Gừng - vị thuốc tuyệt vời

07/04/2013 21:55

Gừng không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc nhiều tác dụng: Chống ung thư, chữa viêm khớp, hạ cholesterol, chống nghẽn mạch máu, cường dương...

·

Gừng là loại cây gia vị được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tên khoa học là Zingiber officinale rose, họ gừng. Gừng có vị cay, tính ấm, kiện tì vị, ôn trung hạ khí, chống lạnh, giảm đau, trị đau bụng lạnh, thổ tả. Gừng tươi có công năng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa, giải cảm hàn, làm gia vị, làm mứt, cất tinh dầu làm thuốc... Gừng khô có tác dụng ôn trung tán hàn, vỏ tiêu phù thũng...



Gừng là gia vị và là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Trần Thanh


Rất giàu dược tính

Trong đông y, gừng tươi gọi là sinh khương, gừng khô là can khương, gừng nướng là ổi khương, củ gừng đem lùi hoặc nướng thành than tồn tính gọi là thán khương. Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh hoặc sau khi sinh đều cần gừng để điều hòa nhiệt độ cơ thể.

Sau khi sinh, phụ nữ nên cho chút gừng vào thức ăn để cơ thể không sợ lạnh, tốt cho đường tiêu hóa. Phụ nữ sinh xong thường mập lên; da bụng teo nhẽo, rạn nứt, chảy xệ; sự thay đổi nội tiết làm xuất hiện các vết nám, sạm và tăng sắc tố ở vùng da bụng. Những hiện tượng này trở thành nỗi buồn phiền của các bà mẹ trẻ. Nhiều người muốn giảm cân nhưng do phải bảo đảm dinh dưỡng cho con qua nguồn sữa mẹ nên rất khó khăn. May thay, chất gingerol trong tinh dầu gừng có tác dụng làm nóng vùng bụng, giúp tiêu mỡ cục bộ, làm cơ bụng săn chắc, tăng độ đàn hồi của da sau khi sinh.

Các kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy trong gừng có các chất chống ôxy hóa, ức chế hình thành những chất gây viêm. Gừng còn được xem có tác dụng điều hòa miễn dịch. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Med. Hypotheis năm 1989, các nhà khoa học đã cho 18 người viêm khớp, 10 người đau cơ dùng gừng 3-30 tháng (liều 500-1.000 mg gừng khô). Kết quả, 75% người viêm khớp và 100% người đau cơ đã giảm đau, giảm sưng.

Ở một thí nghiệm khác, 7 người bị thấp khớp nặng không đáp ứng với nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, khi dùng 5 g gừng tươi hoặc 100-1.000 mg gừng khô/ngày, bệnh của họ biến chuyển rõ rệt, giảm đau, giảm cứng khớp vào buổi sáng.

Gừng còn có tác dụng tráng dương, giúp tăng cường hoạt động cho người yếu sinh lý do tuổi tác. Một số phụ nữ tế nhị thường cho chồng ăn món ốc hương hấp lá gừng, chấm với nước mắm gừng để có được niềm vui trọn vẹn.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cho người bệnh uống 5 g gừng tươi/ngày, kéo dài trong một tuần lễ và nhận thấy có tác dụng ngăn chặn cơ thể sản xuất ra dramacin, một chất gây kết dính tiểu cầu tạo thành cục máu đông làm nghẽn mạch. Do vậy, gừng hơn hẳn Aspirin dùng để phòng ngừa bệnh nghẽn mạch máu mà lại rẻ tiền và an toàn hơn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh nhân sử dụng gừng thường xuyên trong một thời gian có thể giảm rõ rệt nồng độ cholesterol. Đặc biệt, gừng còn chống được ung thư. Gừng còn có đặc tính chống lại hàng loạt loại nấm, thậm chí với loại đã kháng nhiều liệu pháp. Do đó, cần bổ sung gừng vào chế độ ăn hằng ngày dưới dạng viên nang hay trà, hoặc sử dụng như một loại gia vị trong nấu nướng.

Một số bài thuốc thông dụng

- Cảm lạnh: 3-4 lát gừng tươi, thêm ít đường uống nóng, ngày dùng 3-4 lần. Nếu mồ hôi ra ít thì phối hợp với ma hoàng, quế chi.

- Cháo gừng giải cảm: Gừng tươi 5-10 g, gọt vỏ, thái chỉ; lá tía tô, hành hoa thái nhỏ; lòng trắng trứng gà 2-3 quả. Gạo vừa đủ, nấu thành cháo. Khi cháo chín đổ vào bát có chứa các thảo dược nói trên, khuấy đều, ăn nóng.

- Canh gừng giải cảm: Gừng tươi giã nhỏ hoặc thái chỉ 10-20 g, thịt gà 30-50 g, nấu canh gà trước, khi ăn cho gừng khuấy đều, đun sôi, ăn nóng. Canh gừng vốn là món ăn bài thuốc kinh nghiệm trong trị cảm cúm của người Ấn Độ và Trung Quốc. Ăn canh gừng nóng có tác dụng đào thải mồ hôi, làm hạ sốt, có thể nhanh chóng cắt cơn cảm cúm.

- Chè gừng giải cảm: Gừng tươi thái chỉ, thêm nước đun sôi 5-10 phút, thêm chút đường uống nóng, chia dùng nhiều lần trong ngày. Bài thuốc có tác dụng ra mồ hôi, giảm ho, giải cảm...

- Phụ nữ băng huyết: Can khương 8 g, tông bì 12 g, ô mai 12 g. Tất cả đốt thành tro, nghiền mịn, uống với nước.

- Trị gàu, rụng tóc: Thường xuyên gội đầu pha chút gừng có tác dụng trị gàu, giảm rụng tóc.

- Giải rượu: Uống nước gừng làm giảm triệu chứng đau, váng đầu do rượu.

- Chữa đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn: Gừng, hồng táo đun nước uống ngày 2 lần có tác dụng khai vị.

- Say tàu xe: Uống một chút rượu gừng sẽ thấy hiệu quả vượt trội hơn cả các loại thuốc chống say xe khác.

- Trị ốm nghén: Trong một nghiên cứu, những phụ nữ bị nghén khi mang thai đã sử dụng 1 g bột gừng trong vòng 4 ngày, kết quả đã giảm hẳn các triệu chứng nghén.


Theo Người lao động - NT