Cách làm hay trong điều kiện khó

07/03/2013 19:17

Nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp những sản phẩm mới phù hợp với thị trường là một trong những cách làm hay của nhiều doanh nghiệp trong hoàn cảnh “ế ẩm” của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Chính sự năng động đó, không những giúp cho nhiều đơn vị tồn tại, mà còn bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước…

(Baonghean) - Nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp những sản phẩm mới phù hợp với thị trường là một trong những cách làm hay của nhiều doanh nghiệp trong hoàn cảnh “ế ẩm” của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Chính sự năng động đó, không những giúp cho nhiều đơn vị tồn tại, mà còn bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước…

Thị trường sản xuất VLXD trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Với nhiều áp lực lớn đang đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất VLXD. Trong cả chục đơn vị sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh ta đang gặp khó khăn, thì có những doanh nghiệp đã rất linh hoạt, nhạy bén với thị trường để tồn tại bằng cách đa dạng hóa sản phẩm.

Trước đây, Xí nghiệp gạch, ngói Nam Giang chuyên sản xuất các loại gạch, ngói, nhưng nay đã mở thêm ngành nghề mới với tên gọi phù hợp hơn là Xí nghiệp Trung Đô Nam Giang. Sự thay đổi đó đồng nghĩa với việc đơn vị này không chịu “ đứng yên” bằng nghề truyền thống hàng chục năm sản xuất gạch, ngói; mà chọn lựa những bước đi mới là sản xuất bê tông tươi để tồn tại trong thị trường sản xuất VLXD. Sự ra đời của nghề mới đúng vào thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 11- CP như là thử thách lớn đối với doanh nghiệp này. Doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; ban đầu là đưa sản phẩm bê tông tươi phục vụ các công trình xây dựng của các doanh nghiệp hệ thống của tổng công ty, rồi sau đó cung cấp cho các dự án lớn của khách hàng trong tỉnh và cung cấp bê tông tươi cho cả khách hàng thuộc khối dân sinh… Được biết, với công suất của trạm trộn bê tông là 60 m3/giờ và 6 xe ô tô chuyên dụng (xe trộn, xe bơm cần, bơm tĩnh) thời gian qua nghề mới này hoạt động hiệu quả. Năm 2012, doanh nghiệp này đã cung cấp cho thị trường 40.000 m3 bê tông tươi và trong những tháng đầu năm 2013 này, đơn vị đã ký kết được những hợp đồng lớn. Sự phát triển đúng hướng của nghề sản xuất bê tông tươi Trung Đô Nam Giang đã thực sự góp phần rất lớn để doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.



Trạm trộn bê tông của xí nghiệp Trung Đô Nam Giang.

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng thời gian qua ở tỉnh ta có những diễn biến phức tạp, sản phẩm dư thừa, cung vượt cầu… Trong hoàn cảnh đó, có những doanh nghiệp đã tìm được hướng đi mới để tồn tại như Công ty CP Xi măng Cầu Đước. Sau hơn 50 năm chuyên ngành sản xuất xi măng, thì nay đơn vị này đã ngừng hẳn việc đốt lò (lò nung Clanhker), mà mua Clanhker về nghiền xi măng, nhưng với sản lượng rất hạn chế. Yếu tố giúp cho đơn vị này còn trụ lại được là bởi mạnh dạn đầu tư phát triển nghề mới, sản xuất gạch không nung, ngói màu không nung. Hay như Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai, cũng từng bước thực hiện chủ trương đa dạng hóa sản phẩm khi quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông tươi. Để cạnh tranh được trên thị trường, Xí nghiệp đặt tại Khu công nghiệp Bắc Vinh và dây chuyền được thiết kế với tổng công suất trên 180m3/giờ và giai đoạn 1 có công suất 90 m3/giờ. Ông Hà Huy Phương – Giám đốc Xí nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm Vicem Hoàng Mai cho biết: “Mặc dù mới tham gia tại thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng xí nghiệp đã tạo được sản xuất, kinh doanh rất khả quan. Năm 2012, xí nghiệp đã cung cấp cho thị trường gần 30.000 m3 bê tông tươi và 2 tháng đầu năm 2013 đã cung cấp 5.000 m3. Hiện nay, sản phẩm của đơn vị đã vào được những dự án xây dựng lớn trên địa bàn. Một lợi thế của sản phẩm bê tông tươi, là nguyên liệu chính (xi măng) do chính công ty sản xuất và cốt liệu lớn (đá dăm) cũng được nghiền từ đá nguyên khai tại mỏ đá Hàng Mai, nên giúp cho sản phẩm bê tông tươi bảo đảm được giá thành hợp lý và luôn ổn định được sản xuất”.

Trong điều kiện khó đã “ló” ra những cách làm mới, năng động, sáng tạo để doanh nghiệp sản xuất VLXD tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường, nhưng không phải đơn vị nào cũng “tự thoát” được khỏi sự bế tắc, khó khăn, nên rất cần các cấp, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt, nhất là về cơ chế, chính sách, vốn vay…


Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh