Quỳnh Đôi - Khi văn hóa là nền tảng phát triển KT-XH
Theo Bí thư Nguyễn Đình Hiền thì chủ trương của Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Đôi phải đi lên từ văn hóa, lấy văn hóa làm khâu đột phá, làm nền tảng phát triển KT-XH, trong đó gắn kết giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại tạo nên cái chất riêng của làng văn hóa đầu tiên được UBND tỉnh công nhận. Từ đó phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ xã đến thôn bản.
(Baonghean) - Theo Bí thư Nguyễn Đình Hiền thì chủ trương của Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Đôi phải đi lên từ văn hóa, lấy văn hóa làm khâu đột phá, làm nền tảng phát triển KT-XH, trong đó gắn kết giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại tạo nên cái chất riêng của làng văn hóa đầu tiên được UBND tỉnh công nhận. Từ đó phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ xã đến thôn bản.
Một trong những dấu ấn lớn mà Đảng ủy, chính quyền xã Quỳnh Đôi đã làm được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của quê hương, đó là việc khôi phục thành công Lễ hội Kỳ Phúc (cầu may) đã thất truyền gần 70 năm. Ông Hồ Đắc Thắng - cán bộ văn hóa xã Quỳnh Đôi cho hay: Đây là lễ hội có giá trị lịch sử văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của một làng quê có chiều dài lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển trên 634 năm nay. Lễ hội diễn ra theo hai phần chính là phần lễ và phần hội. Bắt đầu phần lễ là lễ rước từ đền Thần Hoàng đi quanh làng về đình làng làm lễ. Lễ an vị kiệu thánh và làm lễ tế; lễ tất và rước kiệu trở về đền thần. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như: diễn xướng kéo chữ, diễn xướng vật cù, múa rối nước, kéo co, văn hoá văn nghệ…
Sau một thời gian dài bị mai một, đến năm 2012, với sự giúp đỡ của Viện Văn hóa Trung ương, Lễ hội Kỳ Phúc được phục dựng lại không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó người dân trong làng, mà còn là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần đã có công giúp làng khai hoang, lập ấp, bảo vệ và xây dựng làng. Đồng thời là dịp để nhân dân trong làng cũng như con cháu ở xa về hội tụ, thi thố tài năng, ôn lại và phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống của làng, xã để lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ về sau…
Sau Lễ Kỳ Phúc tổ chức vào ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng, hơn 30 dòng họ trong xã cũng tổ chức các hoạt động tế lễ kéo dài từ mồng 10 - 15 âm lịch. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã phối hợp với các dòng họ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa 3 dòng họ là di tích Mộ và Đền thờ Hồ Sỹ Dương; nhà thờ, bia mộ Hồ Phi Tích và nhà thờ họ Dương. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Hiện toàn xã có 8 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 6 di tích lịch sử xếp hạng quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh mỗi năm thu hút hàng trăm du khách về tham quan, tìm hiểu các giá trị truyền thống của địa phương. Từ năm 2002 đến 2012, địa phương đã phát huy công tác xã hội hóa xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử với tổng giá trị 2 tỷ 381 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 330 triệu đồng, nguồn xã hội hóa hơn 2 tỷ đồng.
Đình làng Quỳnh Đôi nơi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống.
Bình quân mỗi năm có 3-5 hội diễn văn nghệ cấp xã chào mừng các ngày lễ, tết, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó còn có hoạt động văn nghệ cơ sở ở các nhà văn hóa thôn. Toàn xã có 3 CLB thể dục thể thao, 1 CLB thơ, 1 CLB sinh vật cảnh hoạt động hiệu quả, chất lượng, có nhà thư viện với trên 2000 đầu sách, báo phục vụ nhân dân, phòng Internet với 5 bộ máy vi tính phục vụ mỗi năm ước tính 1000 lượt người truy cập thông tin phục vụ học tập, sản xuất, kinh doanh.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, xã cũng đã quan tâm củng cố, xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến nay, 8/8 thôn đều có nhà văn hóa gắn với sân chơi, bãi tập. Mỗi nhà văn hóa có một tủ sách pháp luật. Phong trào cưới theo nếp sống văn hóa mới được nhiều gia đình, cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và thực hiện tốt. Trong việc tang đã giảm một số hủ tục lạc hậu như không thuê ban nhạc, không rải vàng mã... thể hiện nét văn minh trong hoạt động văn hóa tâm linh. Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa hàng năm đạt từ 82-90% đến năm 2012 đạt 89%, gia đình thể thao đạt 28%; 8/8 thôn liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa đạt 100%..
Đồng chí Nguyễn Văn Quý - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quỳnh Lưu cho hay: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quỳnh Đôi cụ thể hóa ở Nghị quyết 03-NQ/ĐU về tăng cường lãnh đạo nâng cao đời sống văn hóa ở địa phương đã thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện ở ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa mới được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống góp phần xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần vững chắc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Khánh Ly