Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có hướng khắc phục
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo bị kỉ luật, chất lượng giáo dục đang có chiều hướng đi xuống là những lý do khiến huyện Thanh Chương quyết định kiện toàn, sắp xếp bộ máy toàn bộ cơ quan phòng Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp phải ý kiến trái chiều...
(Baonghean) - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo bị kỉ luật, chất lượng giáo dục đang có chiều hướng đi xuống là những lý do khiến huyện Thanh Chương quyết định kiện toàn, sắp xếp bộ máy toàn bộ cơ quan phòng Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp phải ý kiến trái chiều...
Đơn kiến nghị gửi Báo Nghệ An đề hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở huyện Thanh Chương, phản ánh: Vừa mới lên nhận chức vụ Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, ông Đặng Văn Hóa đã đưa ra nhiều “cải tổ”, làm thay đổi một loạt cán bộ, chuyên viên phòng Giáo dục - Đào tạo. Trong đó, ngoài việc tham mưu cho UBND huyện ra quyết định quy định những tiêu chuẩn của cán bộ, chuyên viên phòng, phòng đã tiến hành thuyên chuyển nhiều cán bộ xuống cơ sở. Có những người đã có gần 25 năm làm ở Phòng Giáo dục - Đào tạo nay ngậm ngùi xuống làm giáo viên dạy học. Lại có người như bà Nguyễn Thị Ngọc, nguyên là chuyên viên phụ trách bậc tiểu học vì không đủ tiêu chuẩn đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bị đưa xuống làm giáo viên Trường THCS Tôn Quang Phiệt về tiếp tục làm chuyên viên phụ trách bậc tiểu học như cũ...
Qua tìm hiểu, việc thay đổi nhân sự ở Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Chương là có thực, bắt nguồn từ chủ trương triển khai thực hiện Nghị định 115/2010 của Chính phủ và Công văn 6612 của Chủ tịch UBND tỉnh về đổi mới, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phòng Giáo dục, và đặc biệt là xuất phát từ những bất cập đã tồn tại khá lâu ở phòng, đó là thiếu cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách chuyên môn nhưng lại thừa cán bộ sự vụ. Vấn đề này, được Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho ý kiến tại Thông báo số 290 ngày 10/8/2012 về kết quả thực hiện các nội dung về giáo dục trong đó có mục 2 yêu cầu tiếp tục sắp xếp đủ cán bộ, chuyên viên, đề bạt, bổ nhiệm đủ cán bộ quản lý trước ngày 30/8/2012. Nhưng do nhiều biến động trong công tác nhân sự nên mặc dù phòng đã họp 6 lần song vẫn chưa giải quyết được.
Là người kế nhiệm, ông Đặng Văn Hóa chính thức lên nhận nhiệm vụ trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện từ ngày 1/12/2012. Ngay sau đó, với trách nhiệm của mình, ông và tập thể lãnh đạo phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định số 4379/QĐ – UBND ngày 14/12/2012 về Quy định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh tại phòng giáo dục - Đào tạo. Đến ngày 19/12/2012, phòng đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nội dung của Quyết định 4379 đến các cán bộ nhân viên trong phòng. Làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn từng chức danh trong bộ máy, đồng thời hướng dẫn cán bộ, chuyên viên căn cứ vào năng lực, trình độ chuyên môn để ghi nguyện vọng của cá nhân vào phiếu đề xuất vị trí việc làm.
Mặc dù không đảm bảo những tiêu chí trên, nhưng trong bản đăng kí nguyện vọng mà Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Chương đưa ra, tất cả cán bộ của Phòng vẫn đăng kí nguyện vọng 1 là ở lại Phòng Giáo dục - Đào tạo, sau đó mới đăng kí nguyện vọng hai là các vị trí khác. Có 2 trường hợp không đăng kí nguyện vọng là cô Nguyễn Thị Vân (chuyên viên phụ trách mầm non) và ông Chu Văn Tú, phụ trách văn thư. Trên cơ sở xem xét các tiêu chí, nguyện vọng của từng người, tập thể lãnh đạo Phòng đã xem xét trình chủ tịch UBND huyện ra các quyết định thuyên chuyển cô Nguyễn Thị Vân về giảng dạy tại Trường Mầm non Thanh Ngọc, cô Nguyễn Thị Ngọc về giảng dạy tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt, thầy Nguyễn Sỹ Kiếm về giảng dạy tại Trường THCS Thanh Thủy, thầy Bùi Văn Toại về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thanh Tùng, thầy Nguyễn Văn Thịnh làm Hiệu trưởng Trường THCS Đồng- Tường, thầy Võ Trùng Khánh về Trường THCS thị trấn, cô Võ Thị Hồng Bính về Trường THCS Tôn Quang Phiệt và ông ông Chu Văn Tú về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thanh Đồng.
Mô hình học theo nhóm ở Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Chương. Ảnh: M.H
Với sự sắp xếp trên, ông Đặng Văn Hóa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Chương, khẳng định: Huyện đã làm đúng theo các văn bản, hướng dẫn của bộ, tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo cũng như đã làm tuần tự các bước quy trình, đảm bảo theo đúng nguyện vọng của các cá nhân. Ví như thầy Nguyễn Sỹ Kiếm sức khỏe kém được giải quyết theo nguyện vọng 2 về dạy tại Trường THCS Thanh Thủy, trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, thầy phấn khởi vì được hưởng chế độ theo Nghị định 116/CP nên thu nhập gấp đôi so với làm chuyên viên ở phòng; thầy Bùi Văn Toại, tốt nghiệp cao đẳng khoa Sinh - Thể, trước phụ trách công tác tuyển sinh và bảo hiểm xã hội, nay được được giải quyết theo nguyện vọng 2 về dạy bộ môn Thể dục ở Trường Tiểu học Thanh Tùng thu nhập cũng cao hơn hẳn so với thu nhập ở phòng; hoặc cô Võ Thị Hồng Bính trước phụ trách thư viện, thiết bị tế trường học, nay được bố trí theo nguyện vọng 2 về công tác tại Trường Tôn Quang Phiệt phù hợp với sở trường nghề nghiệp; thầy Nguyễn Văn Thịnh cũng được giải quyết đúng theo nguyện vọng 2... Phòng cũng đã phân công cán bộ làm công tác tư tưởng nên các trường hợp thuyên chuyển phần lớn đều vui vẻ.
Tuy nhiên, xung quanh việc thuyên chuyển mang tính “cải tổ” này, cũng có ý kiến phản ứng cho là chưa thỏa đáng. Thầy Võ Trùng Khánh chia sẻ: “Việc thuyên chuyển là nhằm mục tiêu để nâng cao chất lượng Phòng Giáo dục - Đào tạo nhưng bản thân chúng tôi cũng thấy chưa thật hài lòng”. Gia đình của ông Chu Văn Tú thì băn khoăn: Tú chỉ có trình độ trung cấp Tin học, nhưng trong quá trình làm việc tại phòng đã học xong bằng tại chức đại học và luôn nỗ lực trong công việc. Nay bị thuyên chuyển, buồn là một lẽ, nhưng buồn hơn là từ ngày về Trường Tiểu học Thanh Đồng, Tú chưa được sắp xếp việc gì, vì chứng chỉ sư phạm không có, kinh nghiệm giảng dạy lại không?...
Rõ ràng, việc sắp xếp, thuyên chuyển cán bộ của Phòng Giáo dục - Đào tạo Thanh Chương nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy là phù hợp với yêu cầu phát triển. Song quá trình thực hiện còn nóng vội, chủ quan, dẫn tới có một số bất cập.
Thứ nhất, đến thời điểm này chưa có một văn bản nào của bộ, ngành Giáo dục đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo, có chăng chỉ là văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của phòng. Vì vậy, với các lý do mà Phòng Giáo dục - Đào tạo đưa ra như cô Vân mặc dù có hai bằng đại học, 10 năm làm việc tại Phòng nhưng vẫn phải chuyển về dạy ở trường vì mới chỉ có 4/5 năm công tác tại cơ sở; hay thầy Khánh tuy nhiều năm đạt giáo viên giỏi, song chưa có danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh là chưa đảm bảo tiêu chuẩn mà huyện đề ra... là thiếu thuyết phục. Trong khi đó, đối với trường hợp cô Ngọc, với lý do không có thành tích giáo viên dạy giỏi tỉnh, phòng quyết định thuyên chuyển về Trường Tôn Quang Phiệt, nhưng sau đó chưa đầy 1 tháng lại có quyết định biệt phái về Phòng. Ông Hóa cho rằng: Cô Ngọc là người có trình độ thạc sỹ, lại có năng lực về công tác chuyên môn nên có thể cho nợ về tiêu chuẩn giáo viên dạy giỏi tỉnh để có thời gian phấn đấu. Điều này đã làm dấy lên dư luận hoài nghi? Bởi cô Ngọc khi đã lên công tác tại Phòng sẽ không trực tiếp giảng dạy thì làm sao có thể trả được “nợ”!
Thứ hai, thời điểm ông Hóa chính thức về nhận công tác tại Phòng là vào đầu tháng 12, nhưng chỉ sau đó vài ngày, ông đã tham mưu và đưa ra nhiều quyết định quan trọng về công tác nhân sự, đồng thời chỉ hơn 1 tháng sau đã tham mưu hoàn thành các quyết định thuyên chuyển, không tính tới thời điểm nhạy cảm của việc đồng loạt thuyên chuyển 8 cán bộ vào giữa năm học là vội vàng. Không những thế, có cán bộ sau khi thuyên chuyển lại chưa sắp xếp, bố trí được việc làm như ông Tú, vừa gây nên sự lãng phí nguồn lực, vừa làm nảy sinh tư tưởng.
Với những gì chúng tôi tìm hiểu cho thấy, bên cạnh những nỗ lực cố gắng trong đổi mới công tác tổ chức cán bộ, Phòng Giáo dục - Đào tạo Thanh Chương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có hướng khắc phục những bất cập trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ để ổn định tư tưởng cho cán bộ, giáo viên toàn ngành.
Đưa ra quan điểm về sự việc trên, ông Nguyễn Huy Anh - Phó Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, có ý kiến: Việc thuyên chuyển là bình thường, mục đích nâng cao chất lượng giáo dục cũng không sai, thậm chí phòng cũng có thể tự đề ra các tiêu chí đánh giá... nhưng về vấn đề con người thì nên làm thận trọng, có lộ trình, có kiểm nghiệm, đánh giá, hơn nữa cần phải công bằng, khách quan, không nên vội vàng... Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, phụ trách khối huyện, lại cho rằng: Tiêu chí thì chỉ nên áp dụng với những tuyển dụng mới, còn những người cũ, đã có thời gian công tác lâu năm, đã có kinh nghiệm thực tế thì chưa thực sự thích hợp. |
Nhóm P.V