Tương Dương: Nhiều công trình nước sạch hoang phế
Cách đây vài năm, mỗi lần theo QL7 ngược lên huyện Tương Dương mỗi buổi chiều về thường bắt gặp hình ảnh vui vầy của người lớn, trẻ nhỏ giặt giũ, tắm rửa... bên những công trình nước sạch cộng đồng. Giờ đây, hình ảnh đó thật hiếm, bởi nước không có, nhiều công trình nước sạch hoang phế.
(Baonghean) - Cách đây vài năm, mỗi lần theo QL7 ngược lên huyện Tương Dương mỗi buổi chiều về thường bắt gặp hình ảnh vui vầy của người lớn, trẻ nhỏ giặt giũ, tắm rửa... bên những công trình nước sạch cộng đồng. Giờ đây, hình ảnh đó thật hiếm, bởi nước không có, nhiều công trình nước sạch hoang phế.
Thuộc bản Khe Bố, trung tâm xã Tam Quang, nhưng công trình nước sạch cộng đồng (gồm 1 bể chứa nước và 4 buồng tắm) của cụm dân cư 487 kể như đã bị xóa sổ. Hiện hai buồng tắm đã trở thành nơi vệ sinh công cộng vô cùng mất vệ sinh, 2 buồng tắm còn lại thuộc sở hữu của gia đình anh Hoàng Như Mão. Hỏi chuyện, anh Hoàng Như Mão cho biết, nguồn nước sạch được dẫn về theo đường ống bắt từ làng Nhùng. Trước đây, toàn bộ khu dân cư 478 và những người đi ngang qua có nhu cầu tắm rửa đều sử dụng chung công trình nước sạch cộng đồng. Do đường ống nhỏ, lại phân nhánh dẫn nước cho nhiều công trình nước sạch cộng đồng trong xã nên nước chảy về quá yếu, thi thoảng mới có nước về đến bể, dân không có để dùng. Hiện đường ống lại bị xuống cấp, nước sạch không có nên phải bơm nước sông Lam lên bể để có nước sinh hoạt. "Gia đình tôi cứ 3 ngày lại một lần bơm nước sông Lam lên đầy bể chứa rồi dẫn xuống bể lọc để lấy nước ăn và sinh hoạt. Vì không có nước trong một thời gian khá dài rồi nên công trình nước sạch cộng đồng mới trở thành như vậy..." - anh Mão nói.
Công trình nước sạch cộng đồng khu dân cư 487 và bản Sơn Hà hoang phế.
Cách bản Khe Bố không xa, tại nhà văn hóa bản Sơn Hà có một công trình nước sạch cộng đồng gồm một bể chứa nước và một nhà tắm. Hiện bể để không, nhà tắm đã mất cửa, các vòi nước bị vặn gãy, xung quanh công trình là rác thải và cây bụi... Hỏi một người đàn ông đứng tuổi người bản Sơn Hà: Tại sao người dân không giữ gìn, bảo vệ công trình để có nước sạch dùng? Anh này cho biết, do nhiều năm không có nước nên công trình bị bỏ hoang và bị trẻ con, trâu bò phá. Anh nói: "Đừng đổ lỗi cho dân bản mà tội. Dân quý nước sạch lắm, dẫn được nước sạch về ai cũng mừng nhưng chỉ được dùng một thời gian thì không có nước nữa. Hỏi cán bộ cũng không thấy ai sửa chữa nên dân bản mới để như vậy...".
Ngay đầu bản Tam Bông, sát QL7 cũng có một công trình nước sạch cộng đồng bị hoang phế. Và cũng như những gì chúng tôi được chứng kiến tại bản Sơn Hà, bể chứa nơi đây không có nước, nhà tắm không còn cửa, hai vòi nước bị đập gãy... Cháu Kha Thị May, nhà sát công trình nước sạch cho biết, đã từ khoảng hơn 2 năm bể không có lấy một giọt nước sạch vì đường ống bị hỏng. Không có nước dùng nên bố mẹ May phải đào giếng lấy nước sinh hoạt.
Theo chị Nguyễn Thị Năm (có nhà sát QL7, thuộc bản Tam Bông), thời gian người dân Tam Bông được sử dụng nước sạch rất ngắn, chỉ khoảng vài tháng. Bản có đến 7 - 8 công trình nước sạch cộng đồng, nhưng vì đường ống dẫn nước nhỏ nên nguồn nước dẫn từ khe ra không đủ cho tất cả các bể; đồng thời, qua một thời gian sử dụng đường ống lại bị hư hỏng, nên hầu hết các công trình nước sạch cộng đồng của Tam Bông đều trong tình trạng bị bỏ hoang, xuống cấp...
Tìm hiểu được biết, ở huyện Tương Dương, không chỉ xã Tam Quang mà các xã Tam Đình, Tam Thái, Nga My, Xiêng My... cũng có không ít những công trình nước sạch đã bị hư hỏng, hoang hóa hoặc không phát huy được tác dụng. Vì lý do này, rất nhiều hộ dân đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng. Nhiều gia đình không có tiền đào giếng, xây bể lắng nên phải dùng nước suối, nước sông trong sinh hoạt, ăn uống.... Để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và không gây lãng phí tiền của Nhà nước đã đầu tư, đề nghị chính quyền huyện Tương Dương chỉ đạo các xã rà soát, kiểm tra lại hệ thống nước sạch cộng đồng để sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa đưa vào sử dụng.
Nhật Lân