Tôi đi săn mật ong rừng!

24/06/2013 17:39

(Baonghean) - Khi trăm hoa đua nở, từng đàn o­ng kéo nhau về làm tổ, luyện mật, những người thợ săn mật cũng đóng gùi, chuẩn bị đồ nghề để vào rừng.

Mùa lấy mật thường bắt đầu từ tháng Ba đến tháng Bảy âm lịch, nhưng rộ nhất là tháng Ba đến Rằm tháng Tư (thời điểm mật o­ng ngon nhất). Những người thợ thường đi thành từng nhóm khoảng 4, 5 người (thường là anh em, họ hàng).

Theo chân nhóm thợ của anh Nguyễn Văn Tùng, chúng tôi vào rừng Khe Mừ (Thanh Thủy, Thanh Chương), bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mật o­ng. Qua Khu tái định cư Khe Mừ, gửi xe máy vào trang trại của một người quen, chúng tôi men theo lối nhỏ đi vào rừng sâu.



Chuẩn bị đồ nghề để lấy mật.

Đồ nghề mang theo khá đơn giản: một chiếc dao đi rừng, một ba lô đựng chai, can, túi ni lông, mũ bảo hộ và mấy gói bánh kẹo để ăn trưa. Sau 2 tiếng đồng hồ cắt rừng, anh Tùng dẫn chúng tôi đến một khe nước, rồi bảo cả nhóm dừng chân.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, anh giải thích: “Chờ tí là sẽ có con o­ng thợ ra đây “ăn” nước”. Hỏi mới biết, nhóm anh đã lấy mật ở tổ o­ng này một lần rồi. Lần trước lấy được hơn 10 lít mật và để lại “tợm” cho o­ng tiếp tục luyện mật, 10 đến 15 ngày sau quay lại lấy tiếp. Vì vậy, anh nắm rất rõ giờ o­ng đi “ăn” nước lúc nào.

Anh Thanh đi cùng tiếp lời: “Loài o­ng có thói quen “ăn” nước theo giờ nhất định. Tùy từng đàn, có đàn thường xuyên “ăn” tầm khoảng 10 giờ sáng, có đàn lại đến 2 giờ chiều mới xuống khe”. Người thợ săn khi đi qua khe, suối thường quan sát thấy o­ng “ăn” nước là theo đường bay của chúng để tìm đến tổ. o­ng sau khi “ăn” nước sẽ bay theo hình xoắn ốc khoảng 5 vòng, lên cao dần như máy bay cất cánh rồi lao về phía tổ.

Cả nhóm thợ chia nhau, trèo nhanh lên cây cao để quan sát điểm “rớt” (ong hạ cánh) của o­ng. Dân trong nghề gọi công đoạn này là “vèn o­ng”. “Vèn o­ng” là công việc đầu tiên và quan trọng nhất. Nó đòi hỏi phải nhanh mắt và có kinh nghiệm.

Anh Tùng có hơn 10 năm trong nghề nên việc quan sát đường bay của o­ng rất chuẩn xác. Nét mặt khắc khổ của người từng lăn lộn kiếm sống nhiều năm trong rừng vẫn hiện lên nét tươi vui, hóm hỉnh, anh bảo: “Tui giờ nhìn sách báo không thấy chữ được nữa, nhưng quan sát đường bay của o­ng thì nhanh lắm. Lạ nỗi, hình như mỗi lúc nhìn thấy o­ng thợ “ăn” nước là mắt mình sáng ra”. Anh Thanh ngồi bên cạnh tiếp lời: “Bữa ni không phải “vèn o­ng” chứ có hôm đi cả tuần trời cũng chưa tìm thấy tổ o­ng. Chúng nhanh và khôn lắm. Người mới vào nghề thì chịu”.

Nghỉ chân một lát, chúng tôi tiếp tục sang cánh rừng bên cạnh. Mệt bở hơi tai nhưng khi nhìn thấy tổ o­ng nằm trên cao, dường như cái mệt tản đi.

Nam - thành viên trẻ nhất nhóm, sinh năm 1994, đang theo anh Tùng học nghề sẽ là người trèo lên cây, trực tiếp lấy mật. Nam nhanh nhảu đội mũ bảo hộ được làm bằng tấm lưới, mang gùi, tay cầm đuốc rồi bám vào “đày”, một kiểu thang dây.

Leo lên đến tổ o­ng, Nam bắt đầu châm đuốc, khói xông trắng mù. Đàn o­ng say khói vỡ tổ, bay nháo nhác. Lúc này, những tảng mật vàng ươm lộ ra, Nam nhanh tay cắt từng tầng mật cho vào gùi sau đó nhẹ nhàng tụt xuống.

Chúng tôi ở bên dưới cũng cầm một bó đuốc nhỏ được làm từ mảnh vải quần bò. Anh Thanh cho biết, vải quần bò cháy được lâu và tạo khói nhiều lắm. Bầy o­ng mất tổ bay vù xuống mặt đất khiến chúng tôi một phen hú vía.

Chờ một lát, Nam mang theo gùi mật o­ng men từ dưới khe đi lên. Nam đi đường vòng, đánh lạc hướng đàn o­ng nên không bị chúng đuổi.



Vừa rót mật, vừa lắng lọc để loại bỏ cặn bã.

Đặt cái gùi xuống mép khe, Nam thở dài, nói với anh Tùng: “Được ít lắm “thầy” ạ, chỉ tầm lít rưỡi mật thôi”. Rồi Nam vắt mật theo lời chỉ dẫn của “thầy”, Sau đó lắng mật đổ vào can. Xong việc ánh mặt trời đã ngả về phía Tây. Mọi người chia nhau ăn sáp o­ng cho đỡ đói.

Ra đến bìa rừng là 3 giờ chiều, bụng đói meo, tôi đi rừng không quen, mệt lử người. Nhưng khi đi qua khe nước, thấy o­ng thợ “ăn” nước anh Thanh ới mọi người lại, bố trí chỗ đứng để quan sát đường bay của o­ng. Họ say sưa “vèn o­ng”, còn tôi ngồi chờ bên mép đường, lòng thán phục về sự kiên trì và độ “say nghề” của những người thợ săn mật.

Nghề lấy mật o­ng là nghề dành cho người có “lá gan lớn”. Trèo đèo, lội suối, vào tận rừng sâu để lấy được vài lít mật không hề đơn giản. Phải chịu khó, kiên trì và say nghề mới làm được.

Có nhóm đi ba, bốn ngày rồi trở về tay không, có người trở ra phải khiêng trên võng vì bị o­ng đốt, sưng vù, lên cơn sốt rét. Thế nhưng, cái nghề này nó như ăn sâu vào máu, ai đã theo nghề là không thể bỏ được, trừ khi sức khỏe không đảm bảo. Người có kinh nghiệm thường giấu nghề, hầu hết là cha truyền con nối, người ngoài khó ai học được.

Săn mật o­ng vất vả, nguy hiểm nhưng luôn hấp dẫn những người đàn ông của núi rừng. Mỗi lít mật o­ng bán được 500.000 đồng, tính ra mỗi chuyến có khi thu được hàng chục triệu.

Mật o­ng rừng rất quý hiếm, bổ dưỡng nên cứ đưa về đến nhà là có người đến hỏi mua. Nhưng không phải cứ xách gùi vào rừng là có mật o­ng đem về. Thế nhưng, có những gia đình 3, 4 đời liên tiếp đều làm nghề đi lấy mật. Có người đi làm ăn xa, đến mùa con o­ng đi lấy mật là khăn gói trở về để đi rừng. Dường như, nghề đi rừng lấy mật đã ăn sâu vào máu thịt, những người dân nơi đây gắn bó với nghề như là cách để họ tri ân với tổ tiên.


Nguyễn Lê