Hương sen quê Bác

20/05/2013 18:40

(Baonghean) - Tôi nhớ, lần đầu tiên mình được về thăm quê Bác là một ngày tháng 5 nắng vàng rực. Ngày đó, tôi mới...

(Baonghean) - Tôi nhớ, lần đầu tiên mình được về thăm quê Bác là một ngày tháng 5 nắng vàng rực. Ngày đó, tôi mới chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi đầy háo hức. Để rồi cho đến tận bây giờ, sau hàng chục năm, bao nhiêu lần tôi về lại làng Sen, về với nếp nhà tranh đơn sơ mộc mạc, với những kỷ vật bạc màu thời gian, để tưởng nhớ tới Người, để đắm mình trong không gian đầy “ân tình” ấy, cũng là bấy nhiêu lần tôi chọn một ngày nắng của tháng 5…

Tỉnh lộ 540 dẫn tôi đi từ “làng Trù quê mẹ” sang “làng Sen quê cha” của xã Kim Liên (Nam Đàn), nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và sống một thời thơ ấu. Chẳng biết cái tên làng Sen được bắt đầu từ lúc nào? Trong ký ức những người già, nơi đây khi xưa mọc lên rất nhiều sen, sen mọc trong sình lầy, sen mọc ở cả ngoài đồng, lẫn trong lúa, chỗ nào nước cạn thì trồng lúa, chỗ nào rộc sâu thì trồng sen… Tên làng cũng từ đó mà thành?!



Sen ở Kim Liên nở mỗi độ tháng năm về.

Day dứt với hai tiếng “làng Sen” mà sen lại ngày càng mai một , chính quyền và người dân nơi đây đã đồng lòng tìm đưa trở lại hình ảnh làng quê bát ngát hương sen xưa kia. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch xã Kim Liên cho biết: “Đầu năm 2012, UBND xã Kim Liên quyết định khôi phục lại cây sen trên đất Kim Liên, thu hồi một số diện tích ao hồ nuôi cá chuyển sang trồng sen. Nhà nước hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng. Xã không thu sản lượng, còn nhân dân thì chăm sóc, bảo quản và được lấy gương sen bán. So với nuôi cá như trước kia, trồng sen không có lợi nhuận kinh tế cao bằng, nhưng nhân dân đều ủng hộ, vì mục đích lấy cảnh quan làm đẹp cho quê Bác”.

Tôi đi dọc con đường vòng quanh về hai bên nội ngoại quê Bác, những hồ sen đã bắt đầu nở hồng tỏa hương thơm dịu. Các cụ cao tuổi kéo ghế ngồi dọc hồ sen kể chuyện làng, chuyện nước. Tôi gặp ông Dương Đình Làm (SN 1965) ở xóm Trù 2, xã Kim Liên, đang đi dọc hồ sen nhà mình. Ông nói: “Trước kia, cái ao này nuôi cá, cá trắm, cá chim… Nhưng từ khi có dự án trồng sen, tôi và người dân trong làng không nuôi cá nữa. Sen mới được trồng từ năm ngoái, mà thấy khách các nơi về dừng lại chụp ảnh, trầm trồ khen đẹp, thấy phấn khởi. Coi như mình làm được cái gì đó cho quê hương”.





Du khách về thăm Làng Sen - quê nội của Bác.
Cổng vào Khu Di tích Kim Liên.

Đến nay, người dân trong xã đã trồng được 4ha sen tại các ao hồ dọc hai bên đường. Giống sen được lấy từ Đồng Tháp Mười về, sớm thích nghi với đất nước nơi đây, cho ra hoa sớm, nhiều hoa và nở đều. Trong tương lai, xã Kim Liên có kế hoạch tiếp tục phủ kín các ao hồ dọc đường 540, đường Xô Viết và các đường liên xã. Hằng năm, có khoảng 2 - 2,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quê Bác, con số này không ngừng tăng lên mỗi năm. Từ tháng 5 sinh nhật Bác, mùa sen cũng bắt đầu nở …

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Bác không còn về được nữa, đã có bao nhiêu bước chân những người con nối bước trở về, cúi mình giữa không gian văn hóa – lịch sử, lòng rưng rưng một nỗi niềm thương nhớ. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa, và Khu di tích Kim Liên còn là Di tích Quốc gia đặc biệt (bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và phần mộ bà Hoàng Thị Loan trên dãy núi Đại Huệ và Cụm di tích Núi Chung).

Tháng 5, về thăm quê Bác nhiều là học sinh, sinh viên. Đó là những đoàn học sinh giỏi của các trường, sau một năm dài phấn đấu học hành, là con ngoan trò giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ, phần thưởng là một chuyến về thăm quê Bác. Đó là những bạn sinh viên, nhớ ngày sinh Bác, về đây thắp một nén tâm nhang. Tôi gặp một nhóm sinh viên Trường Đại học Vinh vừa ùa xuống từ một chiếc xe khách. Bạn Nguyễn Thị Hương Giang vui vẻ khoe: “Bọn em sắp thi học kỳ rồi, vẫn rủ nhau về thăm Kim Liên. Đây là lần thứ 2 em về quê Bác…”.

Tìm về quê Bác như tìm về quê chung của tất cả con cháu trên dải đất mang hình chữ S này. Đi giữa hương sen bát ngát và giữa ân tình những người dân Nghệ An, cảm nhận đâu đây vẫn còn hơi ấm của Người…


Bài, ảnh: Hồ Lài