Nhiều công trình nước sạch tự chảy xuống cấp, hư hỏng

26/05/2013 17:34

Trong lần làm việc với chúng tôi mới đây để tìm hiểu kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Quỳ Châu, ông Lang Văn Thanh - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho hay: Không giống các công trình xây dựng cơ bản điện - đường - trường - trạm, sự đầu tư của Nhà nước thực sự đã mang lại diện mạo mới cho nông thôn miền núi Quỳ Châu, các công trình nước sạch tự chảy trên địa bàn không có được hiệu quả.

(Baonghean) - Trong lần làm việc với chúng tôi mới đây để tìm hiểu kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Quỳ Châu, ông Lang Văn Thanh - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho hay: Không giống các công trình xây dựng cơ bản điện - đường - trường - trạm, sự đầu tư của Nhà nước thực sự đã mang lại diện mạo mới cho nông thôn miền núi Quỳ Châu, các công trình nước sạch tự chảy trên địa bàn không có được hiệu quả.

Huyện Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, gần như mỗi xã, thị đều có từ 1 đến 2 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Với định mức đầu tư phổ biến khoảng trên dưới 1 tỷ đồng và lớn nhất khoảng 2,4 tỷ đồng/công trình, từ nhiều nguồn khác nhau, từ Chương trình 135, dự án tài trợ phi chính phủ và các doanh nghiệp tài trợ. Có thể nói, với hàng chục công trình nên tổng mức đầu tư cho công trình nước tự chảy trên địa bàn Quỳ Châu không phải là nhỏ. Vì nhiều nguyên nhân, các công trình nước tự chảy đã không phát huy hiệu quả. Ngoại trừ yếu tố khách quan do điều kiện thời tiết, dòng nước thay đổi… khiến một số công trình nước ở xã Châu Hội, Châu Hạnh không được “cung” nguồn nước, dẫn đến công trình mất tác dụng. Qua tìm hiểu tình trạng các hạng mục, công trình nước xuống cấp, hư hỏng phần lớn do nguyên nhân chủ quan.



Bể nước tập trung tại bản Nong, xã Châu Thuận bị bỏ hoang.

Phần lớn các công trình nước sạch tự chảy, do khâu thiết kế, vai trò tư vấn của địa phương chưa được coi trọng, nên khi thiết kế xong công trình lắp đặt không phù hợp. Điều này thể hiện rõ nhất ở công trình nước sinh hoạt tự chảy tại xã Châu Thuận, được thi công đầu tiên vào năm 2002. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành sẽ cấp nước cho gần 400 hộ dân. Qua 2 giai đoạn thi công và sau đó một lần tu sửa. Ban đầu công trình làm đường ống nước bằng gang và nhựa, nhưng qua quá trình sử dụng bị gãy, sau đó phải đổi toàn bộ sang ống nhựa mềm. Vì vậy, toàn bộ công trình chỉ khoảng 800 triệu đồng, nhưng kinh phí sửa chữa lên đến 380 triệu đồng. Đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay công trình mới chỉ cung cấp cho các bản tuyến trên, còn tuyến dưới đang xuống cấp và hư hỏng.

Ông Cầm Bá Kinh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thuận lý giải: Do ý thức người dân kém, khi có nhu cầu là tự ý ra đục đường ống chung chạy qua nhà mình để lấy nước. Các hộ ở đầu nguồn thì để đường ống bị hở, chảy cả ngày, còn cuối nguồn nước yếu, bể chứa tập trung tại một số điểm bị khô kiệt…

Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở xã Châu Thuận. Một cán bộ UBND huyện Quỳ Châu đã thẳng thắn: Với thẩm quyền và cơ chế hiện nay, UBND cấp xã có thể hoàn toàn xử lý thông qua việc đề ra quy định. Thực tế, dù được đầu tư từ nguồn nào, công trình khi thi công xong đều được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Người dân thụ hưởng, kèm theo đó là trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng. Thế nhưng, do tâm lý ỷ lại quá lâu nên từ người dân đến chính quyền đều thờ ơ, thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ!



Van lấy nước đầu nguồn đã bị hỏng

Ngay tại Quỳ Châu, có những mô hình cần được học tập và nhân rộng. Đó là công trình nước sạch tự chảy, do người dân tự đóng góp tiền, ở bản Lẻ (xã Châu Hội) 12 hộ, mỗi hộ đóng 1 triệu đồng, họ đã cùng nhau thi công xây bể chứa, mua đường ống cung cấp nước và bảo vệ duy tu rất cẩn thận. Nhờ vậy, nước cho sinh hoạt ổn định, sạch sẽ từ vài năm nay. Tại xã Châu Bình, với nguồn vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng và dự kiến cấp nước cho 600 hộ dân của 3 bản. Thế nhưng thay vì làm công trình nước tự chảy theo kiểu lâu nay là xây đường ống lấy nước tự chảy từ đầu nguồn chảy về các bể tập trung, xã quyết định thay đổi mô hình, đưa hẳn đường ống vào từng nhà không xây bể. Được biết, UBND xã Châu Bình đang thí điểm lập tổ giám sát và tiến tới có thu phí sử dụng nước để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo đủ công suất cung cấp.

Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án cho miền núi nói chung và công trình nước nói riêng, theo chúng tôi Nhà nước phải xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát hiệu quả các công trình đầu tư, hỗ trợ cho miền núi, trong đó gắn trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương và cấp bản trong việc quản lý, bảo vệ công trình.


Bài, ảnh: Nguyễn Hải