Nghịch lý nhân lực ngành Y

27/03/2013 17:13

(Baonghean.vn) - Sở Y tế Nghệ An vừa công bố một thông tin đáng “giật mình”: Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm...

(Baonghean.vn) -Sở Y tế Nghệ An vừa công bố một thông tin đáng “giật mình”: Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm tỉnh Nghệ An có trên 7.500 sinh viên theo học các ngành y, dược, điều dưỡng ở các hệ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp ra trường. Trong khi đó, mỗi năm ngành y tế chỉ có thể bố trí được trên dưới 300 chỗ làm. Như vậy, tính riêng trong 3 năm qua, ở tỉnh đã có trên 21.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Chính điều này đã gây áp lực “ghê gớm” đến đảm bảo an sinh xã hội và đối với cả ngành Y.

Lý giải cho tình trạng thừa là do Ngành Y đã và đang có sức hấp dẫn mang màu sắc “kinh tế” – Tâm lý số đông đã cho rằng: ngành học này không chỉ “oai” mà còn đảm bảo được cuộc sống một cách khá ổn cho người hành nghề. Số liệu của 2 đợt thi đại học cao đẳng năm 2012 đã chứng minh điều này: Trường Đại học Y Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi là 10.509; Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là 10.761 hồ sơ ĐKDT; Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch là 2.937. Tỉ lệ “chọi” vào các trường này là 1/10 và điểm đầu vào rất cao.

Đậu được vào các trường Đại học Y khó là thế nhưng nhiều thí sinh vẫn không lượng sức; phụ huynh thí sinh vẫn cố gắng “ép duyên”. Và tất yếu “đeo bám lâu thì cũng mỏi”, nhiều thí sinh không lựa chọn ngành học khác mà theo học ở các lớp trung cấp, cao đẳng y… Trước nhu cầu học ngành y ngày càng lớn, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đua nhau mở mã ngành, xin chỉ tiêu, quảng bá “liên thông lên đại học” để “hút” và “vét” học viên; thiếu giáo viên thì mượn, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở khám chữa bệnh để thực tập, thực nghiệm thì dạy suông. Thế là chất lượng “đầu vào” đã thấp, qua trường lớp không đảm bảo đã khiến chất lượng “đầu ra” lại càng kém. Sự quan ngại sinh viên cao đẳng, trung cấp ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công tư là dễ hiểu.



Nghệ An đang cần những bác sỹ trẻ có trình độ tay nghề cao
- Ảnh: Từ Thành


Quay lại nghịch lý nguồn nhân lực y tế ở Nghệ An: Sinh viên tốt nhiệp ở các trường cao đẳng, trung cấp
y, dược nhiều là thế nhưng số bác sỹ, dược sỹ tốt nghiệp đại học y dược chính quy lại “khan hiếm” vô cùng. Tính đến nay, Ngành Y tế Nghệ An vẫn cần khoảng 1.000 bác sỹ, thế nhưng số bác sỹ tốt nghiệp đại học chính quy quê Nghệ lại chẳng mấy ai về. Năm 2012, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khó khăn lắm mới mời gọi được 33 bác sỹ vừa tốt nghiệp loại giỏi, loại khá từ các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y Thái Bình về làm việc. Bệnh viện hàng đầu của tỉnh đã thế, bệnh viện đặc thù, khu vực miền núi , nông thôn càng “đói” bác sỹ hơn.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An hiện có 23 bác sỹ, đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho 2.500 người bệnh trong tỉnh và chỉ đạo cho 20 huyện, thành thị phòng chống lao. Năm 2012, bệnh viện chỉ có thể “thu hút” được 3 bác sỹ chuyên tu từ các cơ sở khám chữa bệnh khác trong tỉnh và không có bác sỹ tốt nghiệp đại học chính quy nào xin về. Đáng buồn hơn là Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, gần 20 năm nay không có một bác sỹ tốt nghiệp đại học chính quy nào về công tác. 480 trạm y tế xã, phường, thị trấn thì mới chỉ có 287 bác sỹ.

Nghịch lý thiếu thừa nhân lực Ngành Y tế Nghệ An hiện rất nặng nề; thiết nghĩ đã đến lúc Ngành Y tế cần xem lại chính sách thu hút của mình; đồng thời có ý kiến đối với ngành Giáo dục, ngành Lao động về việc đào tạo kém chất lượng, cốt lấy “học phí” hiện nay. Đối với các thí sinh cũng như gia đình thí sinh cần xem xét khả năng của mình, suy nghĩ về nhu cầu của xã hội để lựa chọn kỹ ngành nghề theo học, tránh tình trạng “dở thầy, dở thợ”, lãng phí thời gian và tiền của. Nghề y cốt ở “Y đức” và không hấp dẫn như mọi người vẫn nghĩ…/.


Thành Chung