Chuyện về cặp vợ chồng "bách niên giai lão"

22/02/2013 21:41

(Baonghean) - Một lần, từ các xã Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn) men theo con đường gập ghềnh dọc bờ sông Nậm Mộ, qua bản Cánh, xã Tà Cạ để ra Thị trấn Mường Xén, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cụ ông và một cụ bà dắt tay nhau đi hết sức tình tứ. Cụ ông có vẻ đi hơi lẫm chẫm, còn cụ bà dáng đi vững vàng hơn. “Ta đi thăm thằng cháu nội ở ngoài Mường Xén về!”- cụ bà trả lời câu hỏi của người làng. Biết chúng tôi từ xa đến, người bản Cánh cho hay: “Hai cụ đều đã trên 100 tuổi rồi đó!”. Chúng tôi quyết định theo hai cụ về nhà. Men theo một lối nhỏ, hai cụ cùng bước lên cầu thang ngôi nhà sàn bằng gỗ xinh xắn nằm ven bờ dòng Nậm Mộ. Một người đàn ông chừng 70 tuổi từ nhà bước xuống dắt hai cụ lên sàn nhà. Sau cái bắt tay làm quen, người đàn ông chủ nhà cho biết tên ông là Vi Hồng Sâm (70 tuổi), nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Kỳ Sơn, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện. Còn hai cụ chính là các bậc thân sinh ra ông, cụ ông tên là Vi Văn Chức (sinh năm 1909), cụ bà là Vi Thị Chức (sinh năm 1911). Như vậy, nếu tính theo tuổi ta, mùa Xuân mới này, cụ ông bước sang tuổi 105, còn cụ bà 103 tuổi.



Đã qua tuổi 100, vợ chồng cụ Chức vẫn sống khỏe và minh mẫn.

Đối diện với hai cụ, chúng tôi có dịp ngắm khuôn mặt của những con người đã đi qua hơn một thế kỷ, vượt qua “kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày”. Hai mái tóc bên nhau, cùng một màu trắng như cước. “Vết chân chim”- dấu ấn của thời gian phủ hầu khắp khuôn mặt, nhưng nước da vẫn ánh lên vẻ hồng hào, thần sắc hãy còn rạng rỡ, đôi mắt vẫn còn khá tỏ, chỉ cái tai thì hơi nặng. Anh bạn trưởng phòng Văn hóa huyện cất lời: “Hai cụ gặp và yêu nhau từ năm bao nhiêu tuổi?”. “Năm đó ta 20, bà đây 18. Nhưng phải mấy năm sau mới cưới nhau”- cụ ông thong thả đáp lời. Chợt nhớ đến sự tình tứ lúc gặp hai cụ ngoài đường, giờ lại chứng kiến vẻ minh mẫn của những con người đã bước qua tuổi 100, chúng tôi nhã ý muốn được nghe về câu chuyện tình của họ. Hiểu ý, cả hai cụ cùng nở một nụ cười móm mém như chứa đựng sự hồn nhiên của tuổi già, lại có cả sự thẹn thùng, e ấp của tuổi trẻ.

...Năm ấy, khi các loài cây trong rừng cựa mình nảy lộc sau bao tháng ngày ủ mình trong sương giá, hoa đào dệt hồng sườn núi, hoa ban dệt trắng các dải rừng xa, hoa cải thắm vàng nương rẫy, các loài chim thay bộ lông sặc sỡ, các loài bướm tung tăng khắp rừng cây, làng trên, bản dưới bắt đầu mùa hội, Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu diễn ra rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng hòa cùng tiếng lăm, tiếng pí. Các trai làng đều chếnh choáng men rượu cần, cùng say điệu lăm vông bên bếp lửa đượm hồng. Qua ánh lửa chập chờn, chàng trai bản Cánh tuổi đôi mươi nhìn thấy trong đám sơn nữ đang múa xòe có một cô gái thân hình mảnh mai, làm da trắng hồng, tóc mượt và dài chấm gót, đôi mắt như biết cười, nét mặt rạng rỡ, dáng điệu nhịp nhàng. Nhấp mấy ngụm rượu cần để lấy thêm can đảm, chàng trai người Thái nâng chiếc khèn bè lên thổi và đi cùng điệu múa khèn tiến lại gần cô gái. Sau vài phút ngỡ ngàng, bối rối, hai người nhanh chóng bắt nhịp cùng nhau và cùng “say” trong điệu lăm vông nhịp nhàng, trong tiếng khèn dìu dặt, tiếng chiêng ngân vang, trong ánh mắt thiết tha như không muốn rời nhau. Chàng trai và cô gái vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa, rồi họ tách dần ra khỏi đám hội, tiến ra phía mé rừng phía Đông, nơi có những cây lát cổ thụ để chuyện trò. Cô gái ấy người bản Nhãn Cù (cùng xã Tà Cạ), nơi đầu nguồn con sông Nậm Mộ. Từ bản Cánh, phải vượt hàng trăm thác đá, hàng chục con dốc, đi bộ cả ngày đường mới đến được Nhãn Cù. Sau vẻ e ấp ban đầu, cô gái cất lên điệu nhuôn hát tặng người con trai có vóc dáng rắn rỏi, hào hoa ở bản Cánh. Chàng trai cũng không bỏ lỡ dịp trổ tài đàn hát, chiếc khèn bè vang lên những giai điệu thiết tha như tiếng chim rừng gọi bạn, như tiếng hoẵng tìm đàn. Tiếng hát, tiếng khèn cứ vấn vít, hòa quyện nhau bay khắp không gian, dường như không muốn tách rời. Ông mặt trời ló rạng sau đám sương mờ ảo, trai làng, gái bản xếp đặt hành trang về nhà. Hai người quyến luyến chia tay và hẹn gặp nhau vào dịp Lễ hội Đền Đức Khánh.

Chờ đợi mãi, rồi cũng đến ngày mở hội. Chàng trai ra tận con dốc đầu bản để đón người thương. Khỏi phải kể lại niềm vui khôn xiết sau mấy chục ngày xa cách. Nhưng không hiểu vì sao chàng trai nhận thấy trong đôi mắt biết cười của cô gái thoáng vẻ đượm buồn. Đêm hội, chàng trai và cô gái tách khỏi đám bạn để ra phiến đá cạnh mép sông tâm tình. Chàng trai bộc bạch nỗi lòng và muốn biết nét buồn trong mắt người thương. Cô gái giãi bày tâm tư, không buồn sao được khi bố mẹ không muốn con gái đi lấy chồng bản khác, mà từ bản Cánh đến Nhãn Cù xa gần cả ngày đường. Bố mẹ muốn con gái lấy chồng gần để đỡ đần lúc sớm tối, lấy chồng xa là “mất một đứa con”. Hội tan, chàng trai theo người thương về Nhãn Cù, mang theo cặp nhung hươu nhưng bố mẹ cô gái chối từ. Hàng tuần, chàng trai vẫn chèo thuyền độc mộc ngược dòng Nậm Mộ lên Nhãn Cù để tìm gặp người yêu. Lúc đi chàng không quên mang theo những “chiến lợi phẩm” từ các cuộc đi săn như gấu, lợn rừng, có khi cả con hoẵng để biếu gia đình cô gái. Đã mấy mùa hội đi qua, thấy con gái tránh các cuộc hẹn hò của trai bản, chỉ nghe tiếng khèn, nắm quả còn của người con trai bản Cánh, bố mẹ đành chiều lòng để cô gái về bản Cánh làm dâu.

Sau hơn 80 năm gối ấp tay kề, đại gia đình vợ chồng cụ Chức hiện đã có đến 5 thế hệ với hàng chục thành viên. “Ta không thể nhớ hết tên các cháu, chắt, chút đâu. Chỉ gặp mặt đông đủ vào các dịp nghỉ Tết, nghỉ hè thôi. Ngày đó, người lớn sẽ biểu dương các cháu nhỏ có thành tích học tập tốt”- cụ ông chia sẻ. Ông Vi Hồng Sâm cho hay, hiện tại ngôi nhà này đang có 5 thế hệ cùng chung sống. Các thế hệ con, cháu, chắt và dâu rể đều sống gương mẫu, hầu hết đều là giáo viên và cán bộ, công nhân viên nhà nước.

Người con trai cả của cụ Chức đưa chúng tôi xem bản sơ yếu lý lịch của các bậc sinh thành. Theo đó, cụ Chức ông từng tham gia hoạt động cách mạng, làm đến chức vụ Xã đội trưởng và Thư ký Nông hội xã Tà Cạ. Còn cụ bà từ 1950- 1958 là Uỷ viên BCH Hội Phụ nữ xã. Hỏi chuyện tiễu phỉ, trừ gian, cụ Chức ông hồ hởi: “Ngày trước, thằng Vàng Pao ở bên Lào hay cho quân sang đây quấy phá lắm. Chúng nó đưa tiền bạc, vải vóc, lúa gạo ra dụ dỗ người mình đi theo. Người mình không theo, chúng đốt làng, cướp của, giết người. Ngày đó, ta đưa dân quân vào tận Mường Ải, Mường Típ, có khi chi viện đến tận Huồi Tụ, Mường Lống để đánh đuổi bọn Vàng Pao, vận động bà con ta ở đó không nghe theo kẻ xấu, chỉ theo con đường của Đảng và Bác Hồ mới có hòa bình, no ấm!”.

Chia tay, chúng tôi hỏi nhỏ về bí quyết trường sinh. Cụ ông nở một nụ cười sảng khoái, rồi nói: “Ta không có bí quyết chi hết. Từ nhỏ, ta đi lên rẫy trồng lúa, trồng ngô, chăn con trâu, con bò. Lớn lên, ta đi làm việc xã hội. Lúc trẻ ta ăn khỏe, giờ chỉ ăn được 2 bát cơm nữa thôi. Nhưng ta thích uống rượu ngâm với rễ cây rừng, nó giúp ta vững cái chân, chắc cái tay. Và để cái đầu luôn được thoải mái, vui vẻ, ta không thù ghét một ai, dù họ nói xấu mình...”.


Bài, ảnh: Công Kiên