Sáng tạo vì học sinh thân yêu

30/01/2013 18:25

18 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy thời gian cô giáo Phạm Thị Bích Lựu – Giáo viên Trường Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) luôn nỗ lực hết mình trên những trang giáo án, tìm ra những phương pháp thu hút học sinh, để các em yêu mến những giờ học. Từ đây, cô đã cho ra đời những sáng kiến kinh nghiệm, công trình sáng tạo nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ được áp dụng rộng rãi trong huyện mà cả toàn ngành Giáo dục Nghệ An.

(Baonghean) - 18 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy thời gian cô giáo Phạm Thị Bích Lựu – Giáo viên Trường Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) luôn nỗ lực hết mình trên những trang giáo án, tìm ra những phương pháp thu hút học sinh, để các em yêu mến những giờ học. Từ đây, cô đã cho ra đời những sáng kiến kinh nghiệm, công trình sáng tạo nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ được áp dụng rộng rãi trong huyện mà cả toàn ngành Giáo dục Nghệ An.

Được tiếp xúc với cô Lựu, rồi được trực tiếp chứng kiến một giờ lên lớp của cô, mới có thể hiểu được vì sao học sinh lại yêu mến cô đến như vậy. Tiết học Toán của học sinh lớp 4 diễn ra nhẹ nhàng mà hiệu quả. Để học sinh hăng hái chinh phục kiến thức, phát huy được tư duy sáng tạo, cô Lựu thường đưa ra các tình huống để các em thảo luận nhiều cách giải quyết khác nhau. Vì vậy, tiết học diễn ra sôi nổi, học sinh hăng hái phát biểu để giải các bài toán bằng nhiều cách. Trò không bị động mà được trao đổi một cách thoải mái với cô. Vì vậy, cả cô và trò đều bị cuốn hút, say mê vào bài học. Chính cách dạy này đã giúp cô thực hiện thành công sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình lớp 4” và đã được Hội đồng khoa học tỉnh công nhận sáng kiến đạt bậc 4 và được Sở GD-ĐT Nghệ An triển khai cho toàn bậc tiểu học từ năm học 2008-2009.

Không dừng lại ở đây, năm 2009, cô Lựu cho ra đời sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học buổi 2 ở tiểu học” và đã được Sở Khoa học Công nghệ cấp bằng công trình sáng tạo và đến nay được áp dụng ở 500 trường tiểu học trong toàn tỉnh. Ở công trình này, cô đã khắc phục được tình trạng học sinh xem nhẹ việc học buổi 2, gây lãng phí thời gian học ở trường. Ngoài bổ sung thêm kiến thức, thành lập các nhóm thi đua học tập, cô còn chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em có thể phát triển một cách toàn diện.

Trong dạy học, cô Lựu luôn đặt ra yêu cầu cao cho mình là: Mỗi trang giáo án phải thực sự thấm mồ hôi, mỗi tiết dạy phải thực sự có hồn, mỗi lời đánh giá phải chứa đựng đầy tình yêu và trách nhiệm. Chính sự trăn trở, nỗ lực mà cô trở thành tấm gương sáng trong tự học và sáng tạo của ngành Giáo dục Diễn Châu. Từ năm 2000-2003, cô Lựu đạt giáo viên dạy giỏi tỉnh, năm 2007 đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia. Ngoài 5 sáng kiến kinh nghiệm có giá trị ứng dụng cao, cô còn bồi dưỡng, hướng dẫn 38 đồng nghiệp trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp, 140 học sinh giỏi các cấp, trong đó có 3 học sinh giỏi cấp Quốc gia. Tuy đã được bổ nhiệm làm quản lý 2 năm nay nhưng cô đang ấp ủ để cho ra đời sáng kiến “Mô hình trường TH mới” mà trường của cô đang được chọn làm thí điểm.

Bằng sự sáng tạo, trăn trở không biết mệt mỏi vì học sinh thân yêu, cô giáo Phạm Thị Bích Lựu đã góp phần cùng tập thể giáo viên đưa Trường Tiểu học Diễn Kỷ đứng trong tốp đầu chất lượng của ngành Giáo dục huyện nhà và điều quan trọng hơn nữa là cô luôn được học sinh, phụ huynh xã Diễn Kỷ suy tôn là tấm gương nhà giáo mẫu mực.


Mai Giang (Đài Diễn Châu)