Các đồng bằng trên thế giới đang bị đe dọa

28/05/2013 20:45

Tại hội nghị Đối thoại các vùng đồng bằng thế giới năm 2013, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo nhiều đồng bằng lớn của trái đất đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và hàng loạt hoạt động của con người.

Hai hệ thống sông lớn nhất trên thế giới, Mekong và Misssipi, là trọng tâm của Hội nghị Delta 2013 diễn ra giữa cuối tháng 5 tại TP HCM, Việt Nam. Tại đây, các nhà chuyên môn đã nêu cảnh báo về tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng của các đồng bằng. Các cuộc đối thoại và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp phục hồi sức sống cho các dòng sông cũng như mang lại sự phát triển bền vững cho những vùng đồng bằng châu thổ.

Tại Việt Nam, lưu vực sông Mekong có diện tích khoảng 71.000 km2, chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực. Riêng đồng bằng Sông Cửu Long trên 40.000 km2, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với 17 triệu dân sinh sống. Nơi này hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Song chính đồng bằng trù phú này đang trở thành khu vực nhạy cảm và dễ tổn thương nhất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai cảnh báo: "Sông Mekong đã bị xếp vào một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán. Hiện nước mặn đã vào đến Tân Châu, Châu Đốc tỉnh An Giang. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ".

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến năm 2100 nước biển có thể dâng cao 1 mét, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long. Các thách thức trên đang ảnh hưởng nghiệm trọng đến hệ sinh thái của khu vực. Hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp và cuộc sống của hàng triệu người dân tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực và các nước liên quan cũng chịu tác động không nhỏ.

Xuất phát từ tính chất xuyên biên giới của những thách thức trên, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về an ninh nguồn nước và chống biến đổi khí hậu. "Chính phủ cũng chủ trương tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, ủng hộ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và sự phối hợp chặt chẽ với các nước, các bên liên quan nhằm phát triển bền vững các lưu vực châu thổ", ông Lai nhấn mạnh.

Tương tự Mekong, Mississippi cũng bước vào giai đoạn báo động. Đại diện cho Phái bộ Mỹ tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, Lê Thành Ân cho hay: "Tại Mỹ, vùng châu thổ sông Mississippi đang bị xói mòn nhanh chóng".

Ông Ân giải thích, các trầm tích và chất dinh dưỡng thường hỗ trợ cho một hệ sinh thái vùng châu thổ phát triển tốt, nay đang bị chặn lại bởi hệ thống đê đập được thiết kế để kiểm soát lũ lụt. Miền đầm lầy của Mỹ cũng đang xói mòn với diện tích tương đương một sân bóng đá mỗi giờ. Hệ thống sinh thái, hệ thống mà có vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, trong phòng chống bão và thuỷ triều dâng, đang bị đe doạ trầm trọng.

Nếu hệ sinh thái này tiếp tục bị tàn phá, sự hỗ trợ mà nó mang đến cho các con đường hàng hải, và đê đập cũng sẽ mất đi. "Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề hóc búa: làm thế nào để cân bằng giữa tận dụng mọi nguồn lợi của một dòng sông, nhưng vẫn duy trì được sự ổn định lâu dài của nó", ông Ân nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổ chức Đất ngập nước Mỹ, ông R. King Milling cho biết, tình trạng mất đất ở đồng bằng sông Mississippi đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất trên hành tinh. Đây không phải câu chuyện của riêng một quốc gia nào vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp chung. Bởi lẽ, nếu chúng ta mất đi đồng bằng, tất cả các lợi ích kinh tế nó cung cấp cho khu vực thượng lưu cũng sẽ bị mất.

Trong 10 năm qua, Tổ chức đất ngập nước của Mỹ đã đào sâu sâu vào các vấn đề châu thổ và ven biển. Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu cách thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng mãnh liệt hơn và các cơn bão lớn hơn trong một khoảng thời gian dài hơn. Họ cũng tìm giải pháp cho nạn sụt lún khi đối mặt với việc xây đập thượng nguồn và các kênh rạch của dòng sông.


Đồng bằng sông Mississippi. Ảnh: NASA

Chuyên gia Mỹ này nhấn mạnh, để tạo ra tương lai lành mạnh cho đồng bằng châu thổ đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp thực sự và ý chí để duy trì chúng thành hiện thực. Tất cả mọi nỗ lực nhằm giải quyết những tác động ngắn hạn để ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống và mất vĩnh viễn tài sản tự nhiên, kinh tế và xã hội.

Bí thư thứ nhất phụ trách về Nước và Thiên nhiên của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, ông Martien Beek nhận xét, hai hệ thống sông lớn Mekong và Mississippi cho thế giới hình ảnh về tương lai. Cần nỗ lực bảo vệ và duy trì sự bền vững của chúng.

Theo chuyên gia này, Hà Lan có hơn 800 năm kinh nghiệm quản lý nước và sẵn sàng chia sẻ với các nước. Một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất là xã hội cần tạo không gian cho các dòng sông và xây dựng (các không gian này) bằng những phương pháp tự nhiên.

Đại diện Ngân hàng thế giới, bà A. Acharya, kêu gọi Chính phủ các nước cần phải có cam kết hợp tác liên quốc gia để giải quyết những vấn đề các hai đồng bằng lớn nhất trên thế giới. Các bài học của Hà Lan sẽ hữu ích nên phải nhanh chóng chuyển giao công nghệ. Các nước cần chỉ ra đâu là những bài học có thể áp dụng để mang lại sự phát triển bền vững cho các đồng bằng. "Công việc này rất lớn lao và phức tạp, đòi hỏi nguồn kinh phí không hề nhỏ. Vì vậy cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các nhà tài trợ quốc tế để cứu lấy các đồng bằng đang bị đe dọa", bà A. Acharya nhận định.

Các nhà khoa học quốc tế cũng thống nhất rằng Chính phủ các nước đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các dự án có tầm ảnh hưởng to lớn này. Mỗi nước đều cần phải có quyết tâm biến các chính sách thành hành động. Cần có các mô hình thực tế và linh hoạt về nguồn nước, lượng phù sa, bồi lắng, sự xâm nhập của nước biển... và nhanh chóng đưa chúng vào những quy hoạch tổng thể. Riêng về nguồn vốn, các dự án bảo vệ sự phát triển bền vững cho đồng bằng châu thổ cần cơ chế thu hút vốn dài hơi, bền vững.

Kịch bản phù hợp nhất cho các đồng bằng là chuyên môn hóa nông nghiệp, phân loại ưu tiên theo từng khu vực để tập trung kiểm soát ngập úng, điều tiết lượng nước ngọt, xây dựng hệ thống kênh đào, đê điều... "Hoạt động nông nghiệp ở các đồng bằng cần sự kết hợp hài hòa giữa khai thác với nuôi trồng thủy sản, bảo vệ rừng, duy trì hệ sinh thái", chuyên gia Van De Groep nói.


Theo VnExpress - V.T