Giá đường giảm mạnh - Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
(Baonghean) - Bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, giá đường rớt mạnh, các nhà máy bán tại kho chỉ đạt 13.000-14.000 đồng/ kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Lượng đường tồn kho lớn, doanh nghiệp mía đường tỉnh ta lo “xuất lậu” sang Trung Quốc hoặc tìm khách bán lẻ…
Chúng tôi gọi điện cho Giám đốc Công ty Mía đường Sông Con - Lê Đình Hoan, khi anh đang trực tiếp đi tiêu thụ đường ở Cửa khẩu Lào Cai. Giám đốc Lê Đình Hoan cho hay: “Giá đường xuống thấp nhất trong vòng mấy năm nay. Hiện nay Công ty Mía đường Sông Con chỉ bán được 13.500 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoái giá đạt 16.400 đồng/kg. Đường tồn kho nhiều, đến 3/4/2013, nhà máy còn tồn 12.700 tấn đường, cũng là thời điểm tồn kho lớn nhất từ trước đến nay.
Do phải thực hiện cam kết trả ngay tiền mía cho nông dân, nên tôi phải đi cùng xe tải chở đường đợi đến đêm là “xuất” sang Trung Quốc. Thú thực, ở ta gọi là xuất tiểu ngạch, nhưng ở bên Trung Quốc, họ gọi chúng tôi là “nhập lậu”. Chúng tôi và các công ty khác đang phải đi bán đường chui thế này”. Cứ như thế, từ đầu vụ ép đến nay, Nhà máy đường Sông Con chỉ bán được 2.000 tấn đường ở thị trường Việt Nam. Còn “xuất khẩu tiểu ngạch” sang Trung Quốc được 18.000 tấn đường.
Nhập nguyên liệu mía ở Nhà máy Mía đường Sông Con - Tân Kỳ.
Theo phân tích của cán bộ Nhà máy đường Sông Con: giá thành sản xuất 1 kg đường ở nhà máy hiện nay là 14.200 đồng, trong khi chỉ bán được 13.500 đồng/ kg. Cũng như các nhà máy khác, đường luôn bán sỷ cho các nhà phân phối, không bán lẻ nên giá không cao. Còn theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì ở Việt Nam giá thành sản xuất 1 kg đường là 15.500 đồng, có nhà máy lên tới 16.000 đồng/kg. Vì vậy, giá đường xuống thấp như hiện nay dẫn đến các nhà máy thua lỗ. Đường của Nhà máy đường Tate & Lyle hiện bán được 13.950 đồng/ g, đường của Công ty Mía đường Sông Lam giá 13.600 đồng/ kg, giá đường của Công ty CP Mía đường Tuyên Quang : 13.909 đồng/kg, đường của Công ty Mía đường Sơn La bán 14.020 đồng/kg… Tại thị trường TP. Vinh: giá đường bán lẻ là 18.000 đồng/ g, thấp hơn 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 1/2013. Công ty Mía đường Sông Lam ( Anh Sơn) hiện sản xuất được 8.500 tấn đường và tồn kho còn gần 3.500 tấn.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Đến 25/3/2013, các nhà máy đã ép được 12.632.904 tấn mía, sản xuất được 1.132.177 tấn đường, trong khi đó lượng đường tồn kho còn hơn 500.000 tấn.
Ông Trần Kim Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle cho hay: Xuất khẩu hiện nay là một giải pháp tốt nhất, giá sẽ cải thiện hơn. Đường Tate & Lyle chưa xuất khẩu là do chưa tìm được giá tốt, nhưng công ty đã gỡ khó bằng cách xuất khẩu được rỉ mật cho Tập đoàn rỉ mật ở Anh với sản lượng gần 15.000 tấn, đạt kim ngạch 1.500.000 USD, nhờ vậy bù đắp được một phần quan trọng vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh giá đường xuống thấp như hiện nay.
Về lý do khiến giá đường xuống thấp, được phân tích: Quý 1/2013 là cao điểm sản xuất đường của các nhà máy, lượng mía chạy về nhà máy nhiều, sản lượng đường ngày một lớn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ đường lại ít hoặc chưa tới mùa (thường mùa Hè cho tới mùa Thu đường tiêu thụ nhiều hơn). Đường trong nước chủ yếu phục vụ cho các công ty bánh kẹo, nước giải khát, đặc biệt là các hãng bánh Trung thu, các nhà hàng, quán cà phê và các công ty thương mại.
Theo ông Ngô Vân Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle thì: “Do suy thoái kinh tế, các nhà máy bánh kẹo, các hãng sản xuất thực phẩm dùng đường đều không bán được hàng, tiêu thụ giảm nên nhu cầu đường ít, dẫn tới tồn kho nhiều. Thứ hai, năm nay mía bội thu nên sản lượng đường nhiều, tồn kho lớn. Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle đạt sản lượng về mía xấp xỉ 1 triệu tấn (niên vụ 2012-2013), trong khi niên vụ trước sản lượng mía chỉ đạt 605.000 tấn mía”. Trong cả nước, niên vụ 2012-2013 dự kiến sản xuất được 1,4 triệu tấn đường, là con số kỷ lục từ trước đến nay, trong khi nhu cầu chỉ xấp xỉ 1,2 triệu tấn.
Một lý do nữa là đường nhập lậu từ phía Nam cũng khá nhiều, khiến cho giá đường trong nước phải giảm sâu. Trong bối cảnh suy thoái, đường Thái Lan giá cũng giảm mạnh. Thời gian vừa qua, ở Châu Đốc (An Giang) lực lượng chống buôn lậu đã làm mạnh nên hạn chế được đường nhập lậu, đã khiến cho giá đường trong nước nhích lên vài trăm đồng/kg. Tuy nhiên, sức tiêu thụ đường chính vụ vẫn chậm đã khiến các nhà máy đường phải xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông Lê Đình Hoan cho hay: Đường xuất sang Trung Quốc thì phải đưa hàng sang trước rồi họ mới chuyển tiền về sau, thiếu chắc chắn. Nhưng cái lo lắng nhất là phía Trung Quốc thất thường, tháng mua, tháng không. Có khi hàng trăm xe đường phải nằm dài chờ ở cửa khẩu rồi đành phải bán đổ bán tháo để về. Chính vì thế, công ty đang làm thủ tục để xin được xuất khẩu chính ngạch.
Trao đổi về vấn đề hiện nay giá đường giảm hơn giá thành sản xuất và giá thành sản xuất đường có phải là từ 15.500 đồng đến 16.000 đồng/ kg như ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói không, ông Trần Kim Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Tate & Lyle cho rằng: Điều đó đúng mà cũng không đúng. Bởi còn phụ thuộc vào công nghệ, sản lượng mía đủ cho công suất ép hay không và những yếu tố khác. Nếu sản lượng mía đủ, công nghệ tiên tiến, quản trị tốt thì giá thành sẽ thấp, hoặc công nghệ tiên tiến mà nguyên liệu không đủ đáp ứng công suất thì giá thành sẽ đội lên… Điều quan trọng nữa là doanh nghiệp có phải trả lãi vay ngân hàng hay không. Tate & Lyle do có công nghệ tiên tiến, sản lượng năm nay lại đủ cho công suất đặc biệt là không vay vốn ngân hàng nên dù giá đường giảm mạnh, công ty vẫn “trụ” được.
Theo tính toán của chúng tôi: Hiện nay với giá mua mía là 850.000 đồng - 900.000 đồng/tấn thì giá thành về nguyên liệu trong 1 kg đường sẽ chiếm từ 8.500 đồng - 9.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các chi phí về khấu hao máy móc, về nhân công, quản lý, lãi vay, tồn kho… sẽ là “gánh nặng” với hầu hết các nhà máy đường trong nước khi giá bán chỉ đạt 13.000 – 13.500 đồng/kg đường như hiện nay. Bởi vậy, tiết giảm chi phí, nâng cao quản trị, cải tiến công nghệ máy móc để giảm giá thành là một đòi hỏi tất yếu. Hiện nay, như Công ty CP Mía đường Sông Lam, với giá đường bán chỉ đạt 13.650 đồng/kg, một tấn mía công ty lỗ đến 40.000 đồng. Vì vậy, theo anh Lê An - Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam thì năm tới đổi mới công nghệ sẽ là ưu tiên hàng đầu ở nhà máy để thu hồi được tỷ lệ đường cao.
Đặc biệt chỉ trong vòng vài năm nữa, mở cửa thuế quan hoàn toàn, doanh nghiệp sản xuất đường trong nước sẽ “bình đẳng” với các công ty nước ngoài. Nếu không tích cực đổi mới họ sẽ phải chấp nhận đóng cửa.
Châu Lan