Trải lòng với "Văn hóa dân gian làng Liên Trì"
(Baonghean) Tôi có may mắn được ông Phan Bá Hàm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho tiếp xúc với tác phẩm “Văn hóa dân gian làng Liên Trì”, Nhà xuất bản Lao động, năm 2011, khi các tác giả đang “thai nghén” xây dựng đề cương sưu tầm tư liệu, viết bản thảo.
Khi biết hai ông Phan Bá Hàm và Nguyễn Tâm Cẩn biên soạn tập sách này, tôi rất mừng vì với vốn kiến thức khá sâu rộng sau nhiều năm cộng tác với Phó Giáo sư Ninh Viết Giao biên soạn các tập sách về chuyện cổ tích, kho tàng vè, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực ... của xứ Nghệ, sau khi liên tục nhận hai giải thưởng Hồ Xuân Hương về các tập sách “Văn chương cảm và luận” (giải khuyến khích) “Các nhà folklore xứ Nghệ” (giải C), nay bắt tay với nhà giáo Nguyễn Tâm Cẩn, một người sưu tầm cần mẫn đã có hàng chục bài báo viết về làng Liên Trì, Phan Bá Hàm đã chọn được đề tài mình tâm đắc.
Đền Bạch Mã của làng Liên Trì. Ảnh: Hồ Các.
Chọn mảng đề tài văn hóa dân gian của một làng, lại là làng Liên Trì (xã Liên Thành, Yên Thành), một làng cổ có nhiều dấu tích lịch sử văn hóa cả ngàn năm, Phan Bá Hàm và Nguyễn Tâm Cẩn đã kết hợp được cái chung và cái riêng, cái vĩ mô và cái vi mô. Từ thời nhà Lý, khi Lý Nhật Quang vào khai khẩn Châu Diễn, đã dừng chân tại mảnh đất này. Đây cũng là nơi nhân dân đứng dậy rào làng chiến đấu theo ngọn cờ của tướng quân Nguyễn Vĩnh Lộc chống lại ách xâm lược của nhà Minh trong khởi nghĩa Lam Sơn. Đây cũng là đất đứng chân của các cuộc khởi nghĩa Văn Thân, Cần Vương chống Pháp. Đây cũng là vùng quê hiếu học, là quê hương của hai vị cử nhân, 28 vị sinh đồ - tú tài, một trong 2 làng có nhiều người đậu đạt nhất của Tổng Vân Tụ. Đây là quê hương của nhiều trí thức tân học, trong đó có 3 nhà thơ: Phan Văn Từ, Nguyễn Thế Kỷ, Đặng Hồng Thiệp, có những bài thơ trở thành câu ca đi cùng năm tháng như “nhịp cầu nối những bờ vui”, “mấy mảnh ao làng sen còn thơm mãi”.
Vì đam mê khoa học, vì tình yêu quê hương nên hai ông đã lặn lội đến các thư viện, về các di tích, gặp các nhân chứng... dùng đồng lương hưu ít ỏi của mình mua vé tàu xe đi nơi này nơi khác gom nhặt tư liệu. Hễ nơi nào biết có tư liệu là đi. Có khi tìm hiểu về một nhân vật lịch sử phải đến tận nơi người đó ở tù để tìm hiểu cho tường tận. Gặp những tài liệu Hán Nôm phải nhờ cậy các vị túc nho trong huyện trong tỉnh biên dịch, chưa có tiền trả tiền công thì mua ít quà bồi dưỡng cho người dịch. Khi đã gom gần đủ tư liệu rồi lại cần mẫn đãi cát tìm vàng biên soạn trong mấy năm trời. Hoàn chỉnh bản thảo, hai tác giả đã gửi cho Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, rồi phấp phỏm chờ đợi. Mấy tháng sau nhận được công văn của vị Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam báo tin tác phẩm “Văn hóa dân gian làng Liên Trì” được đánh giá là một trong những tác phẩm học thuật đạt chất lượng cao tầm cỡ quốc gia và được hội cho in ấn để gửi các thư viện lớn khắp cả nước.
Hai tác giả được trả nhuận bút hơn 50 quyển sách để dùng làm quà tặng cho quê hương và bạn bè. Khi sách về đến Yên Thành, được hai tác giả đích thân tặng sách, tôi đọc liền một mạch thì đúng đây là một quyển sách quý. Tập sách dày 300 trang, đóng bìa cứng trang trọng, với bố cục là 2 phần chính: Liên Trì đất và người, Văn hóa dân gian làng Liên Trì và phần phụ lục in một số tác phẩm viết về làng Liên Trì. Các tư liệu văn hóa được trình bày trong tập sách một cách có hệ thống, tương đối chính xác thể hiện năng lực học thuật và tinh thần trách nhiệm cao của các tác giả. Cùng với các tập “Diễn Châu phủ chí” của Thám hoa Phan Thúc Trực, “Thanh Khê xã chí” của Tiến sĩ Trần Đình Phong và một số tập sách được giải cao trong những năm gần đây thì tập sách này là một công trình khoa học có chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, nếu các tác giả lựa chọn thêm những chuyện có tính chất liêu trai ma quái, những huyền thoại có tính chất tâm linh xung quanh những di tích đền Bạch Mã, đình Liên Trì, Bàu Chèm, bến sông Vũ Giang... kể cả những chuyện vui, chuyện buồn của thời kỳ hợp tác hóa chắc sẽ hấp dẫn hơn.
Viết về văn hóa dân gian làng Liên Trì cũng cần lựa chọn tinh tuyển một vài tác phẩm của các tác giả con em của làng nhưng tiêu biểu cho cả một vùng văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà trong những mẫu chuyện của những người quê ra phố thời mở cửa dân xứ Nghệ ở Hà Nội và các thành phố khác thường tếu táo về những giai thoại của một lão nông có: “Nhà tui ở gưn cơn gạo Liên Trì” (nhà tôi ở gần cây gạo Liên Trì). Được biết, sau “Văn hóa dân gian làng Liên Trì”, 2 tác giả vừa hoàn thành xong 2 tập sách “Tràng Sơn làng quê giàu truyền thống văn hóa”, “Hồn quê làng Phủ Ninh”. Mừng cho Phan Bá Hàm bước qua tuổi 75 vẫn minh mẫn đi theo con đường mà vị tổ Đình Nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực đã lựa chọn. Mừng cho nhà giáo Nguyễn Tâm Cẩn đang ở điểm cao phong độ, tiếp tục hợp tác với Phan Bá Hàm biên soạn những công trình mới cho quê hương đất nước.
Ngô Hiền Anh