“Nhất thời” và “vạn đại”
(Baonghean) - Hôm rồi đọc báo thấy người ta bình cái câu “Quan nhất thời, dân vạn đại” thấy hay đáo để ông ạ!
- Hay ở chỗ nào?
- Ở cái chỗ dân tồn tại muôn đời, là yếu tố lớn nhất để tạo nên một quốc gia. Một đất nước, “tồn” hay “vong” là do dân. Còn làm quan thì chỉ một thời gian, dù quan cao tước lớn đến đâu, đường công danh có thông đồng bén giọt đến đâu, chung quy rồi cũng về hưu, làm thường dân.
- Nghĩa là hết quan hoàn dân, kéo quân về làng?
- Đúng vậy!
- Nói vậy nghe vừa hay vừa đúng. Nhưng cũng câu nói đó, người ta lại bình dưới góc độ thời hiện đại, nghe cũng vừa đúng vừa hay lại vừa “sốc” nữa!
- Sốc cơ à?
- Sốc thật mà! Người ta nói khối người biết rõ làm quan chỉ là “nhất thời” rồi đằng nào cũng quay về làm dân. Mà đã là dân thì sướng hay khổ mọi người đều biết rõ cả, không cần phải nói ra.
- Rồi sao nữa?
- Cho nên không ít người “làm quan” có tư tưởng tận dụng cái “nhất thời” để gây dựng cơ sở vật chất sao cho khi về làm dân vẫn sung sướng tới “vạn đại”.
- Ý ông là?
- Đây không phải ý của cá nhân tôi mà đề tài nghiên cứu khoa học về mối quan hệ không bình thường của một số cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi do Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu cho thấy “mối quan hệ không trong sáng” đó là cội nguồn sản sinh ra tham nhũng, chạy chức, chạy quyền gây nhức nhối trong xã hội.
- Vậy thì phải có biện pháp để loại bỏ mối quan hệ nguy hiểm ấy đi!
- Đương nhiên rồi! Song để chấm dứt được mối quan hệ nguy hiểm đó, điều cốt yếu là phải loại bỏ được cái tư tưởng lấy “nhất thời” nuôi “vạn đại” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức quyền.
Phúc Vinh