Hai sáng kiến, một niềm tin

23/01/2013 16:52

(Baonghean) - Nằm trên địa bàn miền núi gặp muôn vàn khó khăn, nhưng xóa bỏ tư tưởng trông chờ, Ỷ lại, một số trường học ở hai huyện Tương Dương, Quỳ Hợp đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đem lại những kết quả tốt đẹp.

Từ “Tiếng trống học bài” nơi thâm sơn cùng cốc


Trường THCS Hữu Khuông đóng ở bản Con Phen – trung tâm xã Hữu Khuông (Tương Dương), được thành lập năm 2009 với 7 lớp học và 198 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú. Địa bàn xã rộng, địa hình phức tạp với nhiều khe suối, núi non hiểm trở, mùa mưa lũ nước dâng cao học sinh không thể đến lớp, do đó, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học hàng năm diễn ra thường xuyên với tỷ lệ rất cao. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có chỗ ăn ở tại chỗ để yên tâm học tập, năm 2012 Trường THCS Hữu Khuông đã được chuyển đổi thành Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Hữu Khuông, đồng thời xây dựng các khu bán trú cho các em, từ đó tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giảm hẳn.



Khu bán trú Trường THCS Hữu Khuông (Tương Dương).

Không chỉ dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng dạy và học, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi thầy cô giáo và toàn thể học sinh tích cực thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Hàng năm, nhà trường liên tục tổ chức các cuộc thi như: học sinh giỏi, giáo viên giỏi, thực hiện nội quy, vở sạch chữ đẹp, văn nghệ, tìm hiểu pháp luật và kiến thức lịch sử... Nhờ vậy, trường luôn duy trì được không khí vui tươi và tinh thần phấn đấu vươn lên không chỉ đối với học sinh mà cả đội ngũ giáo viên. Đặc biệt Trường PTDTBT – THCS Hữu Khuông là một trong những trường đầu tiên trên địa bàn huyện Tương Dương thực hiện phong trào “Tiếng trống học bài”.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thi – Hiệu trưởng Trường PTDTBT – THCS Hữu Khuông cho biết: “Ngoài những buổi học hàng ngày, học sinh ở đây còn được học thêm hoàn toàn miễn phí vào ban đêm. Hàng ngày đúng 19 giờ, tiếng trống học bài được gióng lên, tất cả các em đến lớp và ngồi vào bàn học một cách nghiêm túc. Các giáo viên của nhà trường thay nhau đến lớp hướng dẫn các em học thêm buổi tối mà không đòi hỏi bất kỳ một chế độ bồi dưỡng nào. Đến 21 giờ, lớp học kết thúc và các em trở về phòng trọ, còn các giáo viên mới bắt đầu soạn bài cho buổi học ngày hôm sau”.

Nhờ những buổi học thêm buổi tối như thế, các em học sinh có thể hỏi thầy cô được kỹ hơn về những bài học mà buổi sáng chưa hiểu rõ, hoặc có thể nhờ thầy cô giảng giải thêm những bài toán nâng cao. Những buổi học ban đêm đó còn giúp cho giáo viên và học sinh thêm gần gũi nhau hơn. Ngoài ra, lớp học buổi tối còn là môi trường tốt để các thầy cô giáo triển khai thí điểm các bài giảng theo phương pháp mới để kiểm tra tính hiệu quả. Rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên nhà trường đã được nhân rộng từ đây.



Đội tuyển Trường PTDTBT - THCS Hữu Khuông đi xuồng ra huyện thi học sinh giỏi năm 2012.

Có thể thấy rõ phong trào thi đua sôi nổi và “tiếng trống học bài” ở Trường PTDTBT – THCS Hữu Khuông đã đem lại những kết quả rất tích cực. Năm học 2011 – 2012, trường có 6 em đạt danh Hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 2 em đạt Học sinh giỏi toàn diện, 14 em đạt Học sinh giỏi cấp trường và 32 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu rất lớn đối với một ngôi trường mới thành lập và có tính đặc thù đóng ở một địa bàn vô cùng khó khăn như Trường PTDTBT – THCS Hữu Khuông.

Đến mô hình liên kết trường

Hơn 3 năm nay, giáo viên ở 3 trường Châu Thái, Châu Cường, Châu Đình đã quen với nề nếp sinh hoạt chuyên môn theo mô hình liên kết. Thành thông lệ, luân phiên mỗi tháng một lần, giáo viên các bộ môn của 3 trường cùng nhau tổ chức thao giảng, dạy thực tập, tổ chức học tập, rút kinh nghiệm. Trung bình mỗi năm 3 trường thực hiện được khoảng trên 150 tiết dạy thao giảng ở tất cả các bộ môn theo mô hình liên kết; hàng chục lượt toạ đàm, thảo luận về các chuyên đề: mềm hoá sách giáo khoa, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.

"Nếu mỗi trường tự tổ chức riêng lẻ các tiết thực tập, thao giảng sẽ bớt đi không khí sôi nổi, ý kiến góp ý cho đồng nghiệp sẽ không đầy đủ, phong phú và thiếu tính chính xác, khách quan. Khi tổ chức thao giảng, thực tập theo mô hình liên kết, số lượng giáo viên ở tổ bộ môn của 3 trường hợp nhất lại giống như một hội đồng khoa học, sau mỗi tiết dạy thực tập, giáo viên trường này góp ý, phản biện, trao đổi ý kiến cho giáo viên trường kia, từ đó rút ra kinh nghiệm chung. Và qua mỗi lần tổ chức thao giảng, giáo viên ở các trường được "thử sức" giống như thi giáo viên giỏi cấp cụm, huyện. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy của giáo viên ở các trường được nâng lên rõ rệt" - thầy giáo Nguyễn Sơn Hà- Hiệu trưởng Trường THCS Châu Cường chia sẻ.

Kết quả cho thấy, từ khi thực hiện mô hình liên kết, chất lượng giáo viên ở các trường được nâng cao rõ rệt. Cụ thể, ở Trường THCS Châu Cường năm học 2006-2007, tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn là 66%, trên chuẩn là 20,8%, chưa đạt chuẩn là 12,5%; đến năm học 2009-2010: 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, 61,9% giáo viên có trình độ trên chuẩn; Trường THCS Châu Thái: 100% giáo viên đạt chuẩn, 30% giáo viên trên chuẩn; Trường THCS Châu Đình: 100% đạt chuẩn, 38% giáo viên trên chuẩn…

Mỗi trường có thế mạnh riêng và từ thế mạnh riêng đó trở thành thế mạnh chung của cả 3 trường. Khi thực hiện mô hình liên kết, các trường đã có sự "trao đổi" giáo viên. Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, Trường THCS Châu Thái "mượn" giáo viên giỏi Toán của Trường THCS Châu Đình sang bồi dưỡng cho học sinh trường mình và ngược lại Trường THCS Châu Đình lại "nhờ" giáo viên giỏi Văn của Châu Thái sang "luyện" cho học sinh của Châu Đình… Do đó, học sinh của các trường được học với thầy giỏi, cô giỏi, tiếp cận với phương pháp giảng dạy tối ưu nên có sự tiến bộ rõ rệt. Các kỳ thi chất lượng định kỳ, các trường "hợp sức" lại để ra ngân hàng đề thi, tổ chức thi liên trường và thực hiện chấm chéo nên đánh giá được thực chất chất lượng học sinh. Điều đó thể hiện rõ qua số liệu chất lượng giáo dục của các trường. Cụ thể: Trường THCS Châu Cường trong năm học 2006-2007: tỷ lệ học sinh giỏi chỉ có 2,1%, học sinh yếu kém: 0,2% đến năm học 2008-2009: tỷ lệ học giỏi nâng lên 3,2% và không còn học sinh yếu kém. Trường THCS Châu Đình trong năm học 2006-2007 chất lượng giáo dục xếp thứ 12 của huyện, năm 2007-2008: xếp thứ 11 và năm học 2008-2009 vươn lên đứng ở vị trí thứ 9 của huyện; số lượng học sinh giỏi của Châu Thái năm 2006-2007 là 9 lượt, đến năm 2008-2009: 11 lượt…


Hoàng Hảo – Thanh Phúc