Bài 3: Na Cáng, bản văn hóa người Mông

14/05/2013 15:10

Sau một ngày đường, vật lộn cùng chiếc xe gắn máy trên cung đường cheo leo bên dãy Pu-Xai-Lai-Leng, chúng tôi dừng chân ở bản Na Cáng, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Sương chiều đã sa trên những ngôi nhà lợp gỗ samu, bao phủ những vườn đào xanh thắm càng tôn thêm vẻ trầm mặc của bản làng người Mông trên đỉnh núi cao. Dọc con đường mòn dẫn về bản, hai bên cờ đỏ sao vàng và cờ hội phấp phới, người dân Na Cáng đã hoàn tất việc chuẩn bị cho ngày mai đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa.

>Bài 2: Người Thái ở bản Bãi Gạo

Bóng đêm bao phủ khắp núi rừng và làng bản, nhìn ra ngoài chỉ thấy lãng đãng màu sương, đó là lúc bữa cơm tối được bắt đầu. Không ít lần chúng tôi đã được ăn cơm gạo tẻ và rau cải của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn, nhưng thú thực bữa ăn tối đầu tiên ở Na Cáng khiến chúng tôi nhớ mãi. Không biết có phải do đi đường xa, bụng đói cồn cào mà những người khách miền xuôi ăn thật “năng suất”. Vị thơm, bùi của gạo tẻ hòa lẫn cùng vị ngọt, mát của rau cải khiến ăn nhiều rồi mà vẫn có cảm giác thèm ăn thêm nữa.

Ngồi cạnh chúng tôi, ông Mùa Dua Thái - Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi lý giải: “Cũng là giống lúa, giống cải của người Mông cả thôi. Do ở đây đất tốt, khí hậu trong lành, quanh năm được ủ trong làn sương nên cơm tẻ, canh cải ở Na Ngoi có hương vị đặc trưng”. Được dịp, Trưởng bản Mùa Nhia Xa khoe luôn với khách: “Bản Na Cáng ta trước đây nghèo lắm, quanh năm lúc nào cũng thiếu cái ăn, cuộc sống chỉ nhìn vào cái rẫy lúa, trời cho thì có ăn, trời không cho phải đành chịu. Mấy năm gần đây, được các cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 và Đồn Biên phòng Na Ngoi hướng dẫn kỹ thuật canh tác, mở rộng diện tích trồng ngô, khoai sọ, bí xanh, bí đỏ, gừng, dong riềng và phát triển đàn trâu bò, dê, lợn đen, gà đen nên cái bụng đã ấm hơn nhiều rồi, không còn lo đói như trước nữa”.

Mùa Nhia Xa còn cho biết thêm, Na Cáng hiện có 63 hộ với gần 450 nhân khẩu, trong đó hơn 50 hộ đã xây dựng được nhà ở kiên cố, 57 hộ có xe gắn máy và 8 hộ đã sắm được máy xay xát. Cuộc sống chưa phải là giàu, nhưng so với trước đã có nhiều thay đổi. Nhờ vậy, phong trào văn hóa - văn nghệ và công tác bảo tồn giá trị bản sắc có điều kiện được chăm lo hơn. Bản có một đội văn nghệ vừa phục vụ công tác tuyên truyền văn hóa, vừa là cơ sở để sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của bà con dân tộc Mông. Cùng với đó là đội bóng chuyền thường xuyên luyện tập, giao lưu để thắt chặt tình đoàn kết làng bản và các đơn vị đóng trên địa bàn.

Mải mê trò chuyện, bữa cơm tối kéo dài nên không biết ngoài sân đội văn nghệ bản đã đến tập từ lúc nào. Chị em xúng xính với những bộ váy sặc sỡ đủ màu đang mải mê với điệu múa xòe. Trưởng bản Mùa Nhia Xa ghé tai khách: “Bộ váy của phụ nữ Mông đắt lắm, giá lên đến mấy triệu đồng. Trước đây, phải đổi cả con bò nên chỉ những nhà giàu, có nhiều bò mới có váy đẹp thôi. Còn bây giờ, đời sống kinh tế phát triển, nhà nào cũng sắm được mấy bộ để phụ nữ, trẻ em mặc vào dịp lễ tết, cưới hỏi. Bọn trẻ ở đây rất thích mặc váy đẹp của dân tộc mình”.

Tranh thủ lúc giải lao, chúng tôi hỏi chuyện với chị Mùa Y Lù, một thành viên của đội văn nghệ. Chị Lù cho biết: “Múa xòe thì ai cũng múa đẹp rồi, nghe nói mai có khách ở huyện, ở tỉnh vào nên phải tập cho thật thuần thục hơn, kẻo mai múa không đẹp thì ngại lắm”.



Thiếu nữ Mông bản Na Cáng trong điệu múa xòe.

Dưới ánh trăng đại ngàn, điệu múa xòe diễn ra với dáng điệu nhịp nhàng, uyển chuyển và không kém phần tinh tế cùng nụ cười duyên dáng, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Nghe tiếng nhạc, tiếng hát, dân bản đến cổ vũ mỗi lúc một đông, nhiều người mang theo cả khèn đến cùng góp vui. Thế là, sáng mai đội văn nghệ mới chính thức biểu diễn chào mừng sự kiện đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa nhưng đêm nay đã chính thức trở thành đêm hội.

Chúng tôi thật sự mê những chiếc khèn của những người đàn ông ở Na Cáng, bởi nó vừa đồ sộ, lại vừa có đường nét uyển chuyển, mềm mại, giúp người đàn ông dân tộc Mông khẳng định “bản lĩnh”, tài năng qua mỗi giai điệu, qua từng điệu múa lúc nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ. Vật liệu chính làm nên chiếc khèn là cây nứa, qua bàn tay khéo léo, tài hoa cùng một tâm hồn giàu chất nghệ sỹ, tiếng khèn bật ra lúc nghe rộn ràng như dòng thác đại ngàn, lúc nghe như tiếng vi vu của làn gió va vào vách núi, lúc lại thiết tha như tiếng chim mùa gọi bạn.

Phải nói, những người đàn ông ở Na Cáng thật sự rất yêu đời. Biết chúng tôi mê các loại nhạc cụ, mọi người đều thi nhau biểu diễn để thể hiện năng khiếu âm nhạc của mình. Anh Xồng Vả Chồng mở đầu bằng tiết mục độc tấu khèn Mông với giai điệu bài hát “Gọi bạn tình” (một bài hát của người Mông) vừa nhẹ nhàng tha thiết, vừa rạo rực bâng khuâng, vừa hồi hộp đợi chờ... Còn anh Mùa Bá Dìa độc tấu sáo ngang giai điệu bài “Tỏ tình người yêu”, anh Mùa Bá Chư độc tấu đàn môi giai điệu bài “Gọi người yêu”. Cũng bài hát “Gọi người yêu”, anh Lầu Nhia Vừ dùng chiếc khèn lá để độc tấu... Không muốn thua kém cánh đàn ông, chị Lầu Y Trữ bắt đầu cất lên làn điệu cự xia (một làn điệu dân ca Mông) với bài hát “Tiễn anh lên đường”. Tiếp đến, anh Xồng Bá Chù ra tiếp lời, hai người cùng đối đáp một cách khá tình tứ, người nghe có thể cảm nhận được sự quyến luyến, xúc động của đôi trai gái trước lúc chia tay để người con trai lên đường đi xa, hẹn ngày tái ngộ. Cứ thế, mọi người thay nhau đối đáp, ca hát, độc tấu khèn... Vầng trăng khuất sau dãy Pu-Xai-Lai-Leng lúc nào không hay.

Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại nhà Trưởng bản Mùa Nhia Xa. Anh dậy thật sớm để thái cây chuối cho con bò chọi, để nó đủ sức tham dự hội chọi sáng nay. Vì khi mặt trời nhô lên, sương bắt đầu tan, người dân Na Cáng và các bản trong vùng sẽ dắt bò đến tham gia hội chọi bò mừng ngày đón nhận Làng Văn hóa.

Theo anh Xa, hội chọi bò từ bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông ở Na Ngoi, nó không thể thiếu được trong mỗi dịp vui của bản làng. Ý nghĩa của hội chọi bò là tôn sức mạnh, vinh tinh thần thượng võ và tôn vinh nghề chăn nuôi đại gia súc. Khi hàng chục chú bò được “tập kết” về sân thi đấu cũng là lúc chúng tôi được chứng kiến những trận quyết chiến hết sức ngoạn mục của các “đấu sỹ bò”. Hội chọi bò hôm ấy đã tập hợp hàng trăm người đến tham gia cổ vũ.



Bản Na Cáng đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa.

Hội chọi bò kết thúc, chương trình đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa của bản Na Cáng cũng được bắt đầu. Sau lễ trao tặng là chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ. Tiếng khèn, tiếng nhạc lại vang lên, điệu múa xòe và múa khèn Mông lại nhịp nhàng, uyển chuyển giữa không gian núi rừng, bản làng bắt đầu chan hòa ánh nắng. Một tốp nam nữ đã tiến ra xa hơn để chơi trò ném pao...

Trao đổi với chúng tôi, anh Moong Thái Nhi - Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: “So với các bản làng người Mông ở Kỳ Sơn, bản Na Cáng còn giữ được khá nhiều nét đẹp mang tính bản sắc. Đây là cơ sở để chúng tôi bổ sung vào đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn toàn huyện”.


Tường Anh