Bài cuối: Cần đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh

13/05/2013 18:31

Tiềm năng để phát triển kinh tế vùng Bãi ngang (huyện Quỳnh Lưu) được xác định 3 mũi nhọn: sản xuất rau màu, đánh bắt hải sản, nuôi tôm và du lịch biển… Cho đến nay, mới được 2 lĩnh vực phát triển rõ nét, là đánh bắt hải sản và thâm canh rau màu...-->> Bài 2: Bám biểnDu lịch biển Quỳnh còn bỏ ngỏ

> Bài 2: Bám biển

Du lịch biển Quỳnh còn bỏ ngỏ

Quỳnh Lưu có 34 km bờ biển, trong đó có nhiều bãi biển đẹp, thuộc vùng Bãi ngang: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, với những dãi cát dài, phẳng mịn, được đánh giá là một trong số ít những bãi biển đẹp nhất miền Bắc nước ta. Du lịch biển Quỳnh, ngoài tắm biển, du khách còn được thưởng thức những món ăn độc đáo từ chế biến hải sản: tôm, cua, ghẹ… cá khô, mực khô, làng nghề sản xuất nước mắm.

Ngoài ra, tại xã Quỳnh Phương còn có đền Cờn nổi tiếng linh thiêng, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội, vui chơi giải trí… thu hút lòng người. Biển Quỳnh mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng địa phương chưa chú trọng đầu tư để thu hút khách du lịch. Hôm chúng tôi đến, các anh lãnh đạo xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh giới thiệu về tiềm năng du lịch biển. Cuối chiều một ngày nắng gắt, trong vai khách du lịch, chúng tôi có mặt tại bãi biển Quỳnh Bảng. Tại đây, đã có hàng chục quán dịch vụ, nhưng dịch vụ ở đây có vẻ nghèo nàn. Bãi tắm khá đẹp, với bãi cát rộng, phẳng mịn, nước biển trong. Theo người dân Quỳnh Bảng, khách đến đây chỉ là người dân địa phương, khách nghỉ qua đêm rất ít.



Bãi biển Quỳnh Bảng vẫn vắng khách du lịch.

Nói chung, theo quan sát của chúng tôi, tất cả các bãi biển ở đây hầu như còn nguyên sơ, chưa được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng và các loại dịch vụ khác, do đó chưa đủ tầm để níu kéo khách du lịch. Điều đó có nghĩa là Quỳnh Lưu chưa khái thác tiềm năng du lịch sẵn có của mình. Ngay cả mạng lưới giao thông từ Quốc lộ 1 xuống vùng bãi ngang và tuyến đường ven biển phục vụ cho du lịch cũng chưa thuận lợi. Tỉnh lộ 537B chạy dọc vùng Bãi ngang là tuyến đường chính nối liền các bãi biển, nhiều nơi đã xuống cấp, mặt đường hẹp, khó đi lại. Hiện nay nhà nước đang đầu tư xây dựng tuyến đê ven biển, nối từ xã An Hòa đến hết vùng Bãi ngang. Sau khi hoàn thành, tuyến đê này ngoài mục đích phòng chống lụt bão, còn có tác dụng phục vụ ngành du lịch biển Quỳnh.

Đầu tư cho vùng rau

Đối với vùng Bãi ngang, mặc dù là vùng đất cao nhưng vấn đề bức thiết là chống ngập úng, không phải lo chống hạn như các vùng đất khác. Bởi một bên là sông Mai Giang, một bên là bờ biển. Khi có lụt bão, phía trong là nước sông, bên ngoài là nước biển dâng cao, các loại cây màu dễ bị ngập úng 2 – 3 ngày liền. Tuy nhiên, khác với các địa phương khác, vùng Bãi ngang này là đất pha cát, sau khi nước rút, đất trở lại trạng thái khô ráo tơi xốp một cách nhanh chóng, có thể trồng được rau ngay. Do đó, một hệ thống chống ngập úng cho vùng màu là vấn đề rất bức thiết cho vùng Bãi ngang, trung tâm sản xuất rau xanh lớn nhất trong vùng. Mỗi năm, vùng này sản xuất trên 30 nghìn tấn rau xanh các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Người dân vùng Bãi ngang xưa nay đúc rút kinh nghiệm rằng, năm nào trên các vùng miền của nước ta có nhiều mưa, bão là năm đó rau được giá, ngược lại năm nào lít mưa bão là rau rẻ, thậm chí ế ẩm. Nguyên nhân là, đất trồng rau của các địa phương không pha cát, nên sau mưa lũ, ngập úng một thời gian mới làm được đất để trồng rau, trong khi đó, người dân vùng Bãi ngang lợi dụng sự thuận lợi của đất, đã chớp thời cơ để thâm canh sản xuất rau, vận chuyển rau đến những vùng vừa bị lụt bão gây ra để cung ứng. Đó chính là điều tất yếu để rau xanh đội giá, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm dịch vụ rau, những ngày đó thắng đậm. Nghề trồng rau là thế, hôm nay ế, ngày mai rau đắt như tôm tươi là chuyện thường. Nhưng với những người làm nghề nông, có lẽ ít có vùng quê nào thu nhập cao như vùng rau Bãi ngang. Bình quân 1 ha rau thu nhập 170 triệu đồng/năm.



Hệ thống kênh mương chống ngập úng được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Với thế mạnh và nguyện vọng của người dân, năm 2011, Chính phủ đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu để xây dựng dự án hệ thống kênh mương tiêu úng chính cho vùng Bãi ngang. Ông Hồ Nghĩa Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết, địa phương được dự án đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng 13 km chiều dài kênh mương tiêu úng chính trên địa bàn. Đến nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành dự án, phục vụ tiêu úng cho 700 ha đất màu của địa phương và một số diện tích của xã Quỳnh Liên. Hệ thống mương tiêu úng chính này được xây dựng theo thiết kế đổ bê tông, cốt thép trực tiếp từ đáy lên thành, chiều rộng có nơi 60cm đến 2m, khi tiêu úng, hệ thống kênh chính này một phần đổ ra sông Mai Giang và một phần đổ trực tiếp ra biển. Nhưng để tiêu úng nhanh và hiệu quả, cần có hệ thống mương nhánh đổ ra kênh chính này. Do vậy, Quỳnh Bảng đang khảo sát lại toàn bộ hệ thống kênh nhánh trên các cánh đồng để có phương án đầu tư xây dựng, bằng nguồn đóng góp của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng NN – PTNT huyện, cho biết: Với nguồn vốn 100 tỷ đồng này, huyện Quỳnh Lưu thiết kế xây dựng gần 50 km kênh mương tiêu úng chính cho vùng Bãi ngang. Được biết, sắp tới nhà nước còn có chủ trương tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới thủy lợi tiêu úng cho vùng này.

Một vấn đề còn bất cập ở vùng Bãi ngang là, khó khăn trong công tác chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Xã Quỳnh Lương là trung tâm sản xuất rau xanh, người dân có trình độ thâm canh cây trồng cao nhất trong vùng. Ông Hồ Cảnh Sáu – Chủ tịch UBND xã, cho rằng: Khó khăn lớn nhất đối với người trồng rau là ruộng manh mún. Theo Nghị định 64, bình quân mỗi lao động ở địa phương được chia 330m2 đất sản xuất, nhưng mỗi gia đình hiện có ít nhất 2 thửa, có những hộ 5 thửa. Tính bình quân toàn xã, mỗi hộ được chia 4,2 thửa đất sản xuất. Ruộng manh mún, ảnh hưởng lớn đến nhiều yếu tố trong thâm canh rau. Thứ nhất, mỗi gia đình phải đầu tư khoan, đào nhiều giếng (mỗi thửa phải có một giếng) để lấy nước tưới rau. Thứ hai, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, thu hoạch và thâm canh rau tăng vụ. Theo ông Sáu, chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa là rất quan trọng đối với vùng thâm canh rau Bãi ngang, do vậy người dân cần nhận thức rõ.

Nuôi tôm cũng là thế mạnh của một số xã vùng Bãi ngang, trong đó nổi bật nhất là xã Quỳnh Bảng. Người dân ở đây nuôi tôm từ năm 1992 đến nay, phát triển mạnh nhất kể từ năm 2002. Họ chuyển sang nuôi thâm canh, diện tích nuôi tôm ở Quỳnh Bảng hiện đã mở rộng 185 ha. Để nuôi được tôm, người dân phải đầu tư nhiều vốn để đào ao đầm, mua con giống, đầu tư mua sắm dụng cụ… Và nếu suôn sẻ thì lợi nhuận từ nuôi tôm là rất lớn. Nhiều hộ dân ở đây đã thành “triệu phú” nhờ tôm.

Thế nhưng, bất cập lớn nhất đối với vùng nuôi tôm là nguồn điện lưới chưa đáp ứng nhu cầu. 1 ha đầm tôm phải có 8 máy sục khí, như vậy Quỳnh Bảng hiện có hơn 1 nghìn máy sục khí. Đặc tính của việc nuôi tôm thường là sục khí đồng loạt, nên mặc dù vùng nuôi tôm đã có 8 trạm biến áp (4.000 KVA), vẫn chưa đủ nhu cầu. Hiện nay Quỳnh Bảng cần có từ 10 trạm biến áp công suất như hiện nay trở lên mới đáp ứng đủ nhu cầu điện để phục vụ nuôi tôm...

Thế mạnh của vùng Bãi ngang thuận lợi cho phát triển kinh tế đa dạng và đang được người dân khai thác. Nhưng để khai thác một cách hiệu quả, cần phải có sự đầu tư của nhà nước, đặc biệt là ngành Du lịch biển,một tiềm năng sẵn có của địa phương.


Xuân Hoàng