Bài cuối: Cần những giải pháp tổng thể

22/03/2013 19:48

Mặc dù rất cố gắng để thực hiện việc đào tạo và giải quyết việc làm  lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động trong các ngành Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ và giảm lao động Nông - Lâm - Ngư, nhưng tỉnh ta vẫn đang bế tắc trong việc khai thác lợi thế có nguồn lao động đứng thứ 4 trong cả nước...

(Baonghean) - Mặc dù rất cố gắng để thực hiện việc đào tạo và giải quyết việc làm lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động trong các ngành Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ và giảm lao động Nông - Lâm - Ngư, nhưng tỉnh ta vẫn đang bế tắc trong việc khai thác lợi thế có nguồn lao động đứng thứ 4 trong cả nước...

>> Bài 2: Khai thác tiềm năng

Như đã đề cập, công tác đào tạo nghề vẫn chưa “bắt nhịp” được với nhu cầu của xã hội, nhất là ở quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiệu quả sau đào tạo không cao và chưa xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề để nhân rộng và đặc biệt là chưa gắn kết chặt chẽ giữa 3 bên: người dạy, người học và chính quyền địa phương. Cùng với đó, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vẫn còn gặp khó khăn (tỷ lệ có việc làm sau học nghề mới đạt 75%)…

Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm chỉ đạo dạy nghề mô hình. Rà soát danh mục nghề đào tạo để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Cần đầu tư phù hợp nguồn vốn, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt tại cơ sở, chính quyền địa phương phải phối hợp với cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân”- bà Hồ Thị Châu Loan - Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho biết. Thời gian qua, mặc dù các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã được ưu tiên đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn còn tập trung cho hệ thống các trường Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề, còn lại các Trung tâm dạy nghề cấp huyện vẫn gặp nhiều khó khăn. Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay đối với lao động nông thôn là thiếu tay nghề, trình độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề nông thôn với các doanh nghiệp sử dụng lao động, nên thời gian qua xẩy ra tình trạng lao động được đào tạo nghề nhưng khó tìm được việc làm, hoặc có việc làm lại không đúng với nghề được đào tạo...



Học nghề trồng nấm ở Yên Thành. Ảnh: Quỳnh Lan

Sự trải nghiệm của lao động diện xuất khẩu trở về nước là rất cần thiết trong tư vấn nghề; Hội chứng “thừa thầy, thiếu thợ” thực chất là một điều đau đớn của thực tiễn địa phương. Hãy hiểu tâm sự của người cần tìm việc làm đúng nghĩa. Chị Nguyễn Thị Hồng ở Thanh Chương do có tay nghề cao nên được tuyển ngay vào Công ty may Haivina Kim Liên. Chị cho biết: “Sau nhiều năm làm công nhân may tại KCN Tân Tạo - Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi về quê nộp hồ sơ vào Công ty TNHH HAIVINA Kim Liên (Nam Đàn), được doanh nghiệp ưu tiên vào vị trí làm phù hợp với tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm, nên được hưởng lương cao, hơn nữa lại được làm việc gần gia đình...”.

Để giải quyết việc làm lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề, nhất là khu vực nông thôn để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế tạo thêm việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu phân công lao động mới phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Và việc làm cần thiết là nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, gắn học nghề, dạy nghề với tư vấn giới thiệu và giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Đẩy mạnh việc cung cấp, khai thác thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, nâng cao số lượng và chất lượng lao động xuất khẩu. Cùng với đó, tăng nguồn lực đầu tư trực tiếp cho Chương trình giải quyết việc làm, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để giảm thiểu số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn.

Với những giải pháp phù hợp, cùng sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và người lao động, tỉnh ta quyết tâm trong năm 2013 này thực hiện được mục tiêu: tăng lao động thuộc ngành Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ lên trên 45% và giảm lao động nông lâm ngư nghiệp xuống dưới 55%.


Hoàng Vĩnh