Giọt mồ hôi nơi miền tối

17/06/2013 18:57

(Baonghean) - Do bẩm sinh, tai nạn, và nhiều lý do khác khiến họ phải sống trong bóng tối, trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng không cam chịu với số phận, họ đã chọn một công việc phù hợp để mưu sinh bằng chính sức lao động của mình, đó là nghề tẩm quất.

"Sợ cảm giác người thừa...”

Sau khi xoa dầu vào vùng thái dương, Nam bắt đầu tiến hành các động tác xoa bóp, ấn huyệt cho tôi. Bàn tay Nam thuần thục, kiên nhẫn thực hiện các động tác tẩm quất, bẻ khớp mặc dù đôi mắt Nam hoàn toàn không nhìn thấy gì. Thỉnh thoảng Nam hỏi tôi: “Có mạnh quá không anh?” để điều chỉnh cường độ các động tác, sao cho phù hợp với từng cơ thể khác nhau của khách hàng. Tôi nhắm mắt cảm nhận phản ứng của cơ thể khi các huyệt đạo được kích ứng.

Sau một giờ đồng hồ tại Cơ sở Tẩm quất của Hội Người mù tỉnh Nghệ An, với giá vé 50 ngàn đồng/ 1 suất, được các em khiếm thị trực tiếp xoa bóp, ấn huyệt, tôi mới thấy rằng: Họ đã lao động không những bằng sức lực mà bằng cả trái tim, với khao khát cao độ mong muốn trở thành người tự nuôi sống được bản thân mình.

Nguyễn Thị Huyền, 28 tuổi, bị khiếm thị từ lúc 5 tuổi nói: “Nhà em ở Nghi Thái, Nghi Lộc, em làm ở đây đã được hai năm. Khi có việc thật cần thiết em mới về thăm nhà, chứ về nhà không được làm việc và khi đó cảm giác người thừa sẽ xuất hiện. Em rất sợ cảm giác đó”.



Những người khiếm thị làm việc tại cơ sở tẩm quất của Hội người mù -
số 19 - đường Hồ Hán Thương - phường Cửa Nam (Tp.Vinh)

Tôi bắt chuyện với người khách bên cạnh, được biết anh làm nghề lái xe tải và là khách hàng thường xuyên cơ sở này. Anh nói với tôi: “Mình đến đây tẩm quất vừa được phục hồi sức khỏe, nhưng cũng là giúp đỡ các em ở đây tăng thêm thu nhập”.

Để có thể trở thành một nhân viên “tẩm quất” thành thạo các kỹ thuật masage, các em được đào tạo 6 tháng. Chương trình đào tạo này do các bệnh viện y học cổ truyền giảng dạy một cách bài bản, kinh phí do Trung ương Hội Người mù Việt Nam đài thọ theo ngân sách hàng năm. Chính vì vậy, các kỹ thuật xoa bóp ấn huyệt của những người khiếm thị khác xa hẳn với những gì mà tôi và người khác đã cảm nhận một đôi lần ở kỹ thuật viên “chân dài xinh đẹp”. Chính điều đó nên khoảng mười năm trở lại đây, những người có thói quen được masage, xoa bóp đúng nghĩa thường tìm đến các cơ sở tẩm quất của những người khiếm thị, chứ không phải ở nơi sang trọng thơm mát phấn son.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội Người mù Nghệ An thì hiện nay toàn tỉnh có 2486 người mù, sinh hoạt ở 215 chi hội người mù của 19/20 huyện. Cơ sở tẩm quất này chính là một địa chỉ giúp những người kém may mắn một công việc nuôi sống bản thân. Cũng theo ông Đức thì hiện nay toàn thành phố có khoảng 20 cơ sở tẩm quất người mù. Tất cả đều là hội viên của hội, sau một thời gian làm việc tại trung tâm, khi thấy đủ điều kiện xin ra ngoài thành lập cơ sở riêng và hoạt động. Mỗi cơ sở như vậy giải quyết việc làm cho 4 người, thu nhập bình quân của mỗi người khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, việc trò chuyện và gần gũi với khách hàng sẽ giúp người mù bớt đi khoảng cách, sự mặc cảm với xã hội.

“Cần có một tấm lòng...”

Đa số khách hàng tìm đến các cơ sở tẩm quất người mù đều có nhu cầu được đấm bóp, phục hồi sức khỏe và họ là những người có tấm lòng nhân ái. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những người đến đây chưa có suy nghĩ đúng, đủ đối với những người khiếm thị đang làm công việc này.

Tôi vẫn còn nhớ vào một buổi chiều cuối năm 2011, một người khiếm thị tên Nguyễn Quang Tứ, chủ cơ sở tẩm quất người mù ở đường Lệ Ninh tìm đến nhờ tôi truy tìm hai người khách mà cách đó một tháng, đã đến cơ sở anh để tẩm quất. Anh kể, trong lúc được một nữ nhân viên khiếm thị phục vụ, thì người khách này liên tục có những hành vi sàm sỡ. Khi cô gái tội nghiệp phản ứng thì bị người khách vô lương tâm này đánh phải nhập viện.

Tại cơ sở tẩm quất Hội Người mù tỉnh Nghệ An còn có những người khách mua vé vào tẩm quất lúc 12h, nhưng có lẽ nhiệt độ trong phòng máy lạnh mát hơn ở ngoài trời nên “kéo” một giấc đến tận 15h, trong khi thời gian cho 1 suất tẩm quất chỉ có 1 tiếng. Chưa hết, có những người khách đi tẩm quất trong tình trạng say khướt... khiến các em phải dọn dẹp đến phát ốm. Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các cơ sở tẩm quất người mù.

Còn hiện tượng “chạc” tiền công đấm bóp của người khiếm thị thì xẩy ra như cơm bữa, anh Tứ nói: “Nhiều kiểu “chạc” tiền lắm, có khách khi xong xuôi rồi đứng dậy trả lời tỉnh khô: Cho nợ đi, hôm nay không có tiền. Có nhóm ba bốn người lợi dụng lúc đang có khách họ chuồn mất”. Và còn rất nhiều chuyện khó nói xẩy ra nữa…

Có thể nói, dù phải sống trong thế giới màu đen, những người khiếm thị làm nghề tẩm quất đã kiên cường, tạo nên số phận cho chính họ. Chúng ta là những người may mắn, hãy dành cho những người khiếm thị bằng tất cả tấm lòng. Nếu được, hãy nhen lên trong họ ánh sáng hy vọng, và xin ai đó đừng làm đau họ nữa.


Bài, ảnh: Thế Sơn