Một gia đình, 3 thế hệ tình nguyện quân

14/01/2013 18:24

Một dịp tôi sang công tác ở Lào, khi đến thăm Khu di tích lưu niệm về bác Cay- xỏn Phôm-vi-hản, chúng tôi cùng đi với một bà mẹ mái tóc bạc phơ, ngực đeo huân chương Quân công, Chiến công, Chiến sỹ vẻ vang của Nhà nước Việt Nam trao tặng. Đồng chí phụ trách khu di tích này là một người Việt giới thiệu đó là bà Xa-ma-ngà, có tên Việt là Phùng Thanh Tâm. Ở Lào, không những nhiều cán bộ cao cấp của bạn hiện nay quý bà như một người mẹ, mà hồi còn sống các bác lãnh đạo như bác Cay- xỏn Phôm-vi-hản, Xu-pha-nu-vông, Phu-mi... đều rất quan tâm chăm sóc tuổi già của bà...

(Baonghean) Một dịp tôi sang công tác ở Lào, khi đến thăm Khu di tích lưu niệm về bác Cay- xỏn Phôm-vi-hản, chúng tôi cùng đi với một bà mẹ mái tóc bạc phơ, ngực đeo huân chương Quân công, Chiến công, Chiến sỹ vẻ vang của Nhà nước Việt Nam trao tặng. Đồng chí phụ trách khu di tích này là một người Việt giới thiệu đó là bà Xa-ma-ngà, có tên Việt là Phùng Thanh Tâm. Ở Lào, không những nhiều cán bộ cao cấp của bạn hiện nay quý bà như một người mẹ, mà hồi còn sống các bác lãnh đạo như bác Cay- xỏn Phôm-vi-hản, Xu-pha-nu-vông, Phu-mi... đều rất quan tâm chăm sóc tuổi già của bà...

Bà Tâm đã ở tuổi ngoài 80, sức yếu, trí không còn nhớ được nhiều, nhưng qua lời kể của nhiều bà con Việt kiều, các cán bộ tình nguyện từng hoạt động ở Lào thời kháng chiến và qua tư liệu... mới biết đây là một gia đình họ Phùng ở Việt Nam có tới ba thế hệ đều là tình nguyện quân.

Ngược dòng thời gian, thời các nước trên bán đảo Đông Dương còn là nô lệ của "mẫu quốc" Pháp, đời ông bà của bà Tâm quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình; là gia đình yêu nước bị đàn áp, truy bức phải dắt díu các con lánh nạn sang Lào kiếm sống và theo các cụ, các ông Tú Hướng, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thái Tân (tức Tý, con cụ Đặng Thái Thân), Võ Tòng (Lữ Thế Hanh), Đặng Văn Cáp… hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Từ khi còn nhỏ tuổi, bà Tâm theo bố mẹ từ Lào sang sinh sống cùng bà con người Việt ở các vùng U-đon, Nỏng-ỏn, Sa-côn... trên đất Xiêm. Các vùng này, thời gian từ cuối 1928-1929 ông Thầu Chín - ông Thọ Sơn - Nam... (tức Bác Hồ) đã in dấu chân hoạt động suốt dọc sông Mê Kông này. Chính vì vậy, các vùng Việt kiều có các chi bộ của Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội lãnh đạo có trường học tiếng Việt và Xiêm cho trẻ em Việt kiều, phong trào yêu nước - cách mạng trong Việt kiều đều phát triển rất mạnh.

Ngày đó, bà Tâm nhiều lần được gặp ông Thọ - Thầu Chín và chính được ông đặt cho tên Việt là Liên, còn tên họ Xiêm là Xi-vi-lay, được đi làm công tác liên lạc. Bà còn nhỏ tuổi nhưng sớm được nuôi dưỡng lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng từ ông và cha, từ phong trào "Hội ái hữu” Việt kiều ... Tham gia hoạt động nhiều năm từ trước Cách mạng Tháng Tám, rồi trở thành cán bộ được phân công cùng chồng trở về lăn lộn xây dựng cơ sở, các đội du kích Việt kiều ở vùng hẻo lánh của tỉnh Xiêng Khoảng, Trung Lào.

Vợ chồng ông bà Phùng Đại Lợi trước đây hoạt động ở Lào, vốn sinh ra bà ở Viêng Chăn, đã đặt cho con cái tên là Tâm, là cũng gửi gắm nỗi lòng mong muốn cho con dù sống ở đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc, quê hương, giữ trọn cái "tâm"! Nhưng chính người bố thân yêu của bà đã xứng với tên gọi Đại Lợi của dòng ho Phùng nổi tiếng yêu nước và cách mạng ở Quảng Bình; để lại chữ "tâm" gương sáng cho con cháu. Ông là một chiến sĩ tình nguyện quân đã trở về chiến đấu và hy sinh anh dũng trong những ngày đầu chống thực dân Pháp trở lại xâm lược ba nước Đông Dương, ở vùng Ba Na Phầu mặt trận đường 12 Trung Lào, giáp tỉnh Quảng Bình quê hương ông. Ngày đó, các đội vũ trang liên quân Việt - Lào đã có chừng 600 tay súng, do bác Xu-pha-nu-vông sau khi gặp Bác Hồ được các chiến sĩ Việt Nam dẫn đường và đi cùng, trở về làm Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Lào trực tiếp chỉ huy liên quân Việt - Lào mặt trận Thà-khẹt Xa-va-na-khẹt nổi tiếng. Trong những đầu lực lượng vũ trang hai nước cùng sát cánh chiến đấu, chồng của bà là bộ đội trong đội quân tình nguyện đã anh dũng hy sinh như người cha vì nền độc lập của hai nước mới giành được. Cũng ở mặt trận Trung Lào, lần ấy, anh Lê Thiệu Huy là con trai của giáo sư Lê Thước, trong tổ biệt phái sang giúp Xu-pha-nu-vông cùng hy sinh trên dòng Mê Kông...

Cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào ngày càng ác liệt, đầu 1946 lực lượng vũ trang Lào - Việt phải dạt sang cả Thái Lan, dọc sông Mê Kông. Bà Tâm cũng như cha, như chồng, là một chiến sĩ tình nguyện quân trong liên quân Lào - Việt, từng gắn bó với các đơn vị như Trung đoàn 13 của tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan biên chính Liên khu 4, rồi Đoàn 81 thuộc mặt trận Thượng Lào hoạt động ở vùng Xiêng Khoảng, bên cạnh các đoàn 80, 82, 83... do anh Hoàng Hữu Bỉnh làm tư lệnh từ cuối 1945, cơ quan đóng tại nhà bà Lạng là chị ruột bác Phan Trọng Tuệ... Sau khi có chủ trương mới, rút sang đất Thái củng cố, bà là một chiến sĩ trong đội quân tình nguyện về bám đất bám dân, lăn lộn thực hiện vũ trang, tuyên truyền xây dựng các cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang rộng khắp trong những năm 1947-1948. Lúc đó đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm đội trưởng đội tuyên truyền Lào Bắc, đồng chí Thao Hanh là Việt kiều làm đội phó (về sau đã hy sinh), hoạt động gian khổ ở vùng Thượng Lào và Tây Bắc, Việt Nam. Sau đó bà về làm "bảo mẫu” và giáo viên cho con em các cán bộ của Lào ở vùng chiến khu Tây Bắc, vừa dạy cả chữ Lào lẫn chữ Việt...

Cuộc kháng chiến của hai dân tộc Việt - Lào ngày càng giành nhiều thắng lợi. Trong chiến dịch Thượng Lào năm 1953-1954, bà là Việt kiều, lại thông thạo tiếng Mông và phong tục tập quán, địa bàn... nên lại đi phục vụ cho các đơn vị tình nguyện quân của Việt Nam như Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304, rồi 316 sang giúp bạn trong công tác trinh sát, xây dựng cơ sở, bình - địch vận... Ngày ấy, Sư đoàn 316 do ông Vũ Lập làm sư đoàn trưởng, đã chỉ huy quân tình nguyện vào giải phóng Phong-sa-lỳ, vùng Mường Ét, Cà Nứa... Sau ngày chiến thắng ở Điện Biên Phủ, bà lại tập kết trong tổng đội Biên phòng 335 mới thành lập, thay Sư đoàn 316 đã sang giúp bạn. Rồi bà đi phục vụ tại các trường đào tạo văn hoá cho con em của các cán bộ Lào tới gần cả chục năm nữa. Vì vậy, sau này nhiều cán bộ cao cấp của bạn từng là "con nuôi”, học sinh của bà vẫn gọi bà là mẹ, rất quan tâm chăm sóc "mẹ nuôi” khi bà về già. Bà đã được Đảng, Nhà nước CHDCND Lào tặng nhiều huân - huy chương cao quý. Bác Cay-xỏn ngày còn sống thường căn dặn các cán bộ phải chú ý chăm sóc sức khoẻ tuổi già cho bà...

Rất nhiều người con của các cán bộ Lào được bà chăm sóc ngày ấy, nay trưởng thành là cán bộ lãnh đạo cao cấp... nên rất quý bà, mặt khác còn vì cả 3 con trai của bà cũng là 3 chiến sĩ tình nguyện quân như mẹ, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ở mặt trận tây Viêng Chăn, Xa-van-na-khệt, và tây Quảng Bình vì nền độc lập của cả hai dân tộc. Chị Lý là con gái của bà, cũng là chiến sĩ tình nguyện quân, về sau làm bác sỹ quân y, nay cũng đã nghỉ hưu. Tuổi già, sức yếu, vì vậy bà Tâm về sống với vợ chồng người con gái và các cháu ở Viêng Chăn.


Trần Thị Hoạt (CTV)