Nhìn từ Quỳnh Lưu

28/03/2013 15:20

Trong khi nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phải loay hoay với vấn đề rác thải và thu gom rác thải, thì ở huyện Quỳnh Lưu với mô hình xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải cùng với sự ra đời của 3 công ty vệ sinh môi trường đô thị tư nhân bước đầu đã góp phần giải bài toán vệ sinh môi trường trên địa bàn…

(Baonghean) - Trong khi nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phải loay hoay với vấn đề rác thải và thu gom rác thải, thì ở huyện Quỳnh Lưu với mô hình xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải cùng với sự ra đời của 3 công ty vệ sinh môi trường đô thị tư nhân bước đầu đã góp phần giải bài toán vệ sinh môi trường trên địa bàn…

Là một xã đất chật, người đông (16 nghìn khẩu, 3.300 hộ dân), bình quân mỗi ngày trên địa bàn có hơn 6 tấn rác thải, Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sau khi bãi rác thải tập trung của xã trở nên quá tải. Thế nhưng, hiện nay, về xã biển Quỳnh Phương, điều có thể nhận thấy rõ là từ những con đường liên xóm, hệ thống kênh mương cho đến khu vực bến cá không còn tình trạng ứ đọng rác thải bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường như trước đây. Ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương phấn khởi cho biết: Cùng với việc thành lập 11 tổ thu gom rác thải ở 11 xóm, người dân trong xã đã thống nhất đóng góp mỗi hộ từ 17-19 nghìn đồng/ tháng để hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Hoàng Mai thu gom rác thải trên địa bàn. Theo đó, định kỳ vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần các hộ dân đưa rác ra tập kết ở đầu các ngõ, tổ thu gom rác của Công ty vận chuyển về bãi xử lý rác của xã, rồi thu gom về bãi rác tập trung của huyện. Xã cũng đã vận động dân đóng góp mỗi hộ 50 nghìn đồng để xử lý bãi rác tập trung của xã, vừa vận chuyển rác đi vừa trồng cây, ven kè trị giá hơn 100 triệu đồng…



Công nhân Công ty TNHH Thái Bình Nguyên thu gom rác ở Thị trấn Cầu Giát.

Còn ở Thị trấn Cầu Giát, nơi tập trung đông dân với 10.353 khẩu, 2.590 hộ (trong đó có 540 hộ kinh doanh vừa và nhỏ), 50 cơ quan, tổ chức, đơn vị, 6 trường hoc đóng chân... tổng lượng rác thải ra mỗi ngày khoảng từ 22 - 27m3. Lâu nay, việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải chủ yếu theo phương pháp thủ công là thuê xe bốc chở đi và đốt vào mùa khô nhưng cũng chỉ mới thu gom được một số tuyến đường trọng điểm và tập kết về bãi tạm ở ven sông Thái. Một phần rác thải bị người dân trên địa bàn và các xã lân cận trực tiếp đổ vào mương, ao hồ, sông ngòi, lề đường và các khu vực công cộng, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh cao. Trước thực trạng đó, chính quyền thị trấn đã hợp đồng với Công ty TNHH Thái Bình Nguyên triển khai thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn về bãi rác của huyện bằng các phương tiện chuyên dụng đảm bảo cảnh quan, môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp.

Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Nguyên cho hay: Cùng với việc tuyển dụng 23 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 15 nhân viên thu gom rác thải, công ty đã đầu tư 60 xe đẩy rác chuyên dụng, 6 xe kéo đến nơi tập kết, 3 máy cắt cỏ, 60 thùng đựng rác và xe cuốn ép trị giá 760 triệu đồng để đảm bảo công tác thu gom thường xuyên trong ngày. Nhân dân 12 khối trên địa bàn thị trấn đều đồng tình thống nhất đóng góp khoản phí 20 nghìn đồng/tháng đối với hộ 4 khẩu và 25 nghìn đồng/tháng đối với hộ 5 khẩu trở lên, riêng hộ nghèo, người già cô đơn thì được miễn giảm phí thu gom rác thải…

Là huyện đông dân nhất tỉnh với 2 thị trấn, 41 xã (trong đó có 12 xã biển), gần 314.000 dân, trên địa bàn có gần 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 10.000 hộ kinh doanh cá thể, Quỳnh Lưu luôn phải đối mặt với áp lực ô nhiễm môi trường. Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, trước đây, huyện cũng đã giao cho chính quyền các địa phương tổ chức thu gom rác thải đưa về bãi tập trung của xã rồi thuê xe vận chuyển về bãi rác tập trung của huyện nhưng hiệu quả không cao. Mặt khác, nhiều xã biển không có quỹ đất để xây dựng bãi rác tập trung nên ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng. Vì vậy, sự ra đời và hoạt động bước đầu khá thành công của 3 công ty tư nhân hoạt động trên lĩnh vực vệ sinh môi trường gồm: Công ty TNHH Thái Bình Nguyên; Công ty Môi trường đô thị Hoàng Mai và Công ty Môi trường Thành Bộ không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Mô hình này còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn với mức thu nhập ổn định. Vì có tới 3 công ty nên tính cạnh tranh cao hơn, do vậy hiệu quả, chất lượng công việc cũng đảm bảo hơn. Tuy mức phí hiện nay là khá cao so với người dân nông thôn (do khối lượng rác lớn và quãng đường vận chuyển xa) nhưng hiện nay nhiều địa phương, đặc biệt là một số xã ven biển như Quỳnh Phương, Quỳnh Dị, Quỳnh Liên… đã chủ động hợp đồng với các công ty để thu gom rác thải đảm bảo cảnh quan môi trường và sức khỏe cho người dân.

Ngoài việc tạo điều kiện cho 3 công ty vệ sinh môi trường tư nhân hoạt động thu gom rác thải trên địa bàn, theo lộ trình thực hiện Đề án vệ sinh môi trường, nước sạch và xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn giai đoạn 2010-2015, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã quyết định đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng bãi rác tập trung tại xã Ngọc Sơn với diện tích 7 ha và hiện đang khảo sát để xây dựng bãi rác tập trung của huyện ở xã Quỳnh Lộc với diện tích khoảng 15 ha. Về lâu dài huyện đang kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương.


Bài, ảnh: Khánh Ly