Gặp người bảo vệ Đoàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris
Những ký ức không thể nào quên
Những ký ức không thể nào quên
Trong tiết trời giá buốt một ngày đông, chúng tôi về xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến (Nam Đàn) tìm gặp ông Lê Việt Hưng (còn có bí danh là Lê Việt Bắc) - 1 trong 5 thành viên đội bảo vệ cho 2 phái đoàn Việt Nam trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris năm 1973. Gần 80 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, ông Hương vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn. Nhắc lại những ngày tham gia bảo vệ đoàn đàm phán kí kết kiệp định Pari trên đất Pháp, ký ức năm xưa lại ùa về khiến ông bồi hồi, xúc động.
Đoàn đảm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1968
Từ trái qua phải ( Bộ Trưởng Xuân Thủy; Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và ông Lê Việt Hưng (tức Bắc) (người đứng hơi lùi phía sau) tại Paris năm 1968.
40 năm qua đi, nhưng kí ức về những ngày tháng tham gia bảo vệ cho Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp để đi đến kí kết Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng của ông Lê Việt Hưng- nguyên trưởng phòng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, thành viên đội bảo vệ đoàn đàm phán… |
“...Một ngày cuối tháng 4 năm 1968, tôi (Lê Việt Hưng-PV) cùng 5 đồng chí khác được đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ- Bộ Công an) triệu tập, giao nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ Cộng hoà do đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris. Cả 5 người được chọn đều có thể lực tốt, tinh nhuệ, giỏi võ, khả năng ứng biến nhanh và để đảm bảo bí mật, họ được mang 5 bí danh khác nhau, nhưng hợp lại thì rất có ý nghĩa là : Bắc, Trung, Nam, Thống, Nhất. Trong đó “ Bắc” là Lê Việt Hưng, người Nam Đàn, Nghệ An; “Trung” là đồng chí Cao Năm, người Diễn Châu, Nghệ An, “Nam” là đồng chí Phan Văn Soàn người miền Nam, “Thống” là đồng chí Nguyễn Hữu Tòng, người Thanh Hóa, “Nhất” là đồng chí Nguyễn Minh Niêm, người Hà Nội. Ngày 9 tháng 5 năm 1968, đội bảo vệ cùng đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ dẫn đầu khởi hành đến Paris. Đoàn được đến ở tại khách sạn Lutetia ở số 45 Đại lộ Raspail, quận 16 – Thủ đô Paris. Vài ngày sau, vì nhiều lý do, đoàn đã được Đảng Cộng sản Pháp bố trí đến ở tại Trường Đảng Choisy Le Roi. Tại đây, ông Hưng được giao nhiệm vụ tiếp cận, bảo vệ đồng chí Xuân Thủy ở mọi nơi, mọi lúc.
Những ngày trên đất bạn, ấn tượng về đồng chí Xuân Thủy- Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris trong người lính cảnh vệ Nguyễn Việt Hưng là “một nhà ngoại giao bản lĩnh, tài năng, uy tín nhưng cũng rất đức độ, gần gũi, quan tâm đến mọi người. Tuy được bố trí ăn riêng, ở riêng nhưng ông vẫn đến tận bếp ăn tập thể để xem anh em trong đoàn ăn uống thế nào, chỗ ở ra sao…”. Để thuận lợi cho việc thông tin liên lạc, đồng chí Xuân Thủy đặt cho đoàn kí hiệu là Đoàn 37 (đoàn gồm 37 thành viên). Thời gian ở Pháp, Đoàn đã được bà con Việt kiều ủng hộ nhiệt tình, thậm chí nhiều bà, nhiều chị còn tìm mua cả cà muối, rau muống luộc... vì lo đoàn ăn không hợp khẩu vị với những món ăn Tây. Nhân dân Pháp rất có cảm tình với phái đoàn Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đi đến đâu cũng được người dân Pháp vẫy tay chào đón. Các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp thì đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện từ nơi ăn chốn ở đến công tác an ninh… Chịu trách nhiệm lái xe cho đồng chí Xuân Thủy và đồng chí Nguyễn Thị Bình cũng là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp…
Sau khi phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, sang để tiến hành hội nghị bốn bên, ông Lê Việt Hưng được chuyển qua bảo vệ đoàn đồng chí Nguyễn Thị Bình cho đến lúc được thay quân về nước đảm nhận nhiệm vụ mới vào cuối tháng 12 năm 1970. Khoảng thời gian 3 năm từ 1968 -1970 làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho 2 đoàn đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris là những kí ức đẹp nhất trong cuộc đời của ông Lê Việt Hưng. Ngày kí kết hiệp định Paris mở màn cho việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 21 tháng 1năm 1973), ông Hưng đang ở Hà Nội, khi hay tin đã “mừng rơi nước mắt xen lẫn niềm tự hào, phấn khởi...”.
…. Và cuộc đời của vị Đại tá quê Nghệ
Người lính cảnh vệ năm nào nay sống giản dị, khiêm nhường trong căn nhà nhỏ với vườn rau xanh mướt ở vùng quê xứ Nghệ, ngoại trừ con cháu trong nhà và mấy người bạn thân thiết, chẳng mấy ai biết ông là nhân chứng lịch sử đã từng tham gia bảo vệ 2 đoàn đàm phán kí kết hiệp định Pari tại Pháp. Ông tâm sự: “Mặc dù được phân nhà ở Hà Nội nhưng vẫn thích về quê vui thú cảnh ruộng vườn...”. Cuộc đời ông có rất nhiều điều thú vị khiến nhiều người phải khâm phục. Sinh năm 1934 trong một gia đình nông dân Nghèo ở xã Nam Lạc (nay là Hùng Tiến) Nam Đàn.
Ông Lê Việt Hưng (người cầm áo khoác) tháp tùng bộ trưởng Xuân Thủy tại Paris 1968.
Thủa nhỏ, Lê Việt Hưng từng được cho đi làm con nuôi cho một gia đình địa chủ ở Thanh Chương. Sau đó ông trốn về quê vừa làm ruộng, vừa tham gia sinh hoạt tại địa phương và được bầu làm Phó Bí thư chi đoàn xã Nam Lạc. Đầu năm 1954, ông gia nhập đoàn TNXP Trung ương. Sau này được chuyển qua Cục Cảnh vệ và tham gia bảo vệ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kí kết hiệp định Paris tại Pháp từ 1968-1970. Từ Pháp trở về, ông được đơn vị cử đi học chuyên tu tại Trường Đại học An ninh. Tiếp đó, từ năm 1978 đến 1983, ông được cử sang làm chuyên gia an ninh cho Bộ Nội vụ nước bạn Lào. Sau khi từ Lào trở về ông tiếp tục công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, làm Trưởng Phòng Bảo vệ đồng chí Trường Chinh cho đến khi đồng chí Trường Chinh mất vào năm 1988. Từ năm 1989, ông Lê Việt Hưng là trưởng Phòng Hậu cần của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1993 với quân hàm Đại tá. Nghỉ hưu, cuối 2007, Đại tá Lê Việt Hưng trở về quê Hùng Tiến, Nam Đàn sinh sống và hiện là Chủ tịch Hội Công an hưu trí huyện Nam Đàn, thành viên tổ chức cựu cận vệ Bác Hồ và Bộ Chính trị tiền bối (tính từ đại hội Đảng lần thứ III trở về trước)…
Trong cuộc đời mình, ông đã tham gia đội bảo vệ trong nước và nước ngoài cho nhiều lãnh tụ của đất nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh... Bốn mươi năm qua đi, 5 thành viên đầu tiên hợp thành khẩu hiệu “Bắc Trung Nam Thống Nhất” tham gia bảo vệ đoàn đàm phán ngày nào nay chỉ còn lại 3 người là ông Lê Việt Hưng, tức “Bắc”, Thiếu tướng Phan Văn Soàn, tức “Nam” và ông Nguyễn Minh Niêm tức “Nhất”…. Mỗi người sống một nơi, nhưng hàng năm vào dịp kỉ niệm ngày kí kết hiệp định Paris, họ lại gọi điện hỏi thăm nhau, cùng ôn lại kí ức về những ngày tháng không thể nào quên trên đất Pháp.
Khánh Ly