Giảm bớt ảnh hưởng loét miệng ở trẻ

03/06/2013 18:55

Loét miệng xảy ra quanh năm ở trẻ nhỏ. Điều này gây đau đớn cho trẻ và ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng.

Trong dân gian hay gọi loét miệng là nhiệt miệng, tức là trong cơ thể bị nóng, phát ra nhiệt gây loét niêm mạc miệng. Thông thường nhiệt miệng có nhiều vết loét cho nên làm cho trẻ rất khó chịu, chảy nước miếng nhiều, trẻ gầy sút do không ăn được hoặc ăn rất ít.

Trẻ thường mệt mỏi, khó ngủ hay quấy khóc vì đau, nhất là lúc ăn, uống. Loét miệng cũng có thể do virus Herpes và thường chỉ gây nên một vết loét. Loét miệng do virus Herpes cũng có các triệu chứng như loét miệng do nhiệt.

Ngoài ra loét miệng có thể do virus thủy đậu (bệnh thủy đậu), virus gây bệnh tay chân miệng (virus Coxsackie A16 hoặc virus EV 71). Loét miệng do virus thủy đậu hoặc virus gây bệnh tay chân miệng thì ngoài gây các nốt phỏng ở da, niêm mạc lòng bàn tay, chân, mông (bệnh tay chân miệng) cũng có thể gây các nốt phỏng ở niêm mạc miệng. Niêm mạc miệng do bệnh thủy đậu hoặc do bệnh tay chân miệng thường có nhiều nốt phỏng, loét, gây đau, rát, chảy nước miếng và đồng thời có sốt.

Ở những cơ thể trẻ do nuôi dưỡng thiếu chất hoặc trẻ hấp thu kém, gây thiếu một số vi chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, axit folic, chất sắt cũng có thể gây loét miệng. Loét miệng cũng có thể do chấn thương làm viêm, dập nát niêm mạc miệng (trẻ bị ngã đập vào vùng miệng) hoặc có thể do ăn thức ăn hoặc nước uống nóng quá làm bỏng, loét niêm mạc miệng gây đau. Trẻ lớn gặp stress liên tục cũng có thể gây nên loét miệng.

Loét miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau có loại đơn thuần (nhiệt miệng) nhưng có loại có thể gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy khi trẻ bị loét miệng nên cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân.

Loét miệng gây đau, rát cho nên dùng thuốc giảm đau cho trẻ là rất cần thiết nhưng dùng loại gì cho phù hợp với từng trẻ là công việc của bác sỹ khám bệnh, các bậc phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhuyễn (cháo, súp, bột dinh dưỡng), không nóng, không cay, không chua và tốt nhất là hợp với khẩu vị thường ngày của trẻ.


Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu - Tiền phong - nt