Quạt mo lặng gió

13/03/2013 09:39

(Baonghean) - Mùa hạ ở những vùng quê đầy cây cối và nắng nỏ. Vườn đồi cung cấp cho con người củ, quả, hoa, trái. Còn có những sản vật khác trong cuộc sống thường nhật, từ thời nào thì nó vẫn hiển hiện trong gia đình thôn quê: Chiếc quạt mo.

Mo được lấy tự bẹ cau trên thân cau sau cuộc “sinh nở”, những chùm hoa bung ra trắng ngà trông đến mát mắt. Bẹ cau có một lớp vỏ lụa chăng phía trong ngang thớ với lớp vỏ xanh bên ngoài nên rất dai. Bởi vậy, khi "mang thai", những quả cau bao tử là những chùm hoa lưỡng tính lớn dần phình to đến độ quá cỡ thì bẹ cau nứt ra vàng úa, khô dần tự tách mình khỏi thân cây, rơi trong xào xạc gió vườn để về với cát bụi...

Bẹ cau được người xưa dùng làm dép để đi, chằm đài múc nước trong chum, trong vại, gấp mo ép cơm…

Trở lại chuyện chiếc quạt mo lặng gió... Một lần về quê đi họ đúng dịp mùa nắng nóng. Tuy là mùa gió Lào thổi rát bờ cây, nhưng cả vùng mất điện, trời đứng gió, người kẻ quê lại dùng đến chiếc quạt mo đã đi vào dân ca để phe phẩy cho đỡ nóng bức. Những lần về như thế, trong bao món quà quê thân thuộc: măng, mít, lạc, chè xanh... có thêm xấp quạt mo mà cha tôi, một công chức nhà nước mẫn cán giờ đã nghỉ hưu, nhàn cư, ngồi ở nhà sản xuất hàng loạt. Quạt mo hết sức bình dị, dễ làm, sẵn có, ai... cũng làm được. Chỉ cần trong vườn có vài bụi cau hoặc lượm nhặt nhà hàng xóm cũng đủ nguyên liệu để làm. Ngoài mo cau ra, phải có cái kéo, con dao cau sắc lẹm chuẩn bị thêm thứ để dằn, ép cho quạt được phẳng: Còn việc “chế tạo" thì tùy hoa tay và con mắt thẩm mỹ của từng người.

Ông cụ nhà tôi cắt quạt mo khá đẹp và đa dạng kiểu cách. Tôi lựa đem về phố chục cái thì có đến 8 kiểu dáng khác nhau: cái tròn, vuông, có cái cắt hình quạt giấy, quả tim, quả đu đủ... Theo kinh nghiệm dân gian, muốn quạt đẹp, bền, nếu mo tươi thì cắt thành phôi, đem ép dưới tấm ván dằn đá vại cà lên cho phẳng, được nắng 2 ngày là khô, sau đó đem cắt lại cho hoàn thiện. Nếu gặp mo khô đem ngâm nước cho mềm cắt đỡ rách.

Muốn sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt phải chịu khó "nghiên cứu” mẫu và gia cố thêm nan tre nẹp cho cứng quạt. Nhưng khi dán nhớ lấy nhựa mít. Còn dùng kim chỉ may vài bữa rách liền. Để quạt trở thành “tác phẩm nghệ thuật”, có người dùng bút dạ vẽ lên đó hình phong cảnh, chim cò. Vẽ phía trong lòng mo trắng muốt ngan ngát thơm mùi hoa cau thấm đẫm hương đồng nội. Khi có điện thì cất vào dưới chiếu nằm. Tiện dùng nhất là quạt lò nhen than tổ o­ng, nướng bánh đa, đập muỗi ruồi, che nắng…

Ngày xưa đi học trường huyện hoặc đi làm rẫy xa, mẹ thường cắt mo cau làm ép cơm. Cơm được ép trong mo có thêm vài thìa muối vừng hoặc cà pháo muối, cắt thành lát chấm vừng lạc ăn no lâu vô cùng.

Hôm về xuôi, biết là ít khi dùng đến nhưng bố con tôi thuộc lớp người hoài cổ. Cụ khuyên tôi chịu khó đem về phòng khi mất điện. Chiều, cha tôi gói ghém trong mớ quà lỉnh kỉnh có chục quạt. Đến cây xăng dừng xe đổ xăng lòi ra xếp quạt mo. Thứ quà ít ai đem về nơi văn minh đô hội. Mấy cô bơm xăng thấy thế bấm nhau nhìn tôi cười lúc cúc, một o vẻ mau mồm hỏi: "Anh mang “quân sư quạt mo” đi mô mà nhiều rứa?”.

- À, của quý đấy! Ở Vinh không mấy ai có, đưa về làm quà cho mỗi người một cái quạt vui...


Nguyễn Viết Lợi