Thiếu vi chất dinh dưỡng, trẻ dễ ốm

03/06/2013 18:46

Việc ăn uống cấp các dưỡng chất cần thiết phục vụ sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ chưa chú ý tới sự cân bằng về dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ.

Đó là nguyên nhân nhiều bé bị các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới trí tuệ, học hành và chậm phát triển thể chất….

Bệnh do thiếu khoáng chất

GS-TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khuyến cáo tại buổi công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đầu tháng Ba vừa qua: Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn. Con số này cao hơn so với ba nước cùng được khảo sát là Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết, bệnh lý do thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em có thể chia thành hai nhóm chính: nhóm thiếu khoáng chất và nhóm thiếu vitamin.

Nhóm thứ nhất là trẻ bị thiếu sắt, kẽm (khoáng chất). Bệnh nhi ở nhóm này da dẻ xanh xao, uể oải, trí nhớ kém, không tập trung, cơ nhão, rụng tóc. Bệnh hay xảy ra ở những bé độ tuổi ăn dặm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do trẻ ăn thịt, cá hay nhả bã, hoặc cũng có thể do trẻ không chịu ăn rau, trái cây. Thiếu sắt nặng trẻ có thể dẫn tới thiếu máu.

Đối với các bệnh nhi thiếu kẽm, sự thiếu hụt này ảnh hưởng nhiều tới miễn dịch. Bé hay chán ăn, mệt mỏi, dễ ốm vặt, nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, viêm da, lở miệng.
Những bệnh nhi bị thiếu sắt và kẽm thường phát triển chiều cao chậm.

Bệnh do thiếu vitamin

Trong nhóm bệnh do thiếu vitamin, nếu bị thiếu vitamin A, trẻ hay khô da, nặng hơn sẽ ảnh hưởng tới mắt như khô giác mạc, kết mạc. Thiếu vitamin A còn tác động xấu tới cả hệ miễn dịch và sự tăng trưởng của bé.

Hằng ngày, khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2 gặp rất nhiều bệnh nhi bị thiếu vitamin D. Biểu hiện của trẻ khi thiếu vitamin D giống như thiếu canxi: dễ bị kích thích, dễ cáu gắt, quấy khóc, hay vặn mình, ngủ không ngon, đổ mồ hôi nhiều, tóc thưa, rụng hình vành khăn, chậm phát triển chiều cao, chậm đi đứng và vận động.

Theo BS Hậu, để cơ thể bé tổng hợp được vitamin D, phải cho trẻ ra nắng. "Không chỉ bé mà ngay bà mẹ cũng nên phơi trực tiếp dưới nắng ấm mỗi sáng sớm từ 15 đến 20 phút. Trong lúc phơi nắng, không nên che đậy da bé, làm mất đi tác dụng của ánh nắng. Phụ huynh cũng nên hỗ trợ cơ thể bé tổng hợp vitamin D dễ dàng hơn bằng cách bỏ thêm dầu ăn vào bột, cháo của bé. Dầu ăn không chỉ giúp hòa tan vitamin D, A mà còn làm bữa ăn của bé đầy đủ năng lượng", bác sĩ Hậu chia sẻ.
Nhóm bệnh do thiếu vitamin ở trẻ còn phải kể tới là các bé bị thiếu vitamin nhóm B, C. Việc thiếu vitamin nhóm B ảnh hưởng tới chuyển hóa. Thiếu vitamin nhóm C khiến hệ miễn dịch của bé kém, làm bé hay bị ốm.

Cách phòng, tránh

Vậy làm thế nào để phòng, tránh các bệnh lý do thiếu vi chất ở trẻ? Bác sĩ Hậu khuyên cha mẹ nên thay đổi những quan niệm lâu đời thiếu khoa học về dinh dưỡng. Ví dụ: Nhiều gia đình nghĩ lấy nước xương hầm nấu cháo cho bé để bổ sung canxi. Trên thực tế, quan niệm này hoàn toàn sai. Canxi ở xương không hòa tan trong nước và nước xương hầm chẳng có giá trị dinh dưỡng gì cả.

Nhiều gia đình lại nghĩ, không nên cho trẻ ăn chất béo vì khó tiêu. Điều này cũng sai. Cơ thể của trẻ chỉ có thể hấp thụ một số loại vitamin như D, A hay đạm nhờ thực đơn có bổ sung dầu ăn.

Quan niệm "khôn ăn nước dại ăn cái" của ông bà ta cũng không nên áp dụng với trẻ. Trẻ cần ăn cả xác của rau, thịt, cá. Nếu trẻ lười nhai, hay nhả bã, phụ huynh nên băm nhuyễn các thực phẩm trên, trộn chung với cháo cho con ăn.

Nhiều bà mẹ ra sức tẩm bổ cho con bằng cách bỏ quá nhiều thịt, phô mai vào chén cháo, đây cũng là một sai lầm. Trẻ sẽ ngán, chán ăn và dẫn tới khó tiêu.

Tóm lại, BS Hậu lưu ý, phụ huynh hãy cho trẻ ăn uống đa dạng, đúng cách, nhưng không nên ăn thái quá một món.


Theo Phụ nữ TP.HCM - nt