Đia chỉ tin cậy của hộ nghèo và đối tượng chính sách

26/02/2013 20:43

Sau 10 năm thành lập đi vào hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình với tổng nguồn vốn gần 429 tỷ đồng cho hơn 18.000 lượt hộ nghèo vay vốn. Nguồn vốn này là công cụ hữu hiệu trong việc xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

(Baonghean) - Sau 10 năm thành lập đi vào hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình với tổng nguồn vốn gần 429 tỷ đồng cho hơn 18.000 lượt hộ nghèo vay vốn. Nguồn vốn này là công cụ hữu hiệu trong việc xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 484/QĐ-HĐQT ngày 10/05/2003 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện. Chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: “Dù trong bất cứ điều kiện nào cũng không được để vốn tín dụng chính sách tồn đọng, ách tắc”, thời gian đầu mới hoạt động trong điều kiện trụ sở phải thuê mượn, phương tiện thiếu thốn, địa bàn rộng lớn, đối tượng chính sách nhiều, Phòng giao dịch đã triển khai thành công, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn ban đầu nhận từ Ngân hàng phục vụ Người nghèo 21.920 triệu đồng (30/6/2003) thì đến 31/12/2012, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã có tổng nguồn vốn đạt 428.858 triệu đồng, trong 10 năm nguồn vốn tăng 406.938 triệu đồng, bình quân tăng hàng năm 40.693 triệu đồng, mức tăng trưởng 18,5%.



Kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay
tại vùng tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: H.N

Cụ thể, đối với Chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ đạt 118.157 triệu đồng với 7.090 hộ nghèo còn dư nợ. Nguồn vốn vay từ chương trình này đã giúp cho hàng chục ngàn hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Cũng nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo bền vững đã xuất hiện, tạo sức lan toả rộng rãi như mô hình trồng chè công nghiệp, mô hình nuôi lợn thịt, nuôi bò vỗ béo, trồng rừng nguyên liệu… Đối với Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thực hiện theo Quyết định 157/QĐ- TTg, mặc dù mới triển khai, nhưng nhờ nhận thức rõ đây là một chương trình tín dụng chính sách đặc biệt quan trọng và hết sức nhạy cảm nhằm hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn có tiền để yên tâm học tập nên cơ bản nguồn vốn đã đến được đầy đủ các đối tượng được thụ hưởng theo quy định. Thanh Chương nổi tiếng là đất học nhưng đa phần các hộ dân còn nghèo, do vậy chương trình tín dụng học sinh sinh viên mà Phòng giao dịch triển khai cho vay trở thành chương trình đầu tư xoá nghèo hiệu quả nhất. Bởi những học sinh sinh viên được vay vốn sau khi hoàn thành các khoá đào tạo sẽ trở thành một lực lượng lao động trẻ chất lượng cao, có kỹ thuật, có tri thức giúp các hộ gia đình xoá đói, giảm nghèo bền vững. Từ nhận thức như vậy, nên Phòng giao dịch đã tập trung nhân lực, phương tiện để triển khai thành công, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chương trình. Mới chỉ sau 5 năm triển khai, Chương trình tín dụng HSSV đã có số dư nợ lớn nhất trong 9 chương trình tín dụng chính sách, với tổng số dư nợ 259.842 triệu đồng với 11.423 hộ vay vốn, có 13.435 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn dư nợ, bình quân mỗi năm tăng 51,8 tỷ đồng. Nhờ đó, trên địa bàn từ khi triển khai chương trình đến nay không có trường hợp học sinh, sinh viên nào bỏ học do không có tiền ăn học. Cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã giúp hàng ngàn người lao động được hưởng nước sạch, các làng xóm ở nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp không bị ô nhiễm, góp phần giảm thiểu bệnh tật, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Dư nợ của chương trình đến nay đạt 9.207 triệu đồng, triển khai chương trình đã có 2.500 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, tu sửa. Các chương trình còn lại, mặc dù tổng nguồn vốn dư nợ không lớn nhưng hết sức có ý nghĩa, tạo chuyển biến tích cực vùng nông thôn nghèo như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm với dư nợ đạt 5.807 triệu đồng, với hơn 100 dự án đã tạo việc làm cho gần 5.700 lao động; Chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cũng đã giải ngân cho 306 hộ vay, trong đó có 175 hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách, có công với cách mạng 131 hộ với số dư nợ 1.530 triệu đồng; chương trình cho vay xuất khẩu lao động với dự nợ 3.168 triệu đồng với 130 hộ đang còn dư nợ; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Quyết định 167/QĐ-TTg cũng đạt dư nợ 6.068 triệu đồng, giúp 345 hộ nghèo làm nhà mới…

Với vai trò “bà đỡ” về nguồn vốn cho các hộ nghèo, trong thời gian 10 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thanh Chương đã đồng hành cùng hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn triển khai đúng đối tượng, đầy đủ các chương trình theo quy định. Cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội mà đơn vị đang triển khai thực hiện là sự đúng đắn, thể hiện tính sáng tạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động tín dụng ưu đãi. Nhờ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, thực hiện theo phương châm ký kết văn bản liên tịch đối với cấp huyện, hợp đồng ủy thác đối với cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm đối với tổ tiết kiệm và vay vốn… mà bộ máy Phòng giao dịch tinh gọn nhưng luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch được giao, tạo điều kiện tối đa cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Trong công tác xây dựng mạng lưới, Phòng giao dịch đặc biệt quan tâm, củng cố, xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng bền vững, trở thành “cánh tay” vươn dài của Phòng giao dịch đến với các hộ nghèo. Đến nay, Phòng giao dịch đã có hơn 600 tổ tiết kiệm đạt chất lượng, thành lập và hoạt động theo đúng quy chế của ngành, đảm bảo 100% số thôn, xóm trên địa bàn đều có ít nhất một tổ tiết kiệm và vay vốn.

Có thể nói, từ kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua các chương trình đã gắn kết chặt chẽ Ngân hàng CSXH Thanh Chương trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch thì Ngân hàng CSXH Thanh Chương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ngân hàng CSXH cấp trên, các ban, ngành cấp huyện và các xã, thị trên địa bàn. Có như vậy, Ngân hàng CSXH Thanh Chương mới luôn là địa chỉ tin cậy của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách.


Lê Hữu Sửu (Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Thanh Chương)