Việt Nam có HCV đầu tiên nội dung Ngũ môn quyền
Ở nội dung Ngũ môn quyền, võ sỹ Trần Thế Thường đã ghi được 281 điểm và giành tấm huy chương vàngđầu tiên của Giải vô địch Vovinam thế giới lần 3 tổ chức tại Paris, Pháp.
Võ sỹ Hồ Minh Tâm (phải) đang thực hiện đòn chân tấn công trong trận đấu với võ sỹ Bỉ. (Ảnh: Lê Hà.Vietnam+)
Hấp dẫn ngay tiếng cồng khai cuộc
Trong buổi sáng thi đấu đầu tiên 5/7, võ sỹ Hồ Minh Tâm đã nhận trọng trách xuất quân cho đoàn Vovinam Việt Nam. Trước đối thủ khá mạnh đến từ Bỉ, Melon Floria, Minh Tâm với kinh nghiệm và đòn thế đa dạng, đặc biệt là những đòn tung người trên không thực hiện đòn chân tấn công sắc bén, đã giúp anh có thế trận khá tốt.
Sau hiệp đầu căng cứng, bước sang hai hiệp đấu cuối, võ sỹ Việt Nam đã bùng nổ để tung ra những cú đá chính xác để giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3-0 và đi tiếp vào vòng tứ kết hạng cân -64kg nam.
Ở trận tứ kết, Minh Tâm cũng xuất sắc hạ võ sỹ rất mạnh đến từ Iran Mahdi để lọt vào vòng bán kết.
Trần Khánh Trang cũng là nữ võ sỹ đầu tiên bước ra thảm đấu ở nội dung đối kháng của đoàn Việt Nam. Đối thủ trong trận đấu đầu tiên ở hạng cân 51kg nữ của Trang là võ sỹ chủ nhà Pigeau Caroline.
Mặc dù phải đối mặt với sức ép từ khán đài, nhưng Khánh Trang vẫn tỏ rõ sự quyết tâm bằng những pha tấn công liên hoàn sắc bén.
Kết thúc ba hiệp đấu, Khánh Trang đã giành chiến tháng chung cuộc với tỷ số 4-0để góp mặt trong trận chung kết diễn ra vào rạng sáng giờ Việt Nam.
Trận đọ găng của nhà vô địch thế giới Nguyễn Duy Khánh (60kg nam) trước đối thủDin Adel (Algeria) diễn ra khá cân tài cân sức và đầy kịch tính. Cả hai võ sỹ đã thi triển khá nhiều đòn đánh đạp mắt và đăng trưng của võ Việt khiến cho khán giả có mặt trên khán đài nhà thi đấu Học viên Judo Pháp mãn nhãn.
Phải đến những giây phút cuối cùng, bằng cú đấm thôi sơn phản công chính xác, Duy Khánh mới gian được chiến thắng cuối cùng để góp mặt trong trận đấu chung kết của hạng cân này.
Các võ sỹ Việt Nam khác cũng ra tranh tài nội dung đối kháng trong ngày ra quân: Trần Ngọc Nam (57kg nam), Nguyễn Thị Kim Hoàng (54kg nữ), Trần Anh Tuấn (54kg nam).
Cũng trong ngày đấu đầu tiên, ở nội dung quyền, võ sỹ Việt Nam Trần Thế Thường với kỹ thuật chuẩn và thể hiện được cái hồn của bài thi đã giành được số điểm khá cao (281 điểm), qua đó giành tấm huy chương vàng đầu tiên tại giải (và cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Việt Nam) ở nội dung Ngũ môn quyền. Huy chương bạc và huy chương đồng nội dung này thuộc về Senegal và Nga.
Quốc tế hóa Vovinam
Theo điều lệ của WVVF, Giải vô dịch thế giới về võ thuật được tổ chức hai năm một lần, từ năm 2008, đã có hai giải vô địch được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2009 và 2011.
Đây là lần thứ ba Giải vô địch Vovinam thế giới được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên (từ khi thành lập WVVF) giải vô địch môn võ thuật được tổ chức ở nước ngoài và tại Pháp, với sự tham gia của 20 đoàn võ sư và huấn luyện viên đến từ20 quốc gia trên thế giới – một minh chứng rõ nét cho sự phát triển của bộ môn thể thao này.
Việt Nam và Pháp là hai nước có số lượng vận động viên tham giađông nhất.
Đại sứ Dương Chí Dũng cho rằng đây là sự kiện "có ý nghĩa đặc biệt quan trọng" vì là giải vô địch Vovinam thế thế giới đầu tiên được tổ chức ở ngoài Việt Nam và đánh dấu 75 năm hình thành và phát triển của môn Vovinam và 40 năm môn võ thuật này được quốc tế hóa. Vovinam Việt võ đạo đã giúp các môn đồ phát triển trí tuệ và thể lực đồng thời rèn luyện "tâm hồn trong sáng, tinh thần quả cảm và lòng tin."
Phó chủ tịch WVVF Francis Didier cho biết các môn võ Việt Nam tồn tại ở Pháp từnhiều thập kỷ qua, thu hút nhiều môn sinh, nhất là Vovinam. Hiện nay Pháp có khoảng 800 câu lạc bộ và khoảng 15.000 võ sinh. Nước Pháp có thể tự hào là "quốc gia đón tiếp" đối với các môn võ Việt Nam, quốc gia đầu tiên tại châu Âu có các môn võ Việt Nam du nhập.
Vovinam có mặt ở Pháp từ hơn 40 năm qua sau đó phát triển nhanh và rộng trên nhiều nước như Ý, Tây Ban Nha, một số nước châu Phi và châu Âu. Hiện nay Vovinam có mặt tại 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Việt Nam là "cái nôi" của Vovinam nên việc Việt Nam nhận được các giải và huy chương là điều dễ hiểu, song việc quảng bá bộ môn võ thuật này và văn hóa Việt Nam với châu Âu và thế giới quan trọng hơn nhiều.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã trao bằng khen của Việt Nam cho ông Francis Didier Phó chủ tịch WVF, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Pháp (FFKDA), vì "những đóng góp tích cực cho việc phát triển ngoại giao văn hóa" Việt-Pháp./.
Theo (Vietnam+) - ĐT