Hộ khẩu thành giấy phép!
Chiều 24-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng chọn giải pháp quản lý bằng hộ khẩu là rườm rà và phiền phức.
Đại biểu Trần Du Lịch: "Chính cách hiểu sai tai hại về hộ khẩu đã khiến người ta cứ dùng hộ khẩu như một giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính"
- Ảnh: Mai Hương
Góp ý cho dự thảo Luật cư trú, đại biểu Lê Đông Phong (TP.HCM) đặt vấn đề: “Bây giờ hộ khẩu bị lạm dụng: cái gì cũng đòi hộ khẩu, đăng ký vô trường cũng đòi hộ khẩu, rồi điện cũng hộ khẩu, nước cũng hộ khẩu... Tự nhiên hộ khẩu thành một thứ giấy phép”.
Không hộ khẩu không làm được gì hết!
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu: “Bây giờ ở thành phố nếu không có hộ khẩu thì không làm được gì. Chính cách hiểu sai tai hại về hộ khẩu đã khiến người ta cứ dùng hộ khẩu như một giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính, trong khi thực tế nó chỉ là một cách quản lý của ngành công an mà thôi. Không biết trên thế giới còn bao nhiêu nước làm kiểu như ta”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thông tin ngay: “Thế giới chỉ còn ba nước: VN, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên còn dùng hộ khẩu!”.
“Đừng đẩy khó cho dân” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói. Bà Thúy đề nghị bỏ quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích tối thiểu trong thủ tục xin nhập hộ khẩu vào thành phố. Bà cho rằng quy định như vậy là tạo điều kiện dễ cho quản lý nhà nước và đẩy khó cho dân.
“Nếu anh đến mà thấy nghi ngờ người dân khai báo không đúng thì cơ quan nhà nước phải tự đi xác minh, đo đạc lấy, sao lại bắt dân phải xin xác nhận” - bà Thúy phân tích.
“Yêu cầu quản lý là đơn giản, ít thủ tục, không rườm rà. Trong khi ta chọn cách quản lý thủ công - đi lên đi xuống khai báo rồi ghi ghi, chép chép. Nếu người ta muốn gian dối: họ cứ chạy lên khai báo gian dối rồi vẫn phạm tội. Tôi nghĩ ngành công an cần nghiên cứu lại cách quản lý chứ cách làm như hiện nay là phiền phức lắm! Không phải cứ phạt nặng hơn, cứ khai báo nhiều hơn là quản được” - ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Hơn 5 tỉ đồng làm sổ tạm trú
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định việc siết chặt nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương là cách quản lý thủ công, kém hiệu quả. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế, thương mại phát triển, tạo ra cơ hội công ăn việc làm, cơ hội sinh sống thì dân các nơi khác người ta mới tập trung đến.
Theo Tuổi trẻ - TH