên ngực trái, rồi giải thích: “Gia đình hiếm muộn, nên khi tôi mới sinh ra, ông bà nội đã xăm những hình này lên cơ thể với mục đích là mong người khỏe mạnh, nối dõi tông đường”.

“Xăm trổ” thời nay

Một buổi sáng trong quán cafê thuộc loại đông khách ở Vinh, tôi đặc biệt ấn tượng với một cô gái trẻ bàn bên cạnh, với phong cách vô cùng chuyên nghiệp, đang giới thiệu các mẫu ôtô với khách hàng. Trên cánh vai trắng nõn của cô, lộ rõ hình xăm một chú bướm tuyệt đẹp đang bay lượn bên đóa hoa hồng... Hiện nay, xăm hình trên cơ thể đã trở thành một mốt chơi, phát triển thành một nghề. Tất nhiên, bây giờ xăm bằng máy chứ không phải bằng kim may chấm với “mực than cao su” như trước nữa. Đặc biệt, ở các thành phố lớn đã có hẳn một ngành, cung cấp đầy đủ phụ tùng dụng cụ, mực, các hình mẫu và công nghệ cho nghề này.

Ở Thành phố Vinh, cũng có khoảng gần 20 địa điểm đáp ứng cho nhu cầu của người thích xăm hình nằm rải rác ở đường Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong... Hiệu “Xăm Thảo Tường” trên đường Trần Hưng Đạo (phường Cửa Nam) là một trong những địa chỉ được “dân xăm” tin tưởng tìm đến. Chủ cửa hiệu (anh Thảo) là một gã giang hồ, ngày xưa nổi tiếng có kỹ thuật xăm trổ ở trại cải tạo, nay đã hoàn lương về mở hiệu xăm cho các khách hàng có nhu cầu.



Thợ đang xăm hình cho khách hàng.

Anh Thảo nói: “Ngoài những tay chơi muốn xăm mình chứng minh đẳng cấp, trai gái yêu nhau cùng nhau xăm để thể hiện lòng chung thủy, còn có nhiều người rất đàng hoàng tử tế, và các cầu thủ bóng đá cũng thường xuyên ghé hiệu của tôi ”.

Tôi tin lời anh nói, bởi đã từng được đọc những vần thơ rất cảm động viết về cha mẹ, xăm trên cánh tay trái của Tuấn, nhân viên pha chế ở quán Cafê Xứ Nghệ: “Ăn cơm mẹ nấu, ngủ giường cha; Được sống trong cái gọi là nhà; Ấm êm, hạnh phúc thật may mắn; Tại sao cứ nghĩ cho riêng ta....”. Giải thích những vần thơ đó, Tuấn nhìn xa xăm nói: “Em đã bỏ nhà đi chơi bời đủ kiểu, làm cho cha mẹ buồn khóc suốt mấy năm. Giờ, xăm lên tay để răn nhắc với bản thân sống cho xứng đáng công ơn cha mẹ..”.



Một bài thơ được xăm trên cánh tay.

Theo anh Thảo, giá cả các hình xăm phụ thuộc lớn hay nhỏ, thời gian xăm lâu hay mau. Thông thường, một hình xăm không quá phức tạp mất hai tiếng, có giá trên dưới một triệu đồng. Có những mẫu xăm đòi hỏi phức tạp và sử dụng nhiều màu sắc, có khi lên tới ba triệu. Máy xăm là một loại máy cầm tay, chạy theo chế độ rung có gắn kim ở phía đầu thực hiện động tác lích kim vào da. Sau khi khách hàng chọn hình ưng ý, sẽ can hình lên chỗ xăm, sau đó nhúng đầu xăm vào mực và bắt đầu điều khiển mũi kim theo hình vẽ. Mực do Trung Quốc, Thái Lan sản xuất, chỉ dành cho việc xăm mình.

Những chuyện buồn, vui

Năm 1998, trên một chiếc xe khách chạy Vinh - Sài Gòn do bà Châu Hậu ở phường Đội Cung (TP. Vinh) làm chủ, một lần khi bà thu tiền vé của một khách đi xe thì anh ta phanh áo ngực ra, nói: “Không biết tao là ai mà còn thu tiền xe”. Nơi ngực lộ rõ một hình xăm con hổ đang nhe nanh, nhưng có lẽ do gầy hơn trước đây, nên bây giờ “ông hổ” biến thành... con mèo. Bà chủ xe rút từ trong túi ra một cái tuốc-nơ-vit, gí vào anh ta và nói: “Mày muốn tao đâm một nhát thủng mắt con mèo không?”. Ai cũng lo bà ta làm thật thì gay, bởi con mắt hình xăm nằm ngay giữa ngực trái vị khách. “Xăm hả, tưởng ghê gớm lắm sao, xem đây này”, nói rồi bà ta kéo ống quần lên bẹn, tất cả khách trên xe đều bụm miệng cười bởi hình xăm là một đàn chuột bốn con đang chạy về... hang! Ông khách xăm hổ không nói gì, đứng dậy nhảy xuống khỏi xe, mất dạng.

Nhưng hình xăm đôi khi cũng gây ra phiền phức mà khi xăm chính chủ nhân không lường trước được. Hà, một cô gái ngoan hiền ở phường Đông Vĩnh, (TP. Vinh) khi thấy bạn bè đều có hình xăm, cô cũng lựa chọn cho mình một nụ hồng nhỏ ở cánh tay. Không ngờ sau này anh người yêu thấy được hình xăm, cảm giác sốc khi nghĩ người yêu mình là dân chơi bời, nên anh quyết định chia tay cô, mặc dù hai người đã chuẩn bị đính hôn. Ngoài ra, còn nhiều câu chuyện bi hài xung quanh những hình xăm nữa...

Vẫn biết quan niệm của xã hội ngày nay đã có cái nhìn khác, đỡ khắt khe hơn đối với những người xăm trổ thân mình. Cũng có nhiều người suy nghĩ xem xăm hình là “nghệ thuật” mang tính phá cách, nhưng tất cả đều có tính hai mặt bởi xã hội chưa dễ dàng chấp nhận cái mới, mang tích nổi loạn. Vì vậy, các bạn trẻ hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định xăm hình lên cơ thể. Mặt khác chúng ta cũng nên cởi mở hơn, chấp nhận trào lưu mới này, hãy nhìn họ và các hình xăm dưới con mắt nhân văn hơn, bởi biết đâu ẩn đằng sau những hình xăm có thể là một lời tâm sự, một uẩn khúc nào đó của cuộc đời, và cũng có thể là lời hứa quyết tâm hướng Thiện?!


Thế Sơn