Người đứng mũi chịu sào

08/05/2013 17:19

Lần đầu tiên tôi biết anh cách đây 15 năm có lẻ. Ngẫm lại cuộc đời cũng thấy thú vị thật. Nếu ngày ấy, không có dự án do Nhật tài trợ cho Hội Người mù tỉnh, có lẽ tôi đã hình dung và hiểu Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội Người mù Nghệ An theo một hướng khác. Bởi trước đây, những người gần anh, thậm chí còn nhận là thân với anh đều nói với tôi về anh những điều không như tôi cảm nhận. Được gần gũi với anh, tôi thấy anh có năng lực và bản lĩnh thực sự, anh đúng là “đứng mũi chịu sào” chèo lái con thuyền nhiều sóng gió đưa những người đồng tật đến những miền đất bình yên.

(Baonghean) - Lần đầu tiên tôi biết anh cách đây 15 năm có lẻ. Ngẫm lại cuộc đời cũng thấy thú vị thật. Nếu ngày ấy, không có dự án do Nhật tài trợ cho Hội Người mù tỉnh, có lẽ tôi đã hình dung và hiểu Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội Người mù Nghệ An theo một hướng khác. Bởi trước đây, những người gần anh, thậm chí còn nhận là thân với anh đều nói với tôi về anh những điều không như tôi cảm nhận. Được gần gũi với anh, tôi thấy anh có năng lực và bản lĩnh thực sự, anh đúng là “đứng mũi chịu sào” chèo lái con thuyền nhiều sóng gió đưa những người đồng tật đến những miền đất bình yên.

Lớp học vi tính ngày ấy của chúng tôi gồm 10 người, chủ yếu là chủ tịch các huyện hoặc người kế cận. Tôi vào diện đặc biệt vì đã nhiều tuổi, lại không còn làm công tác Hội. Cô giáo đáng tuổi con cháu, không được nhận biết ánh sáng từ lúc ra đời. Mãi sau này tôi mới biết đó là cháu ngoại của thầy giáo dạy tôi ngày cấp III. Chúng tôi học có phòng riêng, mỗi người sử dụng một máy vi tính. Tôi được bố trí nghỉ và làm việc tại phòng của anh Đức, gần gũi với anh hàng ngày, tôi càng hiểu và khâm phục anh hơn.

Nguyễn Minh Đức sinh ra trong một gia đình có 7 người con thì 4 người là liệt sỹ, còn lại 3 người là thương binh. Đức là thương binh nặng. Mẹ anh hiện đã 95 tuổi. Rời nghiên bút khi nước nhà đã thống nhất nhưng biên giới Tây Nam vẫn còn kẻ địch nhòm ngó, anh lên đường làm nghĩa vụ. Năm 1978, tại Tây Ninh, trong một lần bị địch truy kích ráo riết, anh bị thương rồi mù cả hai mắt khi tuổi đời chưa đến hai mươi.

Trở về trại an dưỡng, Đức làm đủ mọi nghề. Tuổi đời còn quá trẻ để suy nghĩ mọi việc chín chắn, giữa lúc thời buổi kinh tế muôn vàn khó khăn, cuộc sống với ai cũng chật vật, có lúc anh cũng đã tham gia vào đội quân "Ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam" để tự nuôi sống mình và còn để giải tỏa những bức bối của tuổi trẻ bị “giam cầm” trong bóng tối. Để rồi có những lúc bình tâm, anh thấy mình đang đứng giữa ngã ba đường “Cứ như thế này, mình sẽ là ai?” Suy đi nghĩ lại, để mẹ già cần nơi nương tựa sau quá nhiều mất mát, anh chọn con đường thứ 3, năm 1985, anh kết duyên cùng Phúc, cô y tá của trại điều dưỡng. Dẫu có chìm, có nổi, nhưng cuộc đời sáng tối bên nhau. Tổ ấm của anh có nhà cửa và 2 cậu con trai mạnh khỏe.

Đức đến với người mù không phải tình cờ mà xuất phát từ tình đồng đội, đồng tật. Năm 1992, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Tỉnh hội Người mù Nghệ An. "Tay không bắt giặc", anh nhờ người nhà đưa đến hết cơ quan này đến cơ quan khác thuyết phục hỗ trợ cho hoạt động Hội. Năm 1995, Đức được bầu làm Chủ tịch Hội, lúc này, “bột" đã có ít nhiều, nhưng muốn “gột nên hồ” cũng còn nhiều gian nan lắm. UBND tỉnh cũng như một số ban, ngành qua những đề đạt của anh đã cấp phương tiện đi lại, bổ sung thêm nguồn nhân lực, phần lớn là anh em thương binh, phụ cấp 50.000 đồng mỗi tháng...

Đồng cảm với nghị lực và bản lĩnh của anh và những người đồng tật, dần dà, cộng đồng và các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ. Khuôn viên của Tỉnh hội có diện tích đất vài ngàn mét vuông ngay trung tâm thành phố, một số được chia cho cán bộ, nhân viên của Hội, có sổ đỏ đàng hoàng. Diện tích khoảng 1500m2 được dùng làm văn phòng, nhà làm việc, hội trường, khu vực nhà bếp, nhà ăn, phòng ở của nhân viên, khu vực mát xa, tẩm quất, được Trung ương Hội đánh giá là tốp đầu trong cả nước.



Một cơ sở sản xuất tăm tre của Hội người mù TP. Vinh. Ảnh: Trần Hải

Đã hơn 20 năm, trải qua bao kỳ đại hội, Nguyễn Minh Đức luôn là người đứng mũi chịu sào, đồng cam, cộng khổ với người đồng tật. Mặc dầu nhà anh cách Hội hơn 4 km, nhưng mùa hè cũng như mùa đông, mưa cũng như nắng, lúc nào anh cũng đến đúng giờ, hoặc trước giờ làm việc.

Từ chỗ chỉ có 3, 4 cơ sở huyện hội với hơn 200 hội viên, đến nay toàn tỉnh đã có 19/20 huyện, thị, thành lập Hội với hơn 3000 hội viên. Huyện, thị nào cũng có bàn chân của Đức từng đến, để lắng nghe và tháo gỡ những khúc mắc của anh em trong quá trình sinh hoạt Hội. Anh em bè bạn trong và ngoài tỉnh biết tiếng đều khâm phục tấm lòng và sự bền bỉ cống hiến cho hạnh phúc người mù của anh.

Phụ cấp hiện nay vẫn chỉ 1.750.000 đồng, cơ quan xe thì có mà lái xe thì không, nên có việc xuống cơ sở hay quan hệ với các ban ngành, trái gió hay trở trời anh vẫn làm bạn với ô tô khách hoặc xe buýt. Anh em cơ sở thấy ái ngại cho anh, nhưng anh lại cho là chuyện bình thường. Ở anh còn là sự tự học hỏi không ngừng. Vốn ngoại ngữ của anh giờ có thể tự tin giao tiếp với khách nước ngoài mà không cần phiên dịch. Ghi nhận những đóng góp của anh, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã tặng anh nhiều phần thưởng cao quý. Đó là nguồn động viên, cũng là động lực giúp anh phấn đấu và cống hiến không mệt mỏi với sự nghiệp vì hạnh phúc của người mù.

Nhưng giá như, hạnh phúc riêng của anh vẹn tròn thì gánh nặng trên vai anh sẽ được san sẻ phần nào. Tôi đã từng tặng anh bài thơ trong đó có câu: “Khi tổ ấm gia đình rạn nứt/ Hai vai ông bên gánh bên gồng”. Đó là những tưởng anh cùng vợ sẽ cùng nhau đi suốt cuộc đời, ngờ đâu. . . Sau bao nhiêu sóng gió, vượt lên mọi khúc mắc thuở hàn vi, đến lúc gia đình tưởng chừng yên ổn thì người phụ nữ gắn bó với anh lại rẽ sang lối khác. Đấy cũng là thời gian tôi đang học vi tính và ở tại phòng anh.

Hôm vợ anh cưới người chồng mới, tôi và anh ngồi uống rượu, anh buồn lắm. Nhưng dường như mọi đau khổ anh nuốt cả vào trong. Một mình anh gồng gánh nuôi hai con trai ăn học thành người tử tế. Ngày con trai anh thành gia thất, mẹ chúng cũng không đến dự. Nhưng anh vẫn bảo con đưa vợ đến chào mẹ đàng hoàng. Cổ nhân dạy: Nhân vô thập toàn. Con người anh cũng đúng như vậy. Năng động nhưng nóng nảy, bộc trực, yêu ghét thể hiện lên mặt mà không biết khéo léo che đậy. Nhưng tâm anh sáng, và hết lòng tận tụy, đồng cam cộng khổ, anh vẫn là chỗ dựa tin cậy với người đồng tật.


Nguyễn Khắc Phiên (Hội Người mù Diễn Châu)